Người châu Á đã có thói quen ra đường phải đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm và tử vong không còn tăng nhanh như giai đoạn cuối tháng 2 và đang chậm đi. Chính phủ Hàn Quốc đã quyết không phong tỏa các địa phương như Daegu, thay vào đó tập trung xét nghiệm số lượng lớn, gồm cả người có triệu chứng và không có triệu chứng, để xác định các "điểm nóng", từ đó có biện pháp hợp lý.

Theo tạp chí Foreign Policy, Hàn Quốc, với 51 triệu dân, xét nghiệm hơn 20.000 người một ngày ở tổng cộng hơn 600 địa điểm xét nghiệm trên cả nước. Trong khi đó, các ứng dụng trên điện thoại không chỉ giúp truy tìm dấu vết của những cá nhân nhiễm bệnh, mà còn cảnh báo người dùng liệu họ có từng phơi nhiễm với người bệnh hay không.

Trong khi đó, Hong Kong, Đài Loan và Singapore đến nay chỉ ghi nhận một số ca tử vong do COVID-19. Báo New York Times đánh giá cao cách xử lý của 3 nền kinh tế này và cho rằng "can thiệp sớm là chìa khóa" ở cả 3 nơi. Trong số các biện pháp can thiệp sớm có việc chịu khó truy tìm người nhiễm bệnh, bên cạnh biện pháp bắt buộc cách ly và giãn cách xã hội.

Tại Singapore, các thông tin chi tiết về nơi bệnh nhân COVID-19 sống, làm việc, vui chơi đều được công bố nhanh, cho phép những người khác bảo vệ chính mình. Singapore sử dụng các công cụ giám sát công nghệ cao để ngăn dịch lây lan. Tiêu biểu là ứng dụng TraceTogether trên điện thoại di động, thông qua tín hiệu Bluetooth, xác định những người đã tiếp xúc gần với người dương tính với virus corona chủng mới, từ đó hạn chế sự lây lan của dịch nhanh chóng.

Ngoài ra, thông qua WhatsApp, Chính phủ Singapore gửi cho người dân nước này các thông tin cập nhật về dịch bệnh gồm tổng số ca nhiễm, lời khuyên tránh nhiễm bệnh... hai lần một ngày.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Telegraph cuối tuần trước, cựu bộ trưởng y tế Anh Jeremy Hunt thậm chí kêu gọi nước Anh noi gương những nước như Hàn Quốc, Singapore trong việc xét nghiệm quy mô lớn để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo tuoitre