Hành khách trên chuyến bay VN311 đa phần là phụ nữ có thai, người già và những người có hoàn cảnh đặc biệt - ẢNH: DIỆU MI
Mới đây, sư cô Thích Tâm Trí (Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản) đăng tải câu chuyện anh Hoàng Tiến Lợi (30 tuổi, quê Hà Nội) bị bệnh tim nan y cấp tính vừa đón nhận “phép màu” về đến Việt Nam trên chuyến bay VN311 của Vietnam Airlines vào chiều 25.5.
“Không có thầy, chắc con mất rồi”
Sư cô Thích Tâm Trí cho biết anh Lợi sang Nhật theo diện du học sinh, nhưng vì hoàn cảnh phải ra ngoài làm. Lúc phát hiện bệnh, anh Lợi không thân nhân, không ai bảo lãnh, không có giấy tờ nên bệnh viện trả về.
Thấy vậy, bạn bè của anh Lợi đã gọi nhờ sư cô giúp đỡ để sớm được về Việt Nam. Nghe tin, sư cô đến bệnh viện đón anh Lợi về chùa rồi đưa anh lên Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ) trình bày hoàn cảnh để được hỗ trợ về nước.
Ngay tối hôm đó, anh Lợi trở bệnh nặng phải đi cấp cứu. Ở bệnh viện, sư cô và chị Rie (người Nhật Bản, đồng hành cùng sư cô làm thiện nguyện) đứng ra bảo lãnh lo thủ tục giấy tờ.
Sư cô cũng liên hệ Bộ Y tế của Nhật và địa phương nhờ hỗ trợ để xin miễn viện phí khoảng 1,2 tỉ đồng. Các khoản chi tiêu khác được sư cô trích từ quỹ từ thiện của Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản để lo liệu.
“Bác sĩ nói Lợi có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nên phải trải qua 2 ca phẫu thuật. Suốt những ngày đó, bố của Lợi liên tục gọi điện thoại cho tôi. Nhờ đó tôi mới rõ, Lợi bị yếu tim từ nhỏ nhưng nhà nghèo quá không có tiền chữa trị”, sư cô Thích Tâm Trí kể lại.
Sư cô Thích Tâm Trí và anh Hoàng Tiến Lợi sau ca phẫu thuật thành công - ẢNH: NVCC
Trước khi lên máy bay về nước, anh Lợi đã nói với sư cô: “Ngày hôm đó không có thầy thì không biết con sẽ như thế nào, chắc con mất từ lâu rồi”. Sư cô chỉ nhìn Lợi mỉm cười, vì sức khỏe của anh ngày hôm nay chính là phép nhiệm màu của điều kỳ diệu.
Giúp nhau ngay trước giờ… G
Không quá bi đát như Lợi, anh Dương Minh Trung (30 tuổi, quê Cao Bằng) sang Nhật 5 năm theo diện du học sinh; sau khi tốt nghiệp, được công ty nơi anh làm thêm giữ lại.
Gần đây, anh bị đau dữ dội bàn chân trái, rồi lan cả hai chân, lúc ngủ thường bị co giật, kèm theo đau lưng và hông. Anh thường phải quỳ để di chuyển, mọi việc nhà phải nhờ người quen. Anh được đưa đi nhiều bệnh viện nhưng bệnh mỗi ngày một nặng hơn.
Sau khi gửi đơn đăng ký trên trang web ĐSQ, anh càng lo: “Ngày nhận thông báo của ĐSQ được hỗ trợ về nước tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì sắp được về chữa trị, lo là tìm người đưa từ Kobe đến sân bay ở Tokyo vì tôi bị đau buốt cả 2 chân”.
Thông tin của anh Trung được một người bạn đăng lên nhóm những người Việt kẹt ở Nhật. Với tình đồng bào, chỉ ít phút sau, anh Mạc Đăng Minh (25 tuổi) nhắn tin nói sẽ cùng Trung lên sân bay.
Anh Minh cũng là người Việt kẹt ở Nhật vì dịch Covid-19, anh lên Tokyo để tìm chỗ ở nhờ chờ ngày về nên tiện đường nhận đưa Trung đến sân bay. Hôm đưa anh Trung ra sân bay, Minh vẫn đem theo va li của mình và hy vọng vào điều kỳ diệu.
Khi mọi người đã làm thủ tục xong, ĐSQ biết đến câu chuyện của anh Minh và kiểm tra thấy anh cũng có trong danh sách chờ, giấy tờ đầy đủ nên thuyết phục bên làm thủ tục cho Minh cùng lên chuyến bay.
Mừng tủi không kém là trường hợp em trai chị Trần Thị Diễm (27 tuổi, quê Quảng Nam) là Trần Văn Nghĩa (24 tuổi) cũng được về trên chuyến bay này. Nghe tin máy bay hạ cánh an toàn, cả gia đình ai nấy đều rơi nước mắt vì hạnh phúc.
“Lúc nghe tin em trai tôi bị nhọt gì đó sau cơ thể mà đau nhức không thể ngồi được, bệnh viện không mổ vì không có người nhà, mẹ tôi khóc đến ngất xỉu phải đi cấp cứu, còn tôi không đêm nào ngủ được. Xin cảm ơn ĐSQ đã hỗ trợ cho em tôi”, chị Diễm bộc bạch. Nghĩa tình người Việt dù ở đâu, trong hoạn nạn đều được san sẻ, giúp đỡ.
Theo thanhnien