Những người giúp việc ở Trung Quốc thường được đào tạo trước khi "giao" cho gia chủ. Ảnh minh họa: Reuters
Năm ngoái, tôi có cơ hội tham gia một sự kiện tư vấn tâm lý tập thể được tổ chức bởi một công ty dịch vụ giúp việc gia đình ở Bắc Kinh dành cho các nhân viên đã ký hợp đồng. Khi mọi người đã tập trung đông đủ, người thuyết trình đặt câu hỏi cho người tham gia, rằng tại sao họ đến đây hôm nay.
“Chúng tôi muốn kiếm tiền!” – họ đồng thanh hét lên.
“Tại sao các bạn chưa có tiền” – người thuyết trình hỏi.
“Bởi vì chúng tôi không có kỹ năng” – một người trả lời. “Chúng tôi không có văn hoá” – một người khác đáp khi người diễn thuyết đi khắp phòng.
“Chúng tôi không có nền tảng”.
“Chúng tôi không làm việc để cải thiện bản thân!”
“Chúng tôi thiếu tự tin!”
Người diễn thuyết không tỏ ra bất ngờ trước những câu trả lời. “Tại sao các bạn không đi tìm một nền tảng?” – cô tiếp tục đặt câu hỏi. “Đó là vấn đề của ai nếu bạn không có cơ hội? Là vấn đề của ai nếu các bạn thiếu lòng can đảm? Là vấn đề của ai nếu các bạn không có tầm nhìn? Là vấn đề của ai nếu các bạn thiếu sự tự tin hay không khoẻ mạnh?”
“Tất cả những vấn đề này đều ở bên trong” – cô kết luận. “Tất cả đều là do chúng ta tạo ra. Tôi nói có đúng không? Hãy suy nghĩ về nó: Các bạn không phải người có lỗi ư?”.
Phải thừa nhận rằng phần lớn phần hỏi đáp này mang lại hiệu quả, nhưng trong quá trình nghiên cứu của tôi về người lao động và các công ty giúp việc gia đình ở Bắc Kinh, tôi nhận thấy rằng thông điệp này là một phần gần như không thể thiếu của cả những buổi đào tạo hay tư vấn tâm lý của các công ty.
Có một logic ẩn giấu ở đây: Các công ty đang giúp những phụ nữ nông thôn, trung niên “không có kỹ năng” nhận ra giá trị của mình, và những phụ nữ này nên trả ơn lại họ bằng dịch vụ chất lượng cao. Và khi làm như vậy, các công ty không ngừng nhắc đến địa vị thấp kém của họ trong xã hội.
Một nhóm nhỏ những người giúp việc gia đình ở Bắc Kinh mà tôi nghiên cứu – được gọi bằng tiếng Trung là “ayi” (dì) – thường làm việc toàn thời gian cho một gia đình. Công việc cụ thể của họ là trông trẻ, chăm sóc người già, nấu ăn và dọn dẹp. Để tìm gia đình thuê giúp việc, hầu hết họ phải phụ thuộc vào đơn vị môi giới.
Những công ty này không có mối quan hệ lao động chính thức nào với các “ayi”, và cũng không mua bảo hiểm thất nghiệp hay an sinh xã hội cho họ. Nhưng để thu hút khách hàng, họ phải đào tạo các “ayi” biết được vị trí của mình trong gia đình nhà chủ. Nguyên tắc quan trọng nhất trong quá trình đào tạo này chính là câu thần chú: Chủ nhà lúc nào cũng là chủ nhà. Đừng quên rằng bạn là người ngoài và là một “ayi”.
Trên thực tế, điều này có nghĩa là người giúp việc nên giữ khoảng cách với người sử dụng lao động cả về thể chất lẫn cảm xúc. Các giảng viên nhấn mạnh rằng các “ayi” không nên đặt mình ngang hàng với chủ nhà trên bàn ăn, không bày tỏ ý kiến của mình về việc gia đình, không trang điểm và dùng trang sức.
Theo các khóa đào tạo này, một “ayi” lý tưởng nên có một số phẩm chất nhất định. Đó là “tình yêu” với gia đình, công ty và khách hàng của gia chủ. Đó là kỹ năng biết im lặng, chăm chỉ và dẻo dai.
Ngoài những kỹ năng trong công việc, họ còn được đào tạo cả về cách xử lý với các tình huống phát sinh. Ảnh minh họa: SCMP
Một số người giúp việc cũng được đưa tới đây để chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Một phụ nữ tên Li cho biết cô làm giúp việc gia đình ở Bắc Kinh từ năm 2010. Thời điểm đó, gia đình cô lâm vào cảnh nợ nần. Chồng cô không thể làm việc vì các vấn đề sức khỏe, trong khi con cô vẫn đang đi học.
Tuy nhiên, một năm sau, cô đã tiết kiệm được 10 ngàn tệ, trả hết nợ, thậm chí còn mua được một chiếc tủ lạnh và máy giặt.
“Các chị em, tôi nợ công ty vì đã giúp tôi xây dựng nên nền tảng này” – cô Li nói với khán giản phía dưới.
Tất nhiên, không phải ai cũng có những trải nghiệm tích cực. Các khóa học này muốn phản ánh cả những hi sinh mà họ muốn các “ayi” nên làm để khiến khách hàng hài lòng.
Một giúp việc khác được mời đến chia sẻ kể về cách cô ấy ứng xử với một người chủ khó tính – người cố không trả đúng mức lương đã thỏa thuận với cô từ trước.
“Tôi quỳ lạy cô ấy 3 lần, mỗi lần đều cúi gập người và điều đó khiến cô ấy động lòng” – người giúp việc nói.
“Tôi là người theo đạo. Cả đời tôi chưa bao giờ phải quỳ lạy cha mẹ, mà chỉ biết quỳ lạy dưới chân đức Phật. Khi nhận được tiền, tôi nói lời tạm biệt cô ấy. Tôi muốn cô ấy phải cảm động. Tôi liên tục cúi đầu và cảm ơn cô ấy. Khi bước chân xuống cầu thang, tôi không thể cầm lòng được nữa. Tôi bắt đầu khóc”.
Một cách khác để các công ty giữ cho “ayi” làm việc ổn định là tự gọi mình là “họ ngoại” của các giúp việc – tức là người sẽ an ủi, hỗ trợ cho họ khi đã về nhà chủ.
Ở một công ty lớn mà tôi đến thăm, mỗi người giúp việc đều có một nhân viên chịu trách nhiệm chăm sóc và hướng dẫn họ. Các nhân viên này đóng vai trò như cha mẹ, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe người lao động, giúp họ tìm được nhà tuyển dụng phù hợp, đồng hành cùng họ trong các cuộc phỏng vấn, giải đáp các thắc mắc, thậm chí đôi khi còn can thiệp khi khách hàng không chịu trả lương.
Tất cả những việc này đặc biệt quan trọng với các “ayi” nhập cư, những người thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào sự chăm sóc và quan tâm của các công ty môi giới hơn là các “ayi” trong nước.
Không phải người giúp việc nào cũng tin các công ty môi giới là “họ ngoại” của mình. Một người giúp việc mà tôi từng phỏng vấn nói rằng: “Họ luôn gọi mình là ‘bên ngoại’, nhưng gia đình thực sự của chúng ta có bao giờ bắt chúng ta làm những việc mà mình không muốn làm không?”.
Thật vậy, bất cứ khi nào người giúp việc than phiền về các điều kiện làm việc như camera được đặt trong phòng ngủ, hay họ được yêu cầu ngủ cùng những đứa trẻ mà họ chăm sóc, thì phản ứng đầu tiên của công ty luôn là bắt họ chấp nhận hoàn cảnh thay vì đối đầu với khách hàng.
Áp lực phải tuân thủ là rất lớn. Đặc biệt, các công ty sử dụng quyền kiểm soát cơ hội việc làm để định hình “ayi lý tưởng” của mình. Họ thường đặt những người được đánh giá là “ít kén chọn”, “không gây rối” và “có khả năng đối mặt với khó khăn” vào đầu hàng khi phỏng vấn. Nếu người giúp việc bị gắn mác là “kén chọn”, “không thể chịu đựng được khó khăn”, người đại diện sẽ không cố gắng giúp cô ấy tìm việc.
Ngoài ra, công ty cũng luôn khuyến khích các “ayi” sửa sang lại hình ảnh của bản thân để thuyết phục họ rằng, từ một người có kỹ năng thấp nhờ có công ty “giải cứu” mà họ trở thành một phiên bản khác hoàn toàn. Vì lòng biết ơn, họ nên “học cách hiểu, chấp nhận” và cải thiện “chất lượng” tổng thể của mình để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người sử dụng lao động.
Điều đáng chú ý là trong một số cuộc phỏng vấn của tôi, những người giúp việc cho biết họ đã thực sự trở thành một phần trong gia đình gia chủ. Chủ nhà thậm chí mời họ ăn Tết, đưa họ đi du lịch cùng gia đình. Nhưng yếu tố đóng góp quan trọng nhất cho những mối quan hệ này không phải là “ayi” đã làm việc chăm chỉ đến mức nào, mà là gia chủ sẵn sàng công nhận và tôn trọng những nỗ lực của người giúp việc.
Hiện tại, việc vun đắp các mối quan hệ như vậy không phải là ưu tiên của các công ty môi giới giúp việc gia đình. Nhưng khi nền kinh tế của đất nước tiếp tục phát triển và nhu cầu về người giúp việc gia đình tăng lên, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động được thiết lập để trở thành một trong những mối quan hệ xã hội quan trọng nhất ở Trung Quốc. Sự hòa hợp giữa 2 bên không thể chỉ có được từ khả năng chịu đựng và lòng biết ơn từ một phía. Sự bình đẳng và tương hỗ một cách chân thành cũng cần đến sự tôn trọng lẫn nhau.
Bài viết của tác giả Liu Yuting – người đã tiến hành nghiên cứu về cuộc sống của những người giúp việc gia đình.