Người dân nhận hàng cứu trợ tại New York, Mỹ - AFP
Nhiều chính sách cứu trợ
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Trump nhấn mạnh chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính cho người lao động. “Đây là khoản tiền họ cần, tạo động lực giúp họ trở lại làm việc”, Reuters dẫn lời ông nói. Theo đó, người dân Mỹ sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần. Khoản trợ cấp này thấp hơn mức 600 USD/tuần trong gói giải cứu kinh tế được quốc hội thông qua và sắp hết hạn.
Ông Trump cho hay số tiền hỗ trợ thất nghiệp cũng có thể chỉ 300 USD/tuần, trong đó 100 USD trích từ ngân sách của bang. Điều này tương ứng với đề xuất của đảng Cộng hòa trong dự luật ngân sách cứu trợ là 200 USD/tuần, nhưng vấp phải chỉ trích của đảng Dân chủ vì không chi 600 USD như dự kiến.
Một sắc lệnh khác đưa ra các biện pháp giúp bảo vệ người dân tránh bị ép phải rời khỏi nhà thuê vì không có khả năng trả tiền nhà do mất việc. Sắc lệnh thứ ba liên quan đến việc hỗ trợ các khoản vay của sinh viên.
Sắc lệnh cuối cùng là tạm thời ngừng thu thuế thu nhập cá nhân - điều vấp phải sự phản đối từ nhiều nghị sĩ lưỡng đảng.
Đại dịch tiếp diễn phức tạp
Không chỉ Mỹ, tình hình đại dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, trong đó Brazil hôm qua trở thành nước thứ hai có số ca tử vong vượt mốc 100.000, sau Mỹ. Theo AFP, cột mốc đáng buồn này được ghi nhận chỉ một ngày sau khi Nam Mỹ trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm và chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, với số ca tăng gấp đôi chỉ trong 3 tuần.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson hôm qua kêu gọi học sinh trở lại trường học vào tháng 9 và cho hay các quán bar, nhà hàng, cửa hiệu có thể sẽ phải đóng cửa nếu số ca nhiễm tăng vọt.
Cũng nhằm tăng cường phòng chống dịch, giới chức Paris (Pháp) hôm qua ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi đông người và điểm du lịch. AFP dẫn thông cáo của cảnh sát Paris cho hay việc đeo khẩu trang là bắt buộc đối với người trên 11 tuổi “tại một số khu vực đông người”, bao gồm 2 bờ sông Seine và hơn 100 đường phố. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo về làn sóng lây nhiễm mới ở Tây Âu do thời tiết nóng bức đang khiến nhiều người đổ xô đến các bãi biển.
Cháy bệnh viện dã chiến chữa Covid-19 Theo tờ The Times of India, một vụ cháy xảy ra vào sáng 9.8 tại khách sạn được một bệnh viện tư nhân thuê làm cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở thành phố Vijayawada (bang Andhra Pradesh, Ấn Độ), khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Tại thời điểm trên, có khoảng 50 bệnh nhân Covid-19 và 10 nhân viên y tế tại đây. Nhiều bệnh nhân hoảng loạn cầu cứu từ cửa sổ, trong khi ít nhất 2 người nhảy từ trên cao xuống và thiệt mạng. Hầu hết nạn nhân tử vong do bị ngạt khói. Cảnh sát địa phương cho biết nguyên nhân do máy lạnh ở tầng trệt bị chập điện và ngọn lửa nhanh chóng lan rộng lên các tầng trên. Các bệnh nhân Covid-19 sống sót được đưa qua một bệnh viện công gần đó để tiếp tục điều trị. |
Theo thanhnien