|
|
Các cô gái đứng xếp hàng vào một quầy chụp ảnh lấy ngay ở Seoul. |
“Muốn đi chụp ảnh check-in chứ?”.
Đó là câu hỏi rất dễ bắt gặp một cách bất chợt trong cuộc đi chơi của những nhóm bạn ở Hàn Quốc. Lời đề nghị thường được hưởng ứng ngay lập tức và tất cả thành viên đều ngầm hiểu địa điểm cần tới.
Ngay sau đó, thay vì giơ điện thoại lên chụp tự sướng, cả nhóm sẽ kéo đến những quầy chụp ảnh (photo booth), nơi có sẵn vô số phụ kiện cho họ tạo dáng như tóc giả, kính râm với hình thù ngộ nghĩnh.
Những dải hình gồm 4 ảnh thuộc kiểu chụp lấy ngay, với giá chỉ 4.000 won, tức 1.000 won/ảnh. Mặc dù những tấm ảnh này trông đơn giản, chính kinh nghiệm tạo ra chúng lại thu hút, biến thành nét văn hóa phổ biến trong thế hệ trẻ xứ kim chi trong 5-6 năm trở lại, theo Korea JoongAng Daily.
|
|
Kiểu chụp ảnh "mỳ ăn liền" có mức giá bình dân, ai cũng có thể chi trả được. Ảnh:Korea JoongAng Daily. |
Nhanh, tiện và rẻ tiền
Choi Min-seong, một sinh viên 25 tuổi sống ở quận Songpa (phía nam Seoul), lý giải thích bản thân xuất hiện một cách tự nhiên trong các tấm hình, "chứ không phải có đôi mắt to đến mức vô lý hay chiếc cằm nhọn hình tam giác".
Nếu những bức ảnh "sống ảo" được chụp bằng điện thoại có thể qua hiệu ứng, ứng dụng làm đẹp, nhiều bước chỉnh sửa để cuối cùng ra tấm hình ưng ý, máy ảnh tại quầy photo booth sẽ chỉ chụp 4 tấm liên tiếp và in ra ngay sau đó.
Nói cách khác, thanh niên trẻ tuổi Hàn Quốc thích đến đây bởi các bức hình "sống thật", lưu giữ lại khoảnh khắc vui vẻ là chính.
Kim Ye-jin (24 tuổi), sống ở Ansan (tỉnh Gyeonggi), bày tỏ: “Bạn sẽ không đành lòng bỏ lỡ nó. Tôi nghĩ ưu điểm lớn nhất của kiểu chụp này là bạn không phải mất quá nhiều thời gian và chi phí tại studio, mà vẫn dễ dàng lưu lại kỷ niệm với bạn bè”.
|
|
Các quầy chụp ảnh có kích thước khiêm tốn, vận hành tự động. Ảnh:Korea Herald. |
Suh Yong-gu, giáo sư Quản lý Kinh doanh tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, cho biết vì những dải ảnh 4 bức có thể ghi lại bất kỳ khoảnh khắc nào, chúng đã biến thành một hình thức giải trí.
“Chi phí rẻ và quầy photo booth thậm chí không có ai vận hành mới là một phần lý do. Cái chính là những bạn trẻ có thể hóa thân thành nhiều nhân vật đa dạng theo ý thích. Niềm vui này đến như một sự hài lòng tức thì, khi bạn làm điều gì đó một cách bốc đồng, sự hưng phấn trong cơ thể sẽ tăng lên.
Mặc dù điện thoại và các ứng dụng dễ dàng cho phép chụp ảnh mọi lúc mọi nơi nhưng chúng không có được sự tự nhiên mà các quầy photo booth mang tới”, giáo sư Suh phân tích.
Những hình ảnh này cũng bao gồm một mã QR, dẫn đến một phiên bản có thể tải xuống trên thiết bị di động và một clip ngắn, ghi lại khoảnh khắc bạn và bạn bè đang tạo dáng trước máy ảnh.
Vào các mùa hay ngày lễ trong năm, những quầy chụp ảnh còn "tung" ra các khung ảnh phiên bản đặc biệt, trong thời gian giới hạn để lôi kéo đông khách hàng tới.
|
|
Các bức ảnh được in ra có thể chọn kích thước dọc hoặc ngang, dễ dàng bỏ vào ví hoặc lưu giữ lại trong các cuốn album. Ảnh:Korea JoongAng Daily. |
Lên ngôi sau sự bùng nổ của Y2K
Trước khi điện thoại thông minh bắt đầu chiếm lĩnh việc chụp ảnh, có rất ít cơ hội cho người dân nói chung tạo dáng trước máy ảnh. Do đó, nhận thức về việc chụp ảnh để giải trí chỉ xuất hiện sau khi các quầy chụp ảnh lấy ngay xuất hiện nhiều hơn ở Hàn.
Cho đến những năm 1990, việc chụp ảnh ở Hàn Quốc vẫn được coi là điều có phần trang trọng và nghiêm túc. Hầu hết được chụp trong các studio chuyên nghiệp, để kỷ niệm các sự kiện lớn như sinh nhật, lễ tốt nghiệp hoặc đám cưới.
“Mọi người sẽ chụp ảnh, in chúng và đặt chúng vào album để ghi nhớ sự kiện cụ thể”, Kang giải thích, trái ngược với kiểu chụp ảnh tức thì ngày nay.
Sự quay trở lại của trào lưu Y2K cũng được coi là một yếu tố dẫn đến sự phổ biến ngày càng tăng của các quầy photo booth.
Trong khi xu hướng của công nghệ hiện tại là tiếp tục tiến lên thực tế ảo "metaverse", nhiều người vẫn ưa chuộng những cách thức giải trí hoài cổ, gợi nhớ họ về "những ngày xưa tươi đẹp".
|
|
Những quầy chụp ảnh lấy ngay có thể nhìn thấy ở nhiều nơi tại Seoul, nhất là ở những khu có đông người trẻ vui chơi. Ảnh:For Seoul Lovers. |
Với những dải ảnh có thể in được, kích thước vừa phải, dễ dàng bỏ túi, Kim nhiều lần lui tới chụp hình với lý do này.
"Tôi không có cảm giác hồi tưởng khi nhìn những tấm hình trong điện thoại. Việc cầm một tấm hình vật lý trên tay vẫn thú vị hơn. Tôi và bạn bè thường chia nhau mỗi người giữ vài tấm hình mỗi lần chụp chung như một cách lưu giữ kỷ niệm", Kim kể.
Park Yoon-seo (22 tuổi) đến từ Suwon (tỉnh Gyeonggi), mua hẳn một album ảnh để tập hợp, cất những tấm hình chụp lấy ngay vào một nơi.
"Các bức hình được dùng như món đồ trang trí nội thất. Tôi mua thêm những chiếc kẹp bằng gỗ để treo chúng trên tường phòng ngủ", cô nói.
Trên mạng xã hội, người trẻ Hàn còn chia sẻ, đưa ra lời khuyên về cách để có tư thế đẹp nhất, đủ chỗ cho các thành viên trong một khung hình.
"Thật khó để tìm ra mình muốn tạo kiểu dáng nào trong vài giây trước khi màn trập tắt. Ngoài ra, khi ở cùng một nhóm bạn, bạn muốn những bức ảnh trở nên vừa độc đáo vừa hài hòa. Gần đây, kiểu tạo dáng vòng tay hình trái tim được yêu thích", Park nói.
Theo zingnews