Đối với hầu hết người dân Trung Quốc, cuộc tổng điều tra dân số 10 năm một lần chỉ là sự phiền phức nhỏ. Thế nhưng, với Chai Yuanyuan (không phải tên thật, đến từ Bắc Kinh), đó là nguồn gốc của sự thấp thỏm bấy lâu nay.
Cô lo lắng cuộc khảo sát này sẽ làm lộ bí mật của gia đình.
Tháng 3/2019, Chai sinh đứa con thứ ba. Kể từ đó, cô cố gắng che giấu sự tồn tại của đứa trẻ, phòng trường hợp bị chính quyền xử phạt vì đã vi phạm chính sách hai con ở Trung Quốc.
Vợ chồng Chai chưa bao giờ đăng ảnh của con gái út lên mạng xã hội. Hầu hết bạn bè và đồng nghiệp của họ đều không hay biết về đứa trẻ. “Một đồng nghiệp của chồng tôi sống cùng khu phố. Bởi vậy, anh ấy không bao giờ dám đưa con gái đi dạo ở tầng dưới vì sợ bị bắt gặp”, Chai nói.
Mặc dù đã bãi bỏ chính sách một con vào năm 2015, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già nhanh. Đất nước này vẫn áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ ai vi phạm quy định không sinh quá hai con.
Mặc dù đã bãi bỏ chính sách một con vào năm 2015, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già nhanh. Ảnh: Reuters.
Án phạt nặng
Các cặp vợ chồng sinh con thứ ba ở đất nước tỷ dân phải đối mặt với tiền phạt nặng. Viên chức nhà nước đôi khi bị sa thải và đưa vào danh sách đen.
Vợ chồng Chai đều làm trong doanh nghiệp nhà nước, vậy nên nguy cơ mất việc là rất thật. Họ luôn sống trong nỗi lo sợ bị báo cáo với phòng kế hoạch hóa gia đình.
Tuy nhiên, gia đình cô hy vọng nếu có thể tiếp tục che giấu, một ngày nào đó họ sẽ được miễn trách nhiệm.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều quan chức và chuyên gia kêu gọi xóa bỏ chính sách hai con. Năm 2018, một số đại biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc đã đệ trình đề xuất xóa bỏ giới hạn sinh đẻ.
Dù chưa thể thực hiện, chính quyền địa phương ở một số nơi đã có bước đi riêng nhằm xóa bỏ quy định kế hoạch hóa gia đình. Ví như ít nhất 9 tỉnh đã bãi bỏ quy định buộc các chủ doanh nghiệp nhà nước sa thải nhân viên vì sinh con thứ ba.
Ở Bắc Kinh, các quy định vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, việc thực thi đã trở nên lỏng lẻo hơn nhiều.
Gia đình sinh con thứ ba ở Trung Quốc có nguy cơ bị phạt nặng nếu bị chính quyền phát hiện. Ảnh: Sixth Tone.
Khi phát hiện Chai mang thai đứa con thứ ba, công ty yêu cầu cô nộp sổ hộ khẩu. Chai cho rằng án kỷ luật nặng sẽ được ban hành, nhưng thực tế, không ai truy trách nhiệm trường hợp của cô.
Sau khi sinh, Chai cũng ngạc nhiên về việc cô dễ dàng hoàn thành thủ tục đăng ký hộ khẩu cho con gái. Trước đây, phụ nữ muốn sinh con thứ hai cần có “giấy phép sinh” để lấy được khai sinh cho đứa trẻ. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi.
Chai cũng từng nhận được cuộc gọi từ ban quản lý khu dân cư, yêu cầu cô xác nhận thông tin về đứa con thứ ba của mình. Tuy nhiên, một lần nữa, không có gì xảy ra sau cuộc trao đổi này.
Theo luật, gia đình Chai có thể phải trả một khoản tiền phạt dưới cái tên “phí bảo trì xã hội”, nhằm bồi thường cho nhà nước về chi phí sử dụng dịch vụ công “bất hợp pháp” của đứa trẻ. Ở các thành phố lớn, khoản phí này có thể lên tới hơn 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD).
Tuy nhiên, Chai không bị yêu cầu nộp phạt. Lý do được cho là bộ phận kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương thuộc Bắc Kinh đã bị cắt bỏ hoặc đổi tên thành “văn phòng dân số và phát triển gia đình”.
Một số gia đình sinh con thứ ba khác lại không may mắn như vậy.
Wang Feng (không phải tên thật, đến từ Quảng Châu) sinh em bé thứ ba vào tháng 1/2018 và nghĩ mình đã tránh được tiền phạt. Tháng 5 vừa qua, tài khoản ngân hàng của cô đột ngột bị đóng băng. Các quan chức địa phương yêu cầu Wang trả 320.000 nhân dân tệ “phí bảo trì xã hội”.
“Chúng tôi biết sẽ bị phạt, nhưng không nghĩ sẽ nặng đến mức này”, cô nói.
Đối với gia đình Wang, hình phạt này rất khủng khiếp. Bảy thành viên trong gia đình cô, bao gồm 2 người cao tuổi và 3 đứa trẻ, đều sống nhờ mức lương khoảng 10.000 nhân dân tệ/tháng của người chồng.
Chính phủ thu “phí bảo trì xã hội” của các gia đình sinh con thứ ba nhằm bồi thường về chi phí sử dụng dịch vụ công “bất hợp pháp” của đứa trẻ “thừa”. Ảnh: AP.
“Thật khó để nuôi dạy một đứa trẻ”
Sau khi trường hợp của Wang Feng thu hút sự chú ý trên phương tiện truyền thông Trung Quốc, các quan chức địa phương nói rằng gia đình có thể trả góp trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, họ từ chối miễn tiền phạt hoặc mở lại tài khoản ngân hàng.
“Vấn đề vẫn chưa được giải quyết,” Wang thở dài.
Các quan chức kế hoạch hóa gia đình ở quận Phiên Ngung, nơi Wang sinh sống, cho biết họ không có kế hoạch ngừng thu “phí bảo trì xã hội”, mặc dù mức tiền phạt đã giảm đáng kể từ năm 2018.
“Đó không phải là quyết định có thể được đưa ra bởi một quận. Đó là luật quốc gia. Các quy tắc kế hoạch hóa gia đình vẫn phải được duy trì”, một quan chức họ Feng nói.
Những ồn ào về “phí bảo trì xã hội” đã và đang nổ ra trên khắp đất nước tỷ dân. Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc 2020, vấn đề này một lần nữa trở nên nổi cộm khi một thứ trưởng từ Quảng Đông đề xuất hủy bỏ mọi hình phạt đối với các gia đình có nhiều hơn hai con.
Liang Jianzhang, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này. Đối với ông, việc trừng phạt các cặp vợ chồng sinh con thứ ba là phản tác dụng vào thời điểm tỷ lệ sinh ngày càng giảm, đe dọa tương lai kinh tế lâu dài của Trung Quốc.
“Thật khó để nuôi dạy một đứa trẻ trong xã hội ngày nay. Nếu có thêm con, các gia đình đang đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước”, Liang nói.
Ngày càng nhiều quan chức và chuyên gia Trung Quốc ủng hộ việc bãi bỏ giới hạn sinh đẻ. Ảnh: Sixth Tone.
Ding Jinhong, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số thuộc Đại học Hoa Đông, cũng ủng hộ việc loại bỏ dần các biện pháp kiểm soát sinh đẻ. Ông chỉ ra rằng sự thay đổi sẽ cho phép Trung Quốc tránh được chi phí khổng lồ để duy trì bộ máy kế hoạch hóa gia đình.
Về lý do Trung Quốc không đưa ra bất kỳ cải cách lớn nào trong lĩnh vực này trong 5 năm qua, Ding nhận định: “Tôi đoán có thể do ở những vùng sâu vùng xa, tỷ lệ người dân sẵn sàng sinh thêm con vẫn ở mức cao. Việc duy trì chính sách trong một thời gian nữa sẽ cho phép chính quyền đợi cho đến khi tỷ lệ sinh ở các khu vực đó thấp hơn”.
Năm 2018, chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh các mục tiêu chính sách đã chuyển từ kiểm soát dân số sang quản lý “cơ cấu và chất lượng” dân số. Hai thuật ngữ này có thể đề cập đến sức khỏe và trình độ học vấn của công dân, cũng như tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo và tình trạng hôn nhân cùng nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên, các quan chức không loại trừ khả năng loại bỏ chính sách hai con. Li Tie, cựu chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Phát triển Đô thị Trung Quốc, cho biết nhiều khả năng nước này sẽ nới lỏng hoặc thậm chí xóa bỏ giới hạn sinh trong tương lai, nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm.
“Các chính sách dân số cần được điều chỉnh phù hợp với những thay đổi của tỷ lệ sinh. Đó là mục đích ban đầu của chính sách kế hoạch hóa gia đình. Nhưng ngay cả khi các biện pháp kiểm soát sinh đẻ bị loại bỏ, điều đó không có nghĩa là chính phủ sẽ chuyển sang khuyến khích sinh đẻ. Trọng tâm sẽ vẫn là nâng cấp chất lượng và cơ cấu dân số”, Li nói.
Theo Zing