Ngày 23/6, Britney Spears đưa lời khai dài 24 phút trong phiên tòa về quyền bảo hộ.
Cô kể rằng mình bị bắt đi diễn và phải chịu sự trừng phạt nếu phản đối. Cô không được nghỉ ngơi hay gặp bạn bè, bị đối xử như nô lệ và ép đặt vòng tránh thai, cùng danh sách dài sự ngược đãi đến từ quyền bảo hộ của cha cô.
Tại Ấn Độ, nhiều phụ nữ rơi vào bi kịch như ngôi sao nhạc pop này. Nơi họ sống cho phép đàn ông có quyền kiểm soát cuộc đời phụ nữ, theo VICE.
Cuộc biểu tình Free Britney đòi trả tự do cho ngôi sao nhạc pop. Ảnh: Getty.
Mất quyền với chính cơ thể mình
Jhilmil Breckenridge, người sáng lập Bhor Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận về chăm sóc sức khỏe tinh thần, kể về lần sinh con thứ 4 của cô vào năm 2006. Cô đồng ý tiêm thuốc mê để đẻ mổ.
"2 tiếng sau cuộc phẫu thuật, tôi tỉnh dậy. Chồng cũ đưa con cho tôi bế và bảo: 'Thằng bé thật hoàn hảo... Tiện thể, anh đã bảo bác sĩ thắt ống dẫn trứng của em rồi'. Tôi kinh hoàng vì không hề được thông báo về việc này trước đó", cô kể lại.
Khi đó, Breckenridge 38 tuổi. "Tôi là một chuyên gia tâm lý và có học thức. Bác sĩ đáng lẽ có thể hỏi ý kiến của tôi. Đó là cách cư xử đúng với một người trưởng thành. Lúc biết tin, tôi không nói gì, nhưng suy nghĩ: 'Ai mới thực sự sở hữu cơ thể này: tôi hay chồng?'", cô nói.
Trong nhiều thập kỷ, phụ nữ Ấn Độ đã bị ép cắt bỏ tử cung hoặc triệt sản vĩnh viễn. Ví dụ, ở làng Beed phía tây bang Maharashtra, nơi phần lớn dân số làm trên các đồn điền mía, tỷ lệ cắt bỏ tử cung cao hơn 14 lần so với những bang khác hoặc trung bình cả nước, theo các tổ chức nhân quyền.
Nguyên nhân của tình trạng này liên quan đến các bác sĩ tham nhũng và đám chủ lao động muốn tận dụng sức lao động của phụ nữ bằng cách không nhận những người có kinh nguyệt.
"Chúng tôi có mục tiêu cần thực hiện trong thời gian ngắn. Vì vậy, chúng tôi không muốn phụ nữ hành kinh vào lúc thu hoạch mía", một người chủ lao động nói với tờ Business Line.
Dù "không ép" cắt bỏ tử cung, hệ thống ấy khiến phụ nữ không còn lựa chọn khác.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị tước quyền với chính cơ thể mình. Ảnh: Borgen Magazine.
Ở Ấn Độ, phụ nữ khuyết tật cũng đối mặt với nguy cơ bị ép triệt sản. Lý do được đưa ra bởi người nhà của họ là vấn đề với việc vệ sinh khi hành kinh và nỗi sợ mang thai vì bị cưỡng hiếp.
"Đặc biệt, nếu bạn có bệnh tâm lý, triệt sản trở thành chuyện tất yếu. Người có vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ theo cách khác. Bạn không thể cứ triệt sản họ được", Breckenridge nói.
6 năm sau vụ ép cắt bỏ tử cung, vào tháng 8/2012, Breckenridge bị chồng cũ lấy đi cả 4 đứa con.
"Vì vụ ly hôn của chúng tôi đang không diễn ra suôn sẻ, hắn bắt lũ trẻ mà không có sự cho phép tòa án. Lúc đó, tôi đang sống trong một căn hộ chật hẹp ở New Delhi. Hắn ta từng đuổi tôi ra khỏi nhà, tống vào trại tâm thần, thậm chí dọa giết tôi", cô kể lại.
Breckenridge cũng không được gia đình bố mẹ đẻ ủng hộ.
"Vì không cư xử theo chuẩn mực của xã hội trọng nam khinh nữ và bị chẩn đoán mắc bệnh tâm lý, tôi trở thành người cần được 'sửa chữa'. Tôi bị nhốt lại khi đang cầu xin sự giúp đỡ", cô cay đắng nói.
Phụ nữ tại Ấn Độ phải đấu tranh từ những quyền cơ bản nhất. Ảnh: Reuters.
Kiểm soát mọi khía cạnh
Phụ nữ Ấn Độ có thể bị kiểm soát cuộc sống bất kể địa vị xã hội.
Theo kết quả của khảo sát sức khỏe gia đình toàn quốc, phụ nữ tại nước này được cho là có tự do nếu họ có thể tự đi đến chợ, cơ sở y tế và những điểm ngoài làng mà không bị giám sát. Tuy vậy, chỉ 41% đạt những tiêu chuẩn rất thấp này.
Khảo sát cho thấy 36% phụ nữ lựa chọn triệt sản, trong khi chỉ có 0,3% đàn ông chọn thắt ống dẫn tinh, dù biện pháp ở nam giới an toàn hơn rất nhiều.
Tệ hơn, 58% không rõ về tác dụng phụ của việc triệt sản ở nữ giới và 50% không biết tới những biện pháp tránh thai khác.
Điều này có nghĩa là những phụ nữ đã phẫu thuật triệt sản vĩnh viễn không có đủ thông tin để đồng thuận.
Một trong những điều gây sốc nhất mà Britney Spears đề cập trong phiên tòa là việc cô bị cấm kết hôn và lập gia đình với bạn trai mình.
Tại Ấn Độ, 90% các cuộc hôn nhân được sắp đặt bởi gia đình và bố mẹ. Nếu bất tuân, người phụ nữ sẽ gánh chịu những hậu quả khủng khiếp: chồng họ có thể bị giết hoặc bố mẹ tự tử vì con trốn theo người yêu.
Hôn nhân sắp đặt là tình trạng phổ biến tại Ấn Độ. Ảnh: The Face.
Dù luật pháp Ấn Độ đã có thay đổi trên giấy tờ để công bằng hơn với phụ nữ, những thiên kiến hiện hữu vẫn kiểm soát cuộc đời họ.
Sarasu Esther Thomas, giáo sư tại Trường Luật Quốc gia của Đại học Ấn Độ, đã viết trong một bài luận năm 2013 rằng nghiên cứu án lệ cho thấy tòa án thường nhanh chóng "gán cho phụ nữ là điên, trong khi không làm vậy với người chồng".
Xã hội gia trưởng tại Ấn Độ thường đặt quyền kiểm soát từ gia đình lên trên quyền cá nhân của phụ nữ.
Trong những vụ kiện liên quan đến tài sản, nhiều gia đình không để nữ giới có ý kiến.
"Phụ nữ không được xem là một bên trong vụ kiện, dù bản án có thể ảnh hưởng đến họ. Nhiều người thậm chí không biết về vụ việc. Phụ nữ bị coi là người thấp kém trong gia đình và không được tham gia vào các quyết định 'quan trọng' như phân chia tài sản", Ashwini Obulesh, luật sư bào chữa tại Tòa án Tối cao Karnataka, cho biết.
Văn bản luật chỉ bảo vệ phụ nữ trên giấy tờ. Ở đất nước mà phần lớn nữ giới không thể đi chợ mà thiếu người giám hộ, thật khó để tưởng tượng họ có thể tiếp cận tòa án và tìm đại diện luật pháp chống lại gia đình mình.
Britney Spears, dù là nhân vật công chúng và ngôi sao nhạc pop người Mỹ nổi tiếng thế giới, vẫn có thể bị áp bức và phớt lờ bởi luật pháp. Vậy, còn cơ hội đấu tranh nào cho những người phụ nữ Ấn Độ sống trong xã hội gia trưởng?
Theo Zing