Abu Saher al-Maghari che xác những người chết khi đến Bệnh viện Tử đạo Al-Aqsa ở Deir el-Balah [Atia Darwish/Al Jazeera]
Ông Abu Saher al-Maghari đang che xác những người chết trên xe cứu thương

 

Bên trong một căn phòng nhỏ hẹp lát gạch trắng, có một người đàn ông làm việc chăm chỉ hàng ngày. Ông đứng hàng giờ liền trên một bục cao với những tấm vải trắng treo trên lan can.

Trong hơn một tháng qua, ông Abu Saher al-Maghari đã đứng trên bục này, nhẹ nhàng khâm liệm các thi thể được chuyển đến Bệnh viện Liệt sĩ Al-Aqsa ở trung tâm Dải Gaza.

Người đàn ông 53 tuổi, có tính cách trầm lặng, đã khâm liệm người chết tại bệnh viện này suốt 15 năm qua. Nhưng kể từ khi cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza bắt đầu vào ngày 7/10, ông al-Maghari đã chứng kiến một lượng thi thể lớn chưa từng có, trong đó có nhiều người không còn nguyên vẹn.

Khi được hỏi về những thi thể đã nhìn thấy, ông al-Maghari bắt đầu khóc. “Tôi chưa bao giờ trải qua khoảng thời gian khó khăn như vậy trong đời. Trong suốt những năm làm việc của mình, trung bình mỗi ngày tôi khâm liệm từ 30 đến tối đa 50 ca tử vong. Trong những trường hợp leo thang quân sự trước đây, con số có thể lên tới khoảng 60 nhưng bây giờ mỗi ngày trên 100 thi thể, và đôi khi con số đó có thể lên tới 200”- ông al-Maghari lau nước mắt trên bộ râu trắng của mình.

Ông al-Maghari nói rằng, điều khó khăn nhất phải đối mặt chính là các thi thể được đưa đến bệnh viện trong tình trạng rất tồi tệ. “Tay chân bị rách nát, đứt lìa, vết bầm tím nặng và vết thương sâu khắp cơ thể. Tôi chưa bao giờ trải qua những điều gì như thế này trước đây”.

"Trái tim tôi tan vỡ vì những thi thể không toàn vẹn của trẻ em"

Số lượng nạn nhân lớn nhất mà ông al-Maghari tiếp nhận là trẻ em và phụ nữ. Al-Maghari nói: “Điều làm tôi buồn nhất là việc khâm liệm cho trẻ em. Trái tim tôi tan vỡ khi tôi thu thập những phần chân tay bị rách của bọn trẻ và đặt chúng vào một tấm vải liệm. Họ đã làm gì thế?” - ông khóc nghẹn.

5 tuần qua, hơn 11.080 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Con số này bao gồm gần 5.000 trẻ em và 3.000 phụ nữ, khiến Tổng thư ký Liên hiệp quốc mô tả Gaza là “nghĩa địa của trẻ em".

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu cách đây hơn một tháng, Abu Saher al-Maghari đã phải liệm tới 200 thi thể mỗi ngày [Atia Darwish/Al Jazeera]
Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, mỗi ngày ông Abu Saher al-Maghari đã phải liệm tới 200 thi thể

 

“Tôi bắt đầu ngày mới bằng việc liệm người chết không ngừng nghỉ từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Một số thi thể được chuyển đến đã ở trong tình trạng phân hủy nặng, lộ rõ xương và bốc mùi sau nhiều ngày nằm dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị đánh bom" - ông al-Mahgari cho biết những thi thể khác được chuyển đến trong tình trạng rách nát, một số bị đốt cháy đến mức không thể nhận dạng.

Giây phút chia tay - đau lòng và tàn nhẫn

Bất chấp những nỗi kinh hoàng hàng ngày, al-Maghari vẫn âm thầm tiếp tục công việc của mình như mọi khi. Ông cố gắng khâm liệm các thi thể đàng hoàng nhất có thể. “Sứ mệnh của tôi đặt ra cho tôi một thử thách lớn lao. Các bậc cha mẹ bên ngoài đang phát điên vì đau buồn, họ la hét và khóc lóc vì con. Vì vậy, tôi cố gắng nhất có thể làm cho các thi thể trông đàng hoàng hơn để họ có thể nói lời tạm biệt. Cố tránh cho các thành viên trong gia đình sốc khi nhìn thấy những bộ phận cơ thể bị xé nát của những người thân yêu của họ". Al-Maghari cho biết, ông tập trung vào việc định lại hình dáng người chết, lau sạch máu và bụi, sau đó viết tên họ lên tấm vải liệm.

“Những giây phút chia tay cuối cùng này luôn đau lòng và tàn nhẫn. Tôi thường buộc chặt tấm vải liệm để các thành viên trong gia đình không phải nhớ về những người thân yêu của họ trong hình thái đau lòng như vậy".

Không có thời gian để khóc

Al-Maghari nói rằng giữa những gì đang xảy ra, nói đến sức khỏe tâm thần của ông là một điều “xa xỉ” trong bối cảnh thảm khốc mà ngành y tế đang phải chịu đựng. “Việc đối phó với số lượng thi thể bị rách và cháy đen, hầu hết là trẻ em, đòi hỏi một sự chịu đựng tâm lý mà không phải ai cũng có được. Tôi phải đối mặt với một thử thách mỗi ngày. Không có thời gian để khóc lóc hay suy sụp dù chỉ là một lúc. Nhưng, chúng ta chỉ là con người mà”.

Công việc của ông Al-Maghari trong những điều kiện nguy hiểm càng khiến ông không có cơ hội để nghĩ về gia đình mình, những người sống trong trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm thành phố Gaza.

“Giống như tất cả các bậc cha mẹ, tôi lo lắng cho gia đình mình nhưng tôi hầu như không thể giao tiếp với họ" - ông bố 5 đứa con nói.

"Dù lo lắng nhưng khi trở về nhà, tôi không thể nói chuyện với họ. Tất cả những gì tôi yêu cầu là hãy để tôi yên. Tôi biết rằng họ là an toàn là được. Ngoài ra tôi không còn thiết gì nữa cả" - ông nói tiếp.

Mặc dù gia đình vẫn đang an toàn nhưng ông Al-Maghari vẫn mang trong lòng nỗi lo canh cánh. Tuy nhiên, điều này ông không thể chia sẻ cùng ai. “Tôi thường tưởng tượng rằng các con tôi có thể nằm trong số những nạn nhân mà tôi sẽ khâm liệm bất cứ lúc nào. Điều đó khiến tôi như ngã quỵ bởi ai cũng cũng đều là mục tiêu, không có ngoại lệ trong thời điểm này”.

Theo phụ nữ TPHCM