Lydia Park tạm thời được nghỉ ngơi sau khi cô con gái 9 tháng tuổi Irene đang bận rộn khám phá căn phòng đồ chơi bên trong một trung tâm cộng đồng ở Seoul, Hàn Quốc.

Hai mẹ con thường xuyên đến đây bởi nơi này chỉ cách nhà khoảng 10 phút đi xe buýt. Trung tâm cộng đồng với các phòng chơi riêng cho từng lứa tuổi cũng là một trong các biện pháp khuyến khích sinh đẻ của chính phủ xứ kim chi.

Là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, số con trung bình một phụ nữ Hàn Quốc sinh trong đời ngày càng ít. Năm 1970, tỷ lệ sinh ở nước này là 4,5. Gần 50 năm sau, con số này chỉ còn 1,05, theo Bloomberg.

Không chỉ xứ củ sâm, đây cũng là tình trạng và mối lo chung của một số nước châu Á như Nhật Bản, Singapore hay Trung Quốc những năm gần đây. Ổn định dân số, tạo ra nguồn lao động mới cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí an sinh xã hội là điều khiến chính phủ các quốc gia này đau đầu và tìm cách khắc phục.

Tặng tiền, khuyến khích kết hôn


Trong cuộc họp vào 5/10 vừa qua, Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat cho biết nước này sẽ cấp tiền cho người dân sinh con, trang trải chi phí thai sản trong dịch Covid-19 song chưa xác nhận khoản tiền cụ thể là bao nhiêu.

Đảo quốc sư tử là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp trên thế giới, chỉ ở mức 1,14 trẻ em/phụ nữ, theo cơ quan thống kê quốc gia. Từ năm 1980, nước này phải đưa ra nhiều chiến dịch khuyến khích sinh con cùng loạt ưu đãi về tài chính và thuế.

Singapore áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh sản. Ảnh: Straits Times.

Tặng tiền cũng là phương pháp khuyến khích kết hôn, sinh đẻ được Nhật Bản áp dụng. Hiện, số con trung bình mà một phụ nữ Nhật Bản sinh trong đời là 1,36. Năm ngoái, chỉ có 865.000 trẻ được sinh ra - mức thấp kỷ lục, theo Japan Today. Quốc gia này cũng được coi là “siêu già” với khoảng 20% dân số trên 65 tuổi.

Từ tháng 4/2021, các cặp mới kết hôn ở Nhật Bản có thể được nhận khoản trợ cấp là 600.000 yen (5.700 USD) để trang trải phí thuê nhà và các chi phí khác khi bắt đầu cuộc sống mới.

Đặc biệt, ở một thị trấn tên là Ama trên đảo Nakanoshima, nơi có "kế hoạch đòn bẩy để khuyến khích sinh nở”, bố mẹ sẽ được nhận 100.000 yên (khoảng 940 USD) khi sinh đứa con đầu lòng và lên tới 1 triệu yên (khoảng 9.400 USD) cho đứa trẻ thứ 4.

Nhờ vậy, tỷ lệ sinh của thị trấn đã tăng từ 1,66 lên 1,80 trong giai đoạn 2014-2015, theo Weforum.

Tương tự, chính phủ Hàn Quốc cũng tặng 500.000 won (hơn 400 USD) cho các cặp vợ chồng mới kết hôn để giúp trang trải các chi phí chuẩn bị trước khi sinh.

Trong năm đầu tiên sau khi đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ được trợ cấp tiền mặt hàng tháng lên đến 200.000 won (khoảng 170 USD). Theo Bloomberg, con số này sẽ tăng lên tương ứng với mỗi đứa trẻ tiếp theo.

Nghỉ thai sản dài ngày, hỗ trợ nuôi con


Là đất nước tỷ dân, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do ảnh hưởng từ chính sách một con của nước này từ năm 1980 kéo dài đến 2015.

Bên cạnh đó, chi phí nuôi con tốn kém, đặc biệt là ở các thành phố lớn cũng khiến không ít cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con, chứ chưa nói đến có nhiều hơn một đứa.

Sau khi chính sách hai con được thực hiện, đã có 17,86 triệu trẻ sinh mới trong năm 2016. Nhưng năm 2017, con số này giảm xuống còn 17,23 triệu và giảm thêm 2,63 triệu vào năm 2018.

Nhiều địa phương ở Trung Quốc tặng tiền cho các cặp mới cưới, khuyến khích sinh nở. Ảnh: AP.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhiều trung tâm và nền tảng trực tuyến chỉ dẫn sinh sản, cung cấp dịch vụ thuận tiện hỗ trợ các cặp vợ chồng trẻ.

Tại Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây, chính quyền địa phương còn trợ cấp chi phí làm đám cưới cho người dân từ chụp ảnh cưới, du lịch trăng mật cho đến trang trí lại căn hộ và thậm chí cả mua đồ dùng gia đình.

Mỗi cặp còn được giảm 3 nhân dân tệ (0,44 USD) với mỗi gram vàng mua làm đồ trang sức cưới và mỗi lần mua xe được hoàn 500 nhân dân tệ (73,6 USD), theo Sixth Tone.

Không chỉ vậy, chính phủ Trung Quốc cũng nỗ lực hạn chế tỷ lệ ly hôn khi yêu cầu các cặp vợ chồng muốn hoàn tất thủ tục “đường ai nấy đi” sẽ phải trải qua quá trình kéo dài 30 ngày để suy xét lại quyết định của mình.

Trong khi đó, luật pháp Nhật Bản cho phép cả nam và nữ nghỉ làm nhiều nhất là 1 năm sau khi sinh con. Đàn ông nước này cũng được khuyến khích “nghỉ thai sản” cùng vợ để giúp đỡ việc nhà, chăm sóc con cái, giảm áp lực cho các bà mẹ.

Các trung tâm trông giữ trẻ, dịch vụ khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh, bà bầu, chăm sóc sau sinh hay dịch vụ sinh nở cũng được chính phủ hỗ trợ điều chỉnh giá thành, tăng chất lượng phục vụ cho người dân.

Theo  Zing