Một phụ nữ Liban tại cuộc biểu tình chống quấy rối tình dục, cưỡng hiếp và bạo lực gia đình ở Beirut - Ảnh: AFP

 
Lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh khiêu dâm của một người đàn ông gửi qua tin nhắn, Amal bật khóc vì kinh hãi. Tuy nhiên, cô vẫn từ chối lịch sự và hy vọng sẽ ngăn chặn những lần sau. Nhưng tiếp theo là nhiều bức ảnh tồi tệ hơn, một số từ các tạp chí khiêu dâm, một số khác của chính người đàn ông trong tư thế tình dục. “Tôi bắt đầu tự trách bản thân, bởi tôi đã đáp lại lời làm quen của anh ta”, nữ sinh viên 21 tuổi người Jordan chia sẻ. Amal không dám chia sẻ với gia đình vì sợ họ sẽ trừng phạt và không cho truy cập vào internet. 

Những nỗi sợ hãi tương tự khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái trở thành mục tiêu trên mạng xã hội khi nạn quấy rối tăng đột biến. Tại chín quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc cho thấy, quấy rối trực tuyến là loại bạo lực được báo cáo phổ biến nhất đối với phụ nữ trong thời kỳ đại dịch. Theo một khảo sát khác, các hạn chế do dịch bệnh cũng đã khiến những kẻ lạm dụng chọn mạng xã hội như một “không gian mới” cho hành vi quấy rối. Đó là cuộc tấn công kép đối với phụ nữ, những người phải vật lộn với tác động của lạm dụng trực tuyến cũng như nỗi lo bị gia đình và cộng đồng đổ lỗi.

Tiến sĩ Ibrahim Akel - Giám đốc Viện Sức khỏe gia đình tại Quỹ King Hussein ở Jordan - cho biết: “Trong một xã hội truyền thống, gia đình sẽ xem cô gái không phải là nạn nhân mà là đồng phạm. Đó là lý do các cô ngại nói với cha mẹ mình, điều này khiến họ càng dễ bị tổn thương hơn và kẻ quấy rối sẽ tận dụng để kiểm soát nhiều hơn”.

Hadeel Abdel Aziz - Giám đốc điều hành Trung tâm Trợ giúp pháp lý tại Jordan - cho biết thêm: “Thủ phạm đôi khi là một người bạn chung, hoặc một người nào đó từ trường đại học. Nó bắt đầu giống như một cuộc trò chuyện thông thường, sau đó mọi thứ leo thang và cuối cùng thường diễn ra ở khía cạnh tình dục”.  Theo Hadeel, hầu hết phụ nữ tìm kiếm sự hỗ trợ của cô sau khi vụ việc được phát triển thành tống tiền - một hình thức tội phạm mạng phổ biến. Thủ phạm đe dọa gia đình các cô gái sẽ công bố những bức ảnh gây tổn hại. Nhiều nạn nhân càng khủng hoảng hơn khi gia đình không giúp đỡ mà còn chửi mắng, đánh đập nói rằng các cô đã tự mở đường dây liên lạc với những người đàn ông này. 

Chính những áp lực này tàn phá đến sức khỏe tinh thần của phụ nữ, với bạo lực trực tuyến có liên quan đến trầm cảm và trong một số trường hợp là tự tử. “Họ nghĩ rằng đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề”, Hadeel Abdel Aziz nói.

Các lực lượng an ninh của Liban đã ghi nhận mức tăng 184% tội phạm mạng trong năm 2020, với 41% tội phạm nhằm vào trẻ em gái và phụ nữ từ 12 đến 26 tuổi. Hayat Mirshad, đồng sáng lập nhóm Fe-Male, cho rằng: “Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến chúng tôi có nhiều nền tảng internet khác nhau như là lối thoát để tiếp tục cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp nhưng thật không may, bạo lực và lạm dụng cũng lan rộng ở thế giới trực tuyến”.

Ở Ai Cập, đại dịch làm tăng các ca quấy rối từ đường phố sang mạng xã hội. Trong số các khiếu nại mà các tổ chức Ai Cập nhận được, 70% có liên quan đến quấy rối trực tuyến - tăng 25% so với trước đại dịch. Trong một số trường hợp, thủ phạm thậm chí còn hack vào điện thoại của phụ nữ và lấy cắp hình ảnh. Giám đốc điều hành Trung tâm Hướng dẫn và nhận thức pháp luật Ai Cập ông Reda Eldanbouki cho hay, vì lo sợ sự kỳ thị của xã hội nếu việc lạm dụng trực tuyến bị lộ ra, nhiều gia đình hạn chế con em truy cập internet hoặc tịch thu điện thoại của họ. Điều này cũng hạn chế việc học và làm việc trực tuyến của nhiều người.

Ai Cập, Liban, Jordan hay nhiều nước trên thế giới đều có luật chống quấy rối trực tuyến nhưng luật này không giúp bảo vệ phụ nữ nếu gia đình và bạn bè phát hiện ra. Tại Jordan, trường hợp của Amal được chuyển đến đơn vị tội phạm mạng và thủ phạm bị cảnh báo nhưng cô không còn tham gia những hoạt động trong trường và xã hội nữa. “Tôi luôn ám ảnh việc vừa qua, điều đó thật đáng sợ!”, cô nói. 

Theo phunuonline