leftcenterrightdel
 Leah Juliett trở thành nhà hoạt động chống lại nạn lạm dụng tình dục bằng hình ảnh. Ảnh:ctvoice.com.

Năm 2012, một bạn nam cùng lớp đã đề nghị Leah Juliett (khi đó 14 tuổi) gửi cho cậu ta những tấm ảnh khỏa thân. Vì phải lòng cậu bạn đó, Juliett đã gửi 4 tấm ảnh và từ chối khi cậu ta yêu cầu chụp thêm ảnh.

Cô đã sốc khi phát hiện những bức ảnh nhạy cảm đó đã bị phát tán khắp trường và trên một web đen nổi tiếng mà chưa có sự đồng ý của mình.

Juliett (26 tuổi) nói với CNN rằng: "Thấy ảnh của mình tràn lan trên mạng khiến tôi mất kiểm soát, tôi đã cố tìm mọi cách để lấy lại quyền kiểm soát cuộc đời mình".

Cô đã hành động. Juliett thành lập March Against Revenge Porn, một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, dẫn đầu nhiều cuộc tuần hành và chiến dịch vận động luật pháp chống lại hình thức lạm dụng bằng hình ảnh.

Phụ nữ dễ trở thành nạn nhân

Cô gái 26 tuổi đã từ nạn nhân của "trả thù khiêu dâm" trở thành một nhà hoạt động, bênh vực các nạn nhân và tạo ra sự thay đổi.

"Tôi sẽ không bao giờ hối hận khi kể câu chuyện của mình hàng triệu lần một cách công khai như vậy, vì điều đó đã cứu sống tôi và giúp tạo điều kiện để hỗ trợ nhiều người khác". 

Juliett không phải nạn nhân duy nhất của "trả thù khiêu dâm" - thuật ngữ phổ biến để chỉ hình ảnh nhạy cảm bị đánh cắp, chia sẻ hoặc phân phối theo những cách khác mà không được sự đồng ý của người đó.

Theo một khảo sát năm 2016 được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Data & Society và Center for Innovative Public Health Research, 3% người dùng Internet ở Mỹ từ 15 tuổi trở lên "từng bị ai đó đe dọa đăng ảnh hoặc video bán khỏa thân hoặc khỏa thân của họ lên mạng để làm tổn thương hoặc làm họ xấu hổ".

Chính phủ Vương quốc Anh định nghĩa thuật ngữ này là việc chia sẻ hình ảnh khiêu dâm với mục đích làm nhục hoặc gây đau khổ, thường liên quan đến đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội, trong các cuộc trò chuyện nhóm riêng tư hoặc trực tuyến.

Cùng với hình ảnh nhạy cảm, thông tin cá nhân của nạn nhân như tên, địa chỉ và liên kết đến tài khoản mạng xã hội của họ đôi khi được chia sẻ.

Mặc dù ai cũng có thể trở thành nạn nhân của "trả thù khiêu dâm", phụ nữ vẫn được ghi nhận là nhóm dễ trở thành đối tượng bị lạm dụng hơn so với nam giới.

Vật lộn với khủng hoảng tinh thần

Trở thành nạn nhân của hình thức lạm dụng này gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tinh thần của một người.

Nghiên cứu đã phát hiện ra nạn nhân của "trả thù khiêu dâm" có thể gặp vấn đề về lòng tin, đồng thời mắc chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), chịu nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần tương tự tác động do tấn công tình dục gây ra.

leftcenterrightdel
Nhiều nạn nhân phải đối phó với cảm giác xấu hổ và sự kỳ thị từ xã hội. Ảnh:CNN.  

Kuhan Manokaran, một luật sư có kinh nghiệm hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực trực tuyến dựa trên hình ảnh ở Malaysia, nói với CNN rằng thách thức chính mà anh gặp phải là giúp khách hàng vượt qua nỗi xấu hổ và sự kỳ thị.

"Trong nền văn hóa châu Á, tình dục được xem là chủ đề cấm kỵ và hiếm khi được thảo luận công khai. Do đó, nhiều người ngần ngại trong việc tố cáo, chưa nói đến việc thuật lại những gì đã thực sự xảy ra với họ cho luật sư", Manokaran nói.

Một số nạn nhân tự trách mình, cho rằng mình ngớ ngẩn hoặc ngu ngốc khi đã tin tưởng thủ phạm, điều này càng khiến vụ án thêm phức tạp.

Nhiều nạn nhân cho biết họ phải vật lộn để thoát khỏi sự kỳ thị, điều này có thể dẫn đến cảm giác bị loại trừ khỏi cộng đồng, ảnh hưởng đến cơ hội giáo dục và việc làm, thậm chí dẫn đến tự tử, theo đến một báo cáo năm 2021 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Nhiều quốc gia đã có quy định khác nhau nhằm bảo vệ nạn nhân bị "trả thù khiêu dâm".

Tại Mỹ, hầu hết tiểu bang và thủ đô Washington DC đều có luật chống lại nội dung khiêu dâm không có sự đồng thuận hoặc lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh.

Vương quốc Anh đã thông qua Đạo luật Tòa án và Tư pháp Hình sự vào năm 2015, quy định phạt tiền hoặc phạt tù lên đến 2 năm hoặc cả hai đối với những người chia sẻ ảnh hoặc phim khiêu dâm của ai đó mà không có sự đồng ý của họ.

Ở Kenya, Đạo luật lạm dụng máy tính và tội phạm mạng (CIMA) coi việc "phân phối trái phép các hình ảnh tục tĩu hoặc thân mật" là một hành vi phạm tội.

Theo lifestyle.zingnews