Pakistan: Bệnh lây nhiễm qua nguồn nước lan rộng, bệnh viện quá tải
Cập nhật lúc 18:50, Thứ hai, 03/10/2022 (GMT+7)
Sau đợt mưa lũ kỷ lục tại Pakistan, nước trở thành nguồn lây nhiễm các căn bệnh như tiêu chảy, sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết, hay các bệnh về da và mắt, khiến bệnh viện quá tải.
|
|
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện ở Karachi, Pakistan. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Khu cấp cứu tại bệnh viện chính của thị trấn Sehwan, tỉnh Sindh, thuộc miền Nam Pakistan, gần đây phải đối mặt với tình trạng quá tải do số người mắc các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết... tăng cao sau đợt mưa lũ kỷ lục tại nước này.
Bác sỹ Naveed Ahmed thuộc Viện Khoa học sức khỏe Abdullah Shah chia sẻ mỗi buổi sáng, phòng khám của ông tiếp nhận khoảng 300-400 bệnh nhân, trong đó có nhiều trẻ em và phần lớn mắc các bệnh như sốt rét hay tiêu chảy.
Bác sỹ Ahmed lo ngại khi mùa Đông đang đến gần thì các căn bệnh khác sẽ trở nên phổ biến hơn, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Hệ thống y tế quá tải cũng khiến cơ sở vật chất y tế không được đảm bảo, trong khi số lượng y, bác sỹ không đủ để hỗ trợ các bệnh nhân, khiến những người tuyến đầu dễ rơi vào tình trạng làm việc quá sức.
Lũ lụt do mưa gió kỷ lục và sông băng tan chảy ở các vùng núi phía Bắc Pakistan đã cướp đi sinh mạng của gần 1.600 người và ảnh hưởng đến hơn 33 triệu người kể từ giữa tháng Sáu.
Lũ lụt đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, khiến hàng trăm nghìn người phải di dời đến các cơ sở dựng tạm, thậm chí ở ngoài trời mà không được đảm bảo về thức ăn và nước sạch.
Lượng nước lũ ứ đọng tiếp tục lan rộng hàng trăm km2, ở một số nơi có thể mất từ 2-6 tháng để nước rút, khiến nhiều người chưa thể trở về nhà. Từ đó, nước cũng trở thành nguồn lây nhiễm các căn bệnh như tiêu chảy, sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết, hay các bệnh về da và mắt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra "thảm họa thứ 2" tại Pakistan sau lũ lụt, đặc biệt tại tỉnh Sindh. Sở Y tế tỉnh này cho biết đã ghi nhận 17.285 ca mắc sốt rét kể từ ngày 1/7.
Chính quyền tỉnh đang tiến hành các biện pháp nhằm ứng phó với rủi ro về sức khỏe, trong đó đã thuê hơn 5.000 chuyên gia y tế để hỗ trợ các quận, huyện có nguy cơ về dịch bệnh cao nhất. Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực không đủ để đáp ứng các nhu cầu về y tế.
Liên hợp quốc và Chính phủ Pakistan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp 160 triệu USD cho các nạn nhân của một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử nước này.
Bộ trưởng Kế hoạch, Phát triển và Sáng kiến đặc biệt của Pakistan, ông Ahsan Iqbal cho biết nước này có thể mất 2 năm để hoàn tất công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau các trận lũ vừa qua./.
Theo vietnamplus