Tỷ lệ vắc-xin Covid-19 các nước có thu nhập cao, trung bình cao, trung bình thấp và thấp mua được so với dân số trưởng thành của họ khi chưa tính gộp việc tái phân phối của COVAX (trái) và sau khi tính (phải). Đồ họa: KKK

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã chứng kiến những nỗ lực mạnh mẽ nhằm nhanh chóng cho ra đời các loại vắc-xin giúp phòng ngừa virus corona chủng mới, thông qua các khoản tài trợ lớn cho các nhà phát triển dược phẩm, việc đặt hàng trước cũng như các hỗ trợ khác của Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu.

Điều đó dẫn đến việc một số loại vắc-xin ngừa Covid-19 được trình làng và phê duyệt sử dụng sớm hơn nhiều so với thông lệ. Song, quá trình phát triển và phân phối những chế phẩm này đã để lộ sự bất bình đẳng nghiêm trọng trên toàn cầu.

Bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn cung

Chỉ trong vòng một tháng sau khi 3 loại vắc-xin đầu tiên, bao gồm của Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca được Mỹ và châu Âu phê chuẩn lưu hành, các nước phát triển, vốn chỉ chiếm 19% dân số thế giới đã nhanh chóng giành được các thỏa thuận thâu tóm phần lớn nguồn cung toàn cầu trong năm 2021.

Theo tạp chí Nature, tính đến tháng 2, các nhà sản xuất vắc-xin đã nhận được đặt hàng 8,6 tỷ liều vắc-xin. Song, khoảng 6 tỷ liều trong số này dành cho các nước có thu nhập cao và trung bình. Trong đó, Canada đã có thể đặt hàng lượng vắc-xin đủ để chủng ngừa cho hơn gấp 10 lần dân số nước này và Mỹ được đảm bảo cung cấp lượng vắc-xin đủ tiêm phòng cho hơn gấp 4 lần dân số toàn quốc.

Ngược lại, các quốc gia nghèo hơn, vốn chiếm tới 80% dân số thế giới, dự kiến chỉ có thể tiếp cận không đầy 1/3 số vắc-xin xuất xưởng trong năm nay.

Giáo sư kinh tế Jayati Ghosh thuộc Đại học Massachusetts nhận định, thực tế trên một phần do các nước giàu đã nhanh chân đặt hàng trước, thậm chí trước cả khi các cơ quan quản lý cấp phép lưu hành vắc-xin. Khoảng 44 hợp đồng song phương giữa các chính phủ và các công ty dược phẩm đã được ký kết năm ngoái và ít nhất 12 hợp đồng cung ứng mới được ký kết năm nay.

Các hãng dược cũng thích bán sản phẩm theo những thỏa thuận riêng kiểu này vì họ có thể lấy giá cao hơn so với mức giá dành cho COVAX, chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vắc-xin nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn cầu. Mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỷ liều trước cuối năm 2021, trong đó 50% dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài ra, các nhà sản xuất vắc-xin cũng ưu tiên cung ứng cho những nước giàu đã tài trợ "khủng" cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của họ. Ví dụ, chỉ tính riêng ở Mỹ, 6 công ty phát triển vắc-xin chủ chốt đã nhận được hơn 12 tỷ USD trợ cấp từ chính phủ liên bang. Chính phủ Đức đã hỗ trợ 445 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu của BioNTech, đối tác phát triển vắc-xin của hãng dược Mỹ Pfizer. Israel tiết lộ, việc cam kết trao các hồ sơ y tế ẩn danh của người dân nước này cho Pfizer, phục vụ theo dõi ảnh hưởng của vắc-xin đã giúp Israel có nguồn cung dồi dào và lọt tốp đầu về tỷ lê tiêm phòng SARS-CoV-2 cho người dân.

Tỷ lệ dân số trưởng thành có thể được chủng ngừa của các nhóm nước dựa vào số liều vắc-xin tích trữ. Ảnh: KFF

Bất bình đẳng về chiến dịch chủng ngừa

Trong triển khai tiêm chủng thực tế, sự chênh lệch càng rõ thấy hơn. Hồi giữa tháng 1, WHO từng thống kê, các nước giàu đã tiêm được tổng cộng 39 triệu liều vắc-xin vào thời điểm đó, trong khi 170 quốc gia nghèo nhất thế giới chưa nhận được bất kỳ liều vắc-xin nào.

Theo dữ liệu theo dõi từ Trung tâm đổi mới sức khỏe toàn cầu Duke, tính đến ngày 15/3, các nước thu nhập cao đã tích trữ được hơn 4,6 tỷ liều vắc-xin, đủ chủng ngừa cho hơn gấp 2 lần dân số trưởng thành của toàn bộ những nước này (245%). Trong khi, các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) mới mua được tổng cộng hơn 2,7 tỷ liều, chỉ đủ để chủng ngừa cho gần 33% dân số trưởng thành của họ. COVAX đang có trong tay 1,12 tỷ liều và dự kiến phân phối chủ yếu cho các nước LMIC.

Tạp chí The Economist dẫn số liệu từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford cho thấy, tại khu vực châu Phi đến nay chỉ 1% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng ngừa dịch Covid-19. Ở châu Á, con số này là 4,4%. Còn tại khu vực châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ này lần lượt là 22% và 44%.

Tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm trên thế giới tính đến ngày 14/5. Nguồn: Our World in Data

Giới quan sát nhận định, việc triển khai chậm tiêm chủng do thiếu nguồn cung vắc-xin là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch đang tái bùng phát mạnh ở châu Á và châu Phi, với số ca mắc hàng ngày tăng mạnh trở lại ngay cả ở những nơi từng được coi là hình mẫu chống Covid-19 của thế giới như Singapore, Đài Loan. Một số chuyên gia phân tích thậm chí đã đề cập tới khả năng mãi tới năm 2023, thế giới mới chủng ngừa đủ cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.

Những nước có tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 cao nhất thế giới tính đến ngày 8/5. Đồ họa: Statista

Đáng chú ý, mặc dù có tỷ lệ chủng ngừa lớn hơn, song các nước thu nhập cao vẫn ra sức tích trữ vắc-xin. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 17/5 cảnh báo, thế giới đã đi đến tình trạng "phân biệt chủng tộc về vắc-xin", đồng thời kêu gọi các nước phải chung tay hành động để giải quyết vấn đề này.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 4, ông Ghebreyesus cho rằng, sự đoàn kết và thống nhất giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19 "đã không tốt như mong đợi".

Người đứng đầu WHO và các lãnh đạo thế giới khác bày tỏ lo ngại, việc các nước giàu độc quyền vắc-xin, dẫn đến bất bình đẳng trong phân phối đã khiến virus có cơ hội phát triển và đột biến, tạo ra ngày càng nhiều những phiên bản mới nguy hiểm hơn. Họ cảnh báo, điều này có thể khiến các vắc-xin giảm hiệu quả trong phòng ngừa các biến thể mới và phá hoại những thành quả toàn cầu đã đạt được trong ngăn chặn virus.

Giải pháp

Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF tin, để đi trước virus và tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, thế giới phải xây dựng chiến lược tập trung tiêm phòng cho nhân viên tuyến đầu và hướng tới một chiến lược đảm bảo tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người. Bà Fore và những người đồng quan điểm đề xuất các chính phủ, doanh nghiệp và đối tác thực hiện 3 hành động khẩn cấp.

Thứ nhất là đơn giản hóa quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc cấp phép tự nguyện, lập quỹ chung và thúc đẩy các cơ chế chia sẻ đa phương như COVAX để tăng nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 cho thị trường. Thứ hai, thế giới cần chấm dứt chủ nghĩa dân tộc đối với vắc-xin, đồng nghĩa các chính phủ nên loại bỏ các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu trực tiếp và gián tiếp đối với nguyên liệu, vật tư và thành phẩm. Cuối cùng, các chính phủ đã ký được hợp đồng cho "những liều vắc-xin trong tương lai" nhiều hơn mức cần thiết để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành của nước mình trong năm nay, nên ngay lập tức cho vay, chuyển hoặc tặng các liều thừa của năm 2021 cho COVAX, để vắc-xin được phân bổ công bằng cho các quốc gia khác.  

Vắc-xin Covid-19 được chuyển giao cho Afghanistan thông qua cơ chế COVAX. Ảnh: AP

Ngoài ra, các quốc gia hiện đang có nguồn cung cấp và sản xuất đủ vắc-xin được khuyến khích xem xét quyên góp ít nhất 5% số chế phẩm hiện có và cam kết nâng mức đóng góp giúp ổn định thị trường toàn cầu.

"Đại dịch đã chứng tỏ rằng, không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Việc tiếp cận công bằng với vắc-xin ngừa Covid-19 nằm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta đã chứng minh rằng thế giới có thể cùng nhau hợp tác để thực hiện những điều chưa từng có, và chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện điều đó một lần nữa. Chúng ta thực hiện càng sớm thì cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của con cháu chúng ta càng nhanh trở lại bình thường", bà Fore nhấn mạnh.

Trước sức ép ngày càng lớn từ nhiều phía, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/4 thông báo sẽ chia sẻ 60 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca chưa dùng cho các nước khác. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 5/5 tuyên bố, dù quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp là quan trọng nhưng Washington "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ bằng sáng chế đối với vắc-xin Covid-19" để chấm dứt đại dịch.

Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus ca ngợi quyết định của Mỹ là "mang tính lịch sử", đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 6/5 cho biết, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng thảo luận về đề xuất của Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ từ bỏ bản quyền sáng chế với vắc-xin Covid-19 vì tầm quan trọng của việc ngăn chặn mầm bệnh nguy hiểm. Theo ông Putin, điều này "không mâu thuẫn" với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn cho phép lựa chọn như vậy trong những trường hợp khẩn cấp.

Tất cả những động thái trên làm dấy lên hy vọng vấn đề bất bình đẳng về vắc-xin sẽ sớm chấm dứt, trong bối cảnh các hãng dược cam kết tăng sản lượng và WHO dự kiến sẽ phê duyệt thêm các loại vắc-xin tiềm năng khác, chẳng hạn như Sinovac của Trung Quốc.

Theo premium.vietnamnet