Các bác sỹ của Việt Nam và Lào chuẩn bị vào hội chẩn bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Pholthong (tỉnh Champasak). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lời dẫn:
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực hết mình để không có ai bị bỏ lại phía sau. Với những mệnh lệnh đến từ trái tim, đội ngũ y bác sỹ Việt Nam đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy để tận tình cứu chữa những bệnh nhân COVID-19 trong và ngoài nước.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai đánh giá cao biện pháp ứng phó dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam. Ông nhấn mạnh thành công của Việt Nam có được là nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp cao, việc truyền thông hiệu quả về các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm sự tham gia, tuân thủ nghiêm ngặt của toàn thể nhân dân.
Trong hai năm qua, nhiều tổ chức quốc tế đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch trong nước cũng như những đóng góp với quốc tế.
Không chỉ cứu chữa cho các bệnh nhân ở trong lãnh thổ hình chữ S, những bác sỹ tuyến đầu của Việt Nam còn làm nhiệm vụ quốc tế, tiếp sức cùng nước bạn Lào trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19.”
Và, một lần nữa, tinh thần “tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” lại được tô đậm nét...
Bài 1: Chiến binh áo trắng Việt Nam tại Lào: ‘Đuổi’ COVID-19 từ con số 0
Tối 13/5, một thai phụ 31 tuổi, mang thai tuần thứ 21 từ Thái Lan trở về Lào trong tình trạng bị suy hô hấp nặng. Cô thở gấp, giọng thều thào, ôm bụng lo cho sinh mệnh của mình và đứa con trong bụng. Sau đó, cô được đưa tới Bệnh viện Bệnh viện Pholthong (tỉnh Champasak).
Kết quả xét nghiệm cho thấy cô dương tính với SARS-CoV-2. Các bác sỹ đầy lo lắng khi tiếp nhận bệnh nhân đặc biệt này.
Những cuộc điện thoại tới tấp được thực hiện...
Cứu sống sản phụ nhiễm SARS-CoV-2 nguy kịch
Ông Dương Ánh Vương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Lào nhớ lại: Lúc 20 giờ 30 ngày 13/5, khi cả đoàn đang ăn tối thì được tin có ca sản phụ mắc COVID-19 tại Bệnh viện Pholthong đang rất nguy kịch.
Các y bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai tại Bệnh viện Pholthong. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lập tức, đoàn bác sỹ-chuyên gia Việt Nam gồm 5 người: Bác sỹ hồi sức tích cực, bác sỹ cấp cứu, 1 kỹ thuật viên, 1 nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn và 1 điều dưỡng lên đường tới bệnh viện, làm việc xuyên đêm…
Bác sỹ Nguyễn Tú Anh - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) kể hai hôm trước (ngày 11/5), khi vừa đặt chân tới đất nước Triệu voi cũng là thời điểm đoàn nhận được thông tin tại Lào có 2 trường hợp mắc COVID-19 - đều là 2 người trẻ đã tử vong, trong đó có một người Việt. Nghe tin xong, ai cũng đầy tiếc nuối, xót xa.
Do vậy, chặng đường đi tới Bệnh viện Pholthong, các thành viên trong đoàn ai nấy đều nghĩ tới các phương án để sao cho cứu sống được sản phụ nhanh nhất.
“Tôi nhớ như in hình ảnh người sản phụ trẻ dần dần yếu ớt, ánh mắt đầy sự sợ hãi, lo lắng khiến y bác sỹ không thể cầm lòng,” bác sỹ Tú Anh nhớ lại.
Ở thời điểm đó, thai phụ đang trong tình trạng suy hô hấp, người mệt lả, yếu. Những cơn thở gấp gáp dần lên, nồng độ ôxy trong máu của bệnh nhân sụt giảm dần, thông số đó có thể chấp nhận được cho người mẹ, nhưng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Trong khi ấy, các bác sỹ tại bệnh viện vẫn chưa tìm ra phương pháp xử lý trường hợp thai phụ nói trên.
Ngay tức khắc, các bác sỹ hồi sức và cấp cứu của Việt Nam và Lào cùng hội chẩn đánh giá phương án tối ưu nhất để làm sao để giữ được thai nhi.
Theo bác sỹ Tú Anh, nếu như trường hợp trên ở Việt Nam thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, nhưng trong bối cảnh ở Bệnh viện Pholthong thì đúng là ngàn cân treo sợi tóc khi đây chỉ là một bệnh viện huyện, cơ sở vật chất rất thiếu thốn. Bệnh viện này còn chưa có bộ phận chuyên biệt về hồi sức cấp cứu.
Các chuyên gia cấp cứu Việt Nam khảo sát về cấp cứu hồi sức tại Lào. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bệnh viện Pholthong mới được xác định là cơ sở tiếp nhận những bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng, rất khó khăn trong việc triển khai hệ thống hồi sức cấp cứu do thiếu thốn về trang thiết bị y tế cũng như nguồn nhân lực hạn chế. Tại bệnh viện không làm được các kỹ thuật như lọc máu, thở máy.
Trên thực tế, căn phòng hồi sức tích cực của bệnh viện mới được thiết lập với một vài máy móc thiết bị chưa sử dụng, phòng bệnh được thiết lập nhưng chưa có bệnh nhân trong tình trạng nặng nào điều trị.
“Lúc đó, máy móc chưa có, chúng tôi không khác nào như bị trói chân, buộc tay. Trong trường hợp này, nếu ở Việt Nam sẽ sử dụng máy thở oxy lưu lượng cao. Khi đó, các bác sỹ cùng thảo luận và thống nhất sử dụng máy thở không xâm nhập cho bệnh nhân. Ngay trong đêm, máy thở được huy động nhanh chóng từ một bệnh viện quân đội cách đó 40km đưa tới,” bác sỹ Tú Anh nhớ lại.
Ngay lập tức, nhóm chuyên gia y tế Việt Nam gồm 3 bác sỹ, 1 điều dưỡng và 1 kỹ sư về trang thiết bị đã nhanh chóng lắp máy thở và lên kế hoạch tối ưu nhất để hồi phục cho bệnh nhân đồng thời cùng các đồng nghiệp Lào đưa ra phương án điều trị tích cực. Rất may sau đó bệnh nhân đáp ứng tốt.
Cũng trong đêm hôm ấy, bệnh viện cũng tiếp nhận thêm 1 ca bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nhẹ hơn. Đó là một bệnh nhân nam bị tổn thương phổi. Sau khi kiểm tra, chụp X-quang, bệnh nhân được thở oxy gọng mũi...
Những ngày sau đó, đoàn bác sỹ Lào và chuyên gia Việt Nam liên tục trao đổi, gửi tin nhắn qua điện thoại, chụp màn hình các thông số trên máy thở oxy, kết quả chụp X-quang, xét nghiệm… để tư vấn điều trị cho bệnh nhân. Cả hai bệnh nhân, đặc biệt trường hợp thai phụ, dần qua cơn nguy kịch và ổn định.
Người phụ nữ 31 tuổi đang mang thai trong ngày xuất viện khỏi COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhờ vậy, chỉ sau 3-4 ngày, bệnh nhân là thai phụ đã dần không cần đến máy thở hỗ trợ và trở lại sinh hoạt bình thường.
“Cảm xúc khi cứu được cả hai mẹ con sản phụ thật khó tả. Sau những lo lắng là sự hồi hộp và niềm vui. Đặc biệt hơn, khi đoàn kết thúc chuyến làm việc tại Lào, đang trong thời gian cách ly 21 ngày tại Hà Tĩnh đã nhận được tin báo thai phụ khoẻ mạnh và nam bệnh nhân được xuất viện. Khi đó, cả đoàn đều phấn khởi bởi thực tế cơ sở điều trị ban đầu gần như không đáp ứng được và kỹ năng của bác sỹ tại chỗ còn hạn chế do các chuyên môn cấp cứu COVID-19 khác bình thường,” bác sỹ Vũ Tưởng Lân - Trung tâm cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) nhớ lại.
Dốc sức cùng bạn chống lại COVID-19
Nói về chuyến công tác này, đại diện đoàn chuyên gia cho hay sau một năm không phát hiện bất cứ ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh tại Lào bất ngờ nóng lên với số ca tăng đột biến kể từ cuối tháng 4/2021.
Đây là đợt bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay. Diễn biến bùng phát dịch cho thấy các ổ lây bệnh lúc đầu là tại các quán bar, khu vực massage, kaoraoke hay địa điểm giải trí, nay đã lan ra các khu chợ, siêu thị, văn phòng, các địa điểm hoạt động xã hội.
Bộ Y tế Lào xác định việc phong tỏa thủ đô Vientiane và một số tỉnh, cùng lệnh cấm ra khỏi nơi cư trú đối với người dân Lào là chìa khóa đầu tiên trong việc khoanh vùng, dập dịch. Chính quyền các cấp Lào tập trung hết khả năng ngoài việc điều trị người bệnh sẽ là tiêm chủng theo kế hoạch nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng lên ở mức cao nhất có thể.
Lãnh đạo Lào chào đón đoàn chuyên gia y tế Việt Nam sang công tác chống dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chính vì vậy, Thủ tướng Lào đã ra Chỉ thị 15/CT-TTg về việc tăng cường biện pháp hạn chế, kiểm soát và chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt nhằm chống dịch COVID-19 ngày 21/4. Tiếp đến Ban Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã ra Chỉ thị số 87/CT-BBT ngày 25/4 về tăng cường trách nhiệm của đảng bộ các cấp trong việc tiếp tục ngăn chặn, phòng ngừa, kiểm soát và giải quyết dịch bệnh COVID-19. Chỉ thị nhấn mạnh Đảng bộ các cấp phải thống nhất coi việc chống, ngăn chặn, kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ chiến lược quan trọng và khẩn cấp trong công tác chỉ đạo, chỉ huy như trong tình trạng chiến tranh.
Sau cuộc trao đổi trực tuyến giữa Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Y tế Lào ngày 29/4/2021, Bộ Y tế Lào có thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 2/5/2021 thông báo nhu cầu cần chuyên gia y tế Việt Nam sang hỗ trợ trong đợt dịch thứ 2 đang bùng phát tại nước này.
Khi bạn cần, lập tức, tổ công tác đặc biệt được thành lập.
Ngày 9/05/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết định về việc cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài, với nhiệm vụ được giao “hỗ trợ Lào trong công tác xây dựng bệnh viện dã chiến, công tác điều trị, công tác xét nghiệm, truy vết nhằm giúp nước Bạn ứng phó với dịch COVID-19.” Đoàn công tác gồm 18 thành viên là các chuyên gia về bác sĩ hồi sức tích cực, điều dưỡng hồi sức, bác sĩ tim mạch, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, bác sĩ dịch tễ, xét nghiệm và vệ sinh môi trường từ 8 đơn vị thuộc tuyến Trung ương...
Bài 2: Những bước chân không mệt mỏi cùng nước bạn chống “giặc vô hình”
Theo Vietnamplus