Trong bài phỏng vấn được đăng trên tạp chí People của Trung Quốc hôm 10/3, bác sĩ Ai Fen nói rằng cô đăng bức ảnh chụp bệnh án trong một nhóm trò chuyện trên mạng xã hội WeChat vào ngày 30/12, cho thấy bệnh nhân bị viêm phổi do một loại virus giống virus corona từng gây dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng). Các thành viên trong nhóm trò chuyện, bao gồm bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, sau đó lan truyền bức ảnh này.
Ai nói rằng ảnh chụp bệnh án được một đồng nghiệp gửi cho khiến cô rất lo ngại vì ca bệnh có vẻ giống hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng. Dịch SARS 17 năm trước đã ảnh hưởng đến hơn 8.000 người trên thế giới và giết chết hơn 800 người, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ai ngay lập tức cảnh báo trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng và khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm của bệnh viện nơi cô làm việc. "Tôi thậm chí còn túm lấy trưởng khoa hô hấp khi ông ấy đi qua phòng tôi, nói rằng một bệnh nhân của ông ấy đã được xác định nhiễm loại virus giống virus từng gây dịch SARS", cô nói.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, đã bị công an khiển trách vì "lan truyền tin đồn" sau khi chia sẻ bức ảnh của Ai với người khác. Anh qua đời hôm 6/2 sau khi nhiễm nCoV. Cái chết của bác sĩ Lý đã châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ trong dư luận về cách chính quyền Vũ Hán xử lý khủng hoảng và suốt một tháng sau, người dùng vẫn bình luận trên các bài đăng Weibo của anh.
|
Bác sĩ Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán. Ảnh:People. |
Trong bài phỏng vấn, Ai nói rằng ngay ngày hôm đó, cô được cấp trên nói rằng Ủy ban Y tế Vũ Hán đã ra chỉ thị các nhân viên y tế không được tiết lộ bất cứ điều gì về virus hay dịch bệnh mà nó gây ra để tránh gây hoảng loạn. Ngay sau đó, bệnh viện nhắc nhở tất cả nhân viên rằng việc tiết lộ thông tin liên quan đến dịch bệnh này đều bị cấm.
Hai ngày sau, một quan chức phụ trách bộ phận giám sát của bệnh viện đã khiển trách Ai vì "lan truyền tin đồn", đề cập bức ảnh bệnh án cô chia sẻ trên mạng. Quan chức này yêu cầu Ai thông báo cho toàn bộ nhân viên trong khoa của cô không được tiết lộ bất cứ điều gì về dịch bệnh và không nói với bất cứ ai, ngay cả chồng cô.
"Đầu óc tôi trống rỗng", Ai nói. "Ông ấy không chỉ trích tôi vì không làm việc chăm chỉ. Ông ấy làm tôi cảm thấy rằng một mình tôi đã hủy hoại tương lai của Vũ Hán. Tôi rất tuyệt vọng".
Ai nói rằng Hu Ziwei, một y tá tại bệnh viện, bị nhiễm virus khoảng một tuần sau đó. Bệnh viện ban đầu ghi nhận trong bệnh án rằng Hu bị "viêm phổi siêu vi", nhưng sau đó thay đổi mô tả căn bệnh thành nhiễm trùng.
Ai tin rằng hành động của cô không cấu thành bất kỳ hành vi sai trái nào. "Tôi đã thông báo cho bệnh viện và tôi chưa bao giờ tiết lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân khi tôi thảo luận về trường hợp cụ thể với các bác sĩ khác", cô nói. "Làm sao tôi có thể không thảo luận với các đồng nghiệp khi biết loại virus mới đã xuất hiện. Tôi đã làm theo trực giác của mình với tư cách là một bác sĩ, thế thì tôi đã phạm phải sai lầm gì?".
Chia sẻ của bác sĩ Ai trong bài phỏng vấn cũng làm sáng tỏ các quan điểm về nguồn dịch. Vào dịp Tết Nguyên đán, chợ bán buôn hải sản Hoa Nam gần bệnh viện của Ai, được cho là nơi virus xuất hiện, đã bị đóng cửa. Tuy nhiên Ai cho biết cô đã nhận thấy luồng bệnh nhân viêm phổi nhiều tuần trước khi giới chức xác nhận virus có thể lây từ người sang người.
Ban đầu, những bệnh nhân này đều phần nào liên quan đến chợ hải sản. Tuy nhiên những ngày sau đó, nhiều cụm dịch, đặc biệt là cụm dịch gia đình, đã xuất hiện. "Nếu không có sự lây nhiễm từ người sang người, tại sao bệnh nhân tiếp tục tăng sau khi chợ Hoa Nam bị đóng cửa?", Ai nói.
Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán là một trong những cơ sở y tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thành phố với 4 bác sĩ, bao gồm Lý Văn Lượng, qua đời vì Covid-19. Hai bác sĩ khác của bệnh viện đang trong tình trạng nguy kịch.
"Nếu các bác sĩ này được cảnh báo sớm hơn về dịch bệnh, họ sẽ không chết. Vì vậy, tôi thực sự hối hận vì đã không cảnh báo nhiều người hơn", cô nói. "Nếu tôi có thể biết dịch bệnh bùng phát, tôi sẽ nói với tất cả mọi người, dù có bị kỷ luật. Tôi suy nghĩ rất nhiều, giá mà thời gian có thể quay trở lại".
Bài phỏng vấn Ai sau đó bị xóa khỏi tài khoản WeChat của tạp chí People, khiến người dùng mạng xã hội rất tức giận và đăng lại bài viết trên các nền tảng khác. Tạp chí People được xuất bản bởi Nhà xuất bản Nhân dân, thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Bài phỏng vấn cũng được đăng trùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tới thăm Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ca ngợi người dân vì sự kiên cường và hy sinh của họ.
Theo vnexpress