Một ngày nọ, nữ giáo viên ở độ tuổi 20 nhận được tin nhắn từ một người hoàn toàn xa lạ, nói rằng ảnh và thông tin cá nhân của cô đang được chia sẻ cho hàng nghìn người dùng Telegram.

Cô phát hiện ai đó đã phát tán loạt ảnh khỏa thân và video khiêu dâm giả cũng như nói nhiều điều cực kỳ thô tục về mình. Nạn nhân không biết ai đã phát tán ảnh, thông tin cá nhân bị rò rỉ ra sao và có bao nhiêu người đã xem chúng, khiến việc tìm kiếm sự trợ giúp từ cảnh sát rất khó khăn, theo Korea Times.

Nghe có vẻ đáng sợ song bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của việc quấy rối tình dục bằng hình ảnh. Chỉ cần lấy một bức ảnh của nạn nhân từ mạng xã hội, thủ phạm có thể tạo ra nội dung khiêu dâm giả.

Thậm chí, thủ phạm có thể chính là những người quen biết, thậm chí thân thiết với nạn nhân. Tại Hàn Quốc, vấn nạn này được gọi là "ji-in neungyok".

Team Flame, bao gồm 2 sinh viên đầu tiên đã khui ra vụ "Phòng chat thứ N" - nơi Cho Joo Bin và nhiều người khác phát tán ảnh, video khỏa thân của các cô gái để thu tiền - cho biết họ từng tiếp xúc với một nạn nhân bị quấy rối từ chính người quen vào năm 2020.

"Chúng tôi nói với cô ấy rằng ảnh của cô đang được chia sẻ trong phòng trò chuyện Telegram và cô đang bị quấy rối tình dục ở đó. Sau đó, cô ấy trình báo cảnh sát, nhưng câu trả lời duy nhất nhận được là gần như không thể truy tìm những người đã chia sẻ và phân phối các hình ảnh trên Telegram", nhóm cho biết.

Làm việc với nạn nhân để truy tìm người đầu tiên đăng tải hình ảnh, Team Flame phát hiện hung thủ là một người quen cũ, học cùng trường cô gái. Hóa ra anh ta có tình cảm với nạn nhân và khi không được đáp lại, người này muốn hủy hoại cô.

"Anh ta đã tải lên hàng nghìn bức ảnh của nạn nhân, cả ảnh thường và đã qua chỉnh sửa. Một số trong số đó là ảnh có bạn bè của nạn nhân, anh ta liên tục quấy rối tình dục cả cô gái và bạn bè của cô trong phòng trò chuyện".

                                        Những hình ảnh khiêu dâm giả được lan trền trên các trang mạng xã hội ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times.


Từ ngôi sao Kpop đến người bình thường


Tạo ảnh giả bằng cách chỉnh sửa khuôn mặt của một người thành nội dung khiêu dâm từ lâu đã trở thành loại tội ác nhiều người nổi tiếng, đặc biệt là thành viên của các nhóm nhạc nữ Kpop phải đối diện.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều cô gái xứ củ sâm không phải người nổi tiếng cũng đang trở thành mục tiêu của loại tội phạm này trên các nền tảng trực tuyến như Tumblr và Telegram.

"Rất nhiều cộng đồng nam giới hoạt động trên các nền tảng này được nhóm theo các khu vực khác nhau. Họ nhắm mục tiêu đến các cô gái cụ thể sống ở khu vực đó, chia sẻ thông tin thực và hình ảnh khiêu dâm giả về họ. Những người đàn ông thấy kích thích khi có thể bắt gặp các cô gái này bất cứ khi nào", Seo Seung-hee, giám đốc Trung tâm Ứng phó Bạo lực Tình dục Trực tuyến Hàn Quốc, cho biết.

                   Từ thành viên nhóm nhạc nữ đến người bình thường đều có thể là nạn nhân của quấy rối tình dục bằng hình ảnh. Ảnh: Korea Times.


Các hình thức quấy rối phổ biến là: ghép mặt nạn nhân vào hình khiêu dâm, tạo các bức ảnh giả với hiệu ứng nhìn xuyên thấu áo quần nạn nhân.

Sự gia tăng của loại hình phạm tội này khiến Hàn Quốc phải thông qua luật nhằm ngăn chặn quấy rối tình dục bằng hình ảnh ở bất kỳ hình thức nào, bao gồm video deepfake và hình ảnh khiêu dâm giả.

Theo luật có hiệu lực từ tháng 6/2020, thủ phạm có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu won hoặc ngồi tù tới 5 năm. Nếu hành vi phạm tội nhằm vào lợi ích thương mại, mức án tù có thể lên tới 7 năm.

Khó kiểm soát


Tội phạm quấy rối tình dục bằng hình ảnh ở Hàn Quốc đang lợi dụng một số kẽ hở để thực hiện hành vi phạm tội.

"Gần đây, chúng tôi phát hiện một kiểu quấy rối khác là đăng các đoạn phim gốc từ mạng xã hội chứa thông tin của nạn nhân và lan truyền những câu chuyện sai sự thật về họ, chủ yếu nhằm mục đích làm nhục, bôi nhọ", bà Seo nói.

Luật ở Hàn Quốc mới chỉ cấm việc tạo và lan truyền hình ảnh, video qua chỉnh sửa. Trong khi đó, để tố cáo kẻ chia sẻ hình ảnh gốc và bịa đặt thông tin, nạn nhân chỉ có thể gửi đơn kiện về tội phỉ báng.

                                                Quấy rối tình dục, quay lén phụ nữ là vấn nạn xã hội nghiêm trọng ở Hàn Quốc. Ảnh: The Times.


Một vấn đề khác là việc xử lý các vụ phạm tội còn chậm, không nhiều nạn nhân có thể đòi công lý.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, 94 thủ phạm đã bị bắt vì tạo và chia sẻ hình ảnh khiêu dâm giả từ những người phụ nữ quen biết, sử dụng hình ảnh lấy từ các mạng xã hội từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021.

Theo bà Seo, các nạn nhân thường không biết ảnh của mình đang được chia sẻ bởi những người lạ trên các cộng đồng bí mật này, trừ khi được ai đó thông tin hoặc tự phát hiện ra. Ngay cả khi đã biết, họ rất khó thu thập bằng chứng và thông tin để xác định thủ phạm do tính chất ẩn danh trong thế giới kỹ thuật số.

Tệ hơn nữa, hầu hết thủ phạm là thanh thiếu niên, am hiểu công nghệ hiện đại và các nền tảng mạng xã hội. Trong số nghi phạm bị bắt từ tháng 12/2020 đến tháng 4 năm nay, 65 người là thanh thiếu niên, chiếm 69,1%, những người ở độ tuổi 20 chiếm 18,1%.

Vai trò của các nền tảng truyền thông xã hội


Theo bà Seo, kể từ khi vụ án "Phòng chat thứ N" được phanh phui, nhiều người dùng Telegram đã trở nên e dè hơn, tránh xa các phòng trò chuyện "có vấn đề".

Tuy nhiên, Team Flame cho biết dù các phòng trò chuyện quấy rối trên nền tảng này ít xuất hiện hơn, nhiều người vẫn đang chia sẻ nội dung quấy rối tình dục theo phương thức riêng tư hơn.

"Trong các phòng trò chuyện, người dùng cẩn thận hơn về việc trao đổi nội dung độc hại, nhưng họ vẫn làm điều đó. Họ bảo nhau gửi tin nhắn riêng tư, vì vậy, sự tương tác vẫn diễn ra".

Team Flame nhấn mạnh rằng các nền tảng mạng xã hội cũng cần phải chịu trách nhiệm cho vấn nạn này. Nhóm phát hiện ra rằng dù một số nền tảng hợp tác với cảnh sát trong việc điều tra, hàng nghìn video và hình ảnh vẫn xuất hiện chỉ bằng cách tìm kiếm một vài từ khóa mà không có bất kỳ quy trình xác minh độ tuổi nào.

"Khi chúng tôi giúp cảnh sát điều tra vụ 'Phòng chat thứ N' vào năm ngoái, Telegram hầu như phớt lờ yêu cầu của chúng tôi. Phải mất ít nhất 2 tuần đến hơn một tháng để nhận được câu trả lời từ Twitter và Instagram. Vì vậy, nếu cảnh sát không nhận được sự hợp tác từ các nền tảng này kịp thời, họ có khả năng bỏ sót tội phạm".

Theo Zing