leftcenterrightdel
Cô gái "đến tháng" sớm hơn chu kỳ bình thường trong lúc di chuyển bằng tàu nhưng không thể tìm được băng vệ sinh vì trên tàu không bán. Ảnh:Handout. 

Công ty điều hành đường sắt quốc gia của Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chỉ trích của đông người dân khi từ chối bán băng vệ sinh trên tàu hỏa, theo SCMP.

Cuộc tranh luận nổ ra sau khi một nữ hành khách chia sẻ trải nghiệm trên mạng.

Cô gái giấu tên cho biết mình đến kỳ kinh nguyệt sớm hơn dự kiến, trong lúc đang đi tàu cao tốc và không thể tìm được một sản phẩm nào phục vụ cho kỳ kinh nguyệt của phụ nữ ở quầy hàng.

“Tôi không muốn những phụ nữ khác phải trải qua tình cảnh như vậy và thấy xấu hổ. Do đó, tôi chọn kể lại câu chuyện này và hy vọng nó sớm được giải quyết", cô bày tỏ sự thất vọng.

Phản hồi lại bài đăng, đại diện của dịch vụ khách hàng của công ty đường sắt quốc gia Trung Quốc nói rằng bên họ không bán băng vệ sinh vì chúng là "đồ riêng tư" và yêu cầu hành khách "hãy tự chuẩn bị".

Công ty này cũng cho biết chưa từng bày bán sản phẩm này.

Câu trả lời này càng khiến chủ đề được đem ra tranh luận gay gắt, về việc liệu băng vệ sinh có nên được coi là mặt hàng thiết yếu và cần bán trên các chuyến tàu không, thay vì chỉ bán đồ ăn nhẹ và đồ lưu niệm như thường thấy.

Trong khi nhiều người ngạc nhiên vì không có sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ cho các hành khách đang di chuyển và kêu gọi các nhà điều hành dự trữ chúng, những người khác cho rằng điều này là không hợp lý vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ khách hàng cần đến vật dụng này.

Ý kiến khác cho rằng việc không bán này thể hiện sự phớt lờ đến quyền lợi của phụ nữ, cũng như phản ánh sự kỳ thị lỗi thời gắn liền với kinh nguyệt.

leftcenterrightdel
Phía công ty đường sắt cho rằng băng vệ sinh là món đồ các nữ hành khách nên tự chuẩn bị trước. Ảnh:AFP. 

Duan Tao, giáo sư tại Bệnh viện Phụ sản Thượng Hải số 1, cho biết: “Băng vệ sinh có vẻ là một vấn đề nhỏ, nhưng đằng sau điều này là một sự thật đã bị bỏ qua từ lâu, đó là quyền lợi của phụ nữ”.

“Hầu hết người ra quyết định về các vấn đề công là nam giới, những người tập trung vào những thứ như cách các cơ sở công cộng và phương tiện giao thông nên được xây dựng. Mặc dù có sự tham gia của phụ nữ, nhưng các đặc điểm sinh học của nữ giới hiếm khi được xem xét trong cả quá trình này", anh viết trong một bài đăng trên Weibo hôm 19/9.

Trong một bài viết trên ấn phẩm China Comment thuộc hãng thông tấn Tân Hoa Xã, tác giả kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét nhu cầu của phụ nữ.

“Kinh nguyệt là một trong những đặc trưng sinh học của phụ nữ, băng vệ sinh và các sản phẩm liên quan đến kỳ kinh cần được cung cấp trong một xã hội hiện đại, văn minh, giống như việc chúng ta cố gắng đáp ứng những nhu cầu cơ bản khác của công chúng”, trích bài viết.

Mặc dù nhận thức của cộng đồng về quyền của phụ nữ đã nâng cao trong vài năm gần đây, kinh nguyệt vẫn bị coi là chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Đa số thường không gọi thẳng tên mà sử dụng cách nói lái "bà dì của tôi".

“Có lẽ chỉ khi xã hội chấm dứt sự kỳ thị về kinh nguyệt và có thể thoải mái nói chuyện trực tiếp về chủ đề này, băng vệ sinh mới trở thành một thứ hàng hóa bình thường, thiết yếu thay vì một 'đồ dùng riêng tư'", một người dùng bình luận trên Weibo.

Mới nhất, bộ phim "Tên của họ" ở nước này vướng tranh cãi kỳ thị giới tính khi đổi các câu thoại liên quan tới "băng vệ sinh" thành "bông tẩy trang". Khán giả phát hiện khẩu hình diễn viên và hình ảnh đúng là băng vệ sinh, nhưng không hiểu vì sao đài truyền hình phải thay đổi nội dung.

Theo zingnews