Khoảng hai tháng sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhất, Ron Prestage cầm chiếc xẻng và cười tươi với một nhiếp ảnh gia trên cánh đồng ngô ở bang Iowa. Ông đã kiếm được 309 triệu USD nhờ khu đất rộng hơn 60 hecta gần thị trấn Eagle Grove, nơi sắp xây dựng một nhà máy sản xuất thịt lợn, giúp công ty Prestage Farms Inc. của gia đình kiếm tiền từ các ngành xuất khẩu đang phát triển của Mỹ.
Nhưng chỉ vài tuần sau khi ông Pregtage bắt tay thực hiện kế hoạch, Tổng thống Trump đã làm đảo lộn tất cả, khi ký quyết định chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các cuộc chiến thương mại với Mexico, Canada và Trung Quốc sau đó đã khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất thịt lợn sụt giảm chóng mặt trong suốt ba năm, đe dọa tới vụ đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của gia đình Prestage.
"Ông ấy đã khiến mọi thứ biến động hơn với các cuộc chiến thương mại. Nó đã khiến nhiều người tức giận và lo ngại 'ông ấy đang làm cái gì vậy?'", ông Prestage, 65 tuổi, nói.
Tuy nhiên, Prestage vẫn định bỏ phiếu cho Tổng thống Trump như đã làm hồi năm 2016. Ông và nhiều nông dân khác lo ngại về nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden, khi cho rằng nó sẽ mang tới nhiều quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường và thuế cao hơn.
Iowa là một trong số bang Trung Tây có thể ảnh hưởng lớn tới kết quả bầu cử tháng 11 tới. Khảo sát hồi tháng 9 do Farm Futures thực hiện chỉ ra 75% nông dân dự định bỏ phiếu cho Tổng thống Mỹ, cao hơn tỷ lệ 72,6% hồi năm 2016.
Nhiều cộng đồng vùng nông thôn cũng nghiêng về Trump. Khảo sát tháng 9 do Zogby Analytics và Progressive phối hợp thực hiện cho thấy 49,5% ủng hộ Trump, trong khi 32% ủng hộ cựu phó tổng thống Joe Biden. Khoảng 29% người tham gia khảo sát là nông dân.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump là một bài toán hóc búa với nông dân Mỹ. Các động thái thương mại của ông đã mở rộng cánh cửa cho xuất khẩu của họ, nhưng đôi khi cũng khiến thị trường nông sản Mỹ chao đảo và tạo điều kiện cho nhiều đối thủ trong lĩnh vực này.
Việc bãi bỏ quy định về môi trường đã giúp nông dân Mỹ giảm bớt nỗi lo sợ chính phủ can thiệp quá mức, nhưng lập trường cứng rắn về nhập cư của Tổng thống Trump đã khiến nhiều nhà máy sữa và đóng gói thịt gặp khó khăn về nhân lực.
Doanh thu ròng của nông nghiệp Mỹ năm nay dự kiến đạt 102,7 tỷ USD, cao hơn 65% so với 2016, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Nhưng các khoản chi của chính phủ đã chiếm hơn 1/3 số đó, tăng 21% so với 4 năm trước. Để giảm tác động của đại dịch và chiến tranh thương mại, USDA dự kiến chi 37,2 tỷ USD cho nông dân và chủ trang trại trong năm nay, cùng với cam kết hỗ trợ thêm 14 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Trump hồi giữa tháng 9.
Nông dân vùng Trung Tây chủ yếu đứng về phía Trump. Khoảng 82% nông dân ở bang Iowa nói rằng họ định tiếp tục bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, trong khi chỉ có 12% muốn bỏ phiếu cho Biden, theo khảo sát của Farm Journal Inc. hồi tháng 9. Khảo sát năm 2016 của Farm Journal ở bang này cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ áp đảo của ông Trump so với bà Hillary Clinton, lần lượt là 84% và 6%.
87% nông dân ở Minnesota ủng hộ Trump, theo khảo sát của Farm Journal hồi tháng 9. Trong khi đó, kết quả thăm dò của Đại học Marquette ở bang Wisconsin trong năm 2019 cũng chỉ ra 55% nông dân ủng hộ Trump, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 36% của Biden.
4 năm trước, nông dân vùng Trung Tây phải đối mặt tình trạng giá nông sản tụt dốc sau nhiều năm bội thu. Ngũ cốc rẻ khuyến khích nông dân xây dựng thêm nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm và lợn, khiến giá vật nuôi giảm mạnh. Tình trạng này khiến nhiều nông dân tìm kiếm con đường xuất khẩu, trong khi phải gánh thêm nhiều khoản nợ và tìm cách giảm chi phí.
Prestage, người từng bầu cho cả đảng Cộng hòa và Dân chủ trong quá khứ, không ủng hộ Trump ngay từ đầu. Ứng viên Cộng hòa khi đó cam kết rút khỏi một hiệp định thương mại khu vực Thái Bình Dương, điều mà Prestage luôn mong muốn. Tới tháng 11/2016, ứng viên Clinton cũng chuyển sang chỉ trích thỏa thuận thương mại này.
Song Prestage lo ngại rằng chính quyền bà Clinton sẽ trao quyền nhiều hơn cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), để đưa ra nhiều quy định "khắc nghiệt" hơn với nông dân Mỹ.
Prestage Farms, có trụ sở ở Clinton, bang Bắc Carolina, nằm trong số nhà sản xuất thịt lợn và gà tây lớn nhất Mỹ, với khoảng 3.000 nhân viên cùng hệ thống trang trại và cơ sở sản xuất ở nhiều bang như Nam Carolina, Bắc Carolina, Oklahoma, Iowa và Mississippi.
Tổng thống Trump nhậm chức năm 2017, thời điểm ngành sản xuất thịt lợn trị giá 23,4 tỷ USD của Mỹ đã sẵn sàng tăng trưởng. Lợi nhuận và xuất khẩu không ngừng tăng, đặc biệt là các thị trường đang phát triển như Trung Quốc.
Ông chủ Nhà Trắng cũng giúp nông dân bớt lo lắng, với hàng loạt điều chỉnh trong năm 2017 và 2018 như đảo ngược quy định bảo vệ nguồn nước sạch, cải tổ thuế để giảm gánh nặng cho công nhân và nông dân Mỹ.
Trump năm 2017 cũng cam kết chấm dứt hoặc thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Quyết định này ảnh hưởng tới việc xuất khẩu dăm bông và gà tây cho Mexico, nhưng Prestage cho biết ông hiểu nhiều điều khoản của NAFTA khiến Mỹ gặp bất lợi.
Dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sau đó khiến nhiều nông dân, chủ trang trại Mỹ điêu đứng, nhiều người vẫn lựa chọn đồng hành cùng Tổng thống Trump.
Tại hội nghị của Liên đoàn Cục Nông trại Mỹ hồi tháng 1/2019, Zippy Duvall, chủ tịch liên đoàn, đồng thời là nhà sản xuất gà và gia súc lớn ở Georgia, thừa nhận những khó khăn mà nông dân phải đối mặt nhưng nói rằng 2018 là một trong những năm có chính sách hiệu của nhất trong lịch sử Cục Nông trại Mỹ. Ông Duvall lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy mở rộng việc sử dụng nhiên liệu ethanol từ ngô và nới quy định về môi trường.
"Giới hạn kiên nhẫn của chúng tôi sẽ được xác định bởi tình hình tài chính của các nông trại chúng tôi", ông Duvall nói tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của Tổng thống Trump. "Chúng tôi sẽ đồng hành cùng ông ấy".
Khi xuất hiện ở hội nghị này một ngày sau đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh lại cam kết hỗ trợ nông dân hàng tỷ đôla của USDA. Ông cũng nói về kế hoạch chính quyền cắt giảm thuế đất đai, mở rộng tiếp cận băng thông rộng ở vùng nông thôn và cam kết đảo ngược nhiều quy định của chính quyền tiền nhiệm.
Phát ngôn viên của Cục Nông trại Mỹ cho biết nhóm này thường không ủng hộ ứng viên chính trị. Nhưng trong tuyên bố hôm 18/10, ông Duvall cho biết "nhóm sẽ hợp tác cùng chính quyền hai đảng để tìm cách cải thiện cuộc sống cho nông dân".
Một quan chức trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cho biết nếu đắc cử, ông sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và cải thiện các điều khoản thương mại với các đối tác như Anh và Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng sẽ làm việc với quốc hội Mỹ để giải quyết vấn đề nhập cư và giúp nông dân Mỹ dễ dàng thuê lao động nhập cư hơn.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết doanh thu của nông trại Mỹ đã tăng lên bất chấp chiến tranh thương mại và nông dân ủng hộ nỗ lực của Trump.
"Phong cách của Tổng thống có lẽ không giống nhiều người, nhưng thực tế ông ấy đã hoàn thành công việc của mình", ông Perdue nói.
Howard Hill, nông dân 76 tuổi gần Cambridge, Iowa, nói rằng các cuộc chiến thương mại của là cần thiết để đảm bảo công bằng, đồng thời ca ngợi các quyết định đảo ngược quy định về môi trường. "Tôi có thể nói mọi thứ hôm nay tốt hơn trước đây", ông nói.
Ông Hill lo rằng nếu Biden đắc cử, thuế đất đai sẽ bị tăng lên, trong khi ông Prestage lo chính quyền Biden sẽ ưu tiên cho môi trường hơn là nông nghiệp và thương mại.
Prestage hồi tháng 8 đã xem xét các kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất gà tây ở Nam Carolina, canh bạc được ông xem ít rủi ro hơn thịt lợn bởi ít phụ thuộc vào xuất khẩu. Và Tổng thống Trump tiếp tục là cửa đặt cược mà ông xem là an toàn hơn cho năm nay. "Tôi sẽ đặt cược dù kết quả có như thế nào", ông nói.
Theo vnexpress