Một người phụ nữ ăn xin ở thủ đô Helsinki, Phần Lan - Ảnh: REUTERS

Theo thống kê của Trung tâm phát triển và tài chính nhà ở Phần Lan, đất nước ở Bắc Âu này từng có hơn 18.000 người vô gia cư vào năm 1987.

Đến năm 2016, con số này giảm xuống còn 7.000 người, nhưng phần lớn đang sống tạm với bạn bè hoặc người thân thay vì ngủ bờ ngủ bụi như trước.

Kênh Euronews giải mã cách Phần Lan giải quyết vấn đề vô gia cư: cung cấp nhà ở.

Cung cấp nhà ở là một điểm sáng trong chính sách của Phần Lan. Ở nhiều nước, người vô gia cư thường không được cấp nhà cho đến khi họ giải quyết hoặc xử lý xong những vấn đề ban đầu đã đẩy mình vào tình cảnh không nhà - có thể là vấn đề tài chính, sức khỏe hoặc nghiện ngập.

Tuy nhiên, Phần Lan lại nghĩ khác, làm khác.

Ưu tiên mái nhà

Mái nhà là cách Phần Lan giúp cho không còn ai phải sống vô gia cư ngoài phố - Ảnh minh hoạ: iStockphoto

Đất nước Bắc Âu đưa ra sáng kiến "Ưu tiên mái nhà" - theo đó, họ cung cấp chỗ ở lâu dài cho người vô gia cư mà không cần biết họ có tiến bộ hay giải quyết được các rắc rối của mình hay chưa.

Ông Juha Kaakinen, giám đốc Quỹ Y tại Phần Lan, lý giải cách suy nghĩ này: "Trung tâm bảo trợ có thể là nơi họ trú ẩn cho qua dông bão nhưng họ cần một mái nhà để làm chủ một cuộc sống tươm tất. 

Người vô gia cư cần có nhà ở, đó là quyền con người cơ bản của họ. Sau đó, họ có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề với sự giúp đỡ của các chuyên gia nếu cần".

Phần Lan đã tăng đáng kể số lượng nhà ở, một số trong đó nhằm hỗ trợ người vô gia cư. Sự gia tăng này trùng sự sụt giảm số lượng các trung tâm bảo trợ - nơi cung cấp chỗ tạm trú cho người vô gia cư.

Bỏ trung tâm bảo trợ

Năm 2008, Helsinki có 558 nhà bảo trợ và hostel tạm trú cho người vô gia cư. Đến năm 2016, con số này chỉ còn 52.

Cũng trong giai đoạn trên, số lượng nhà ở hỗ trợ và cho thuê độc lập ở thủ đô Phần Lan đã tăng từ 2.585 lên 3.742 đơn vị.

Ông Freek Spinnewijn, giám đốc Liên đoàn Các tổ chức làm việc với người vô gia cư châu Âu (FESETSA), cho biết: "Chúng ta thường mặc định rằng nhà bảo trợ ít nhân viên và do đó chi phí vận hành rẻ. Thực sự, nhà bảo trợ đã trở nên đắt đỏ hơn". 

Theo ông, khi sống trong nhà bảo trợ, có khả năng rất cao là cư dân sẽ phải tiếp xúc với cảnh sát, quản giáo hoặc đại diện pháp luật. Sống trong nhà bảo trợ, họ có thể bị lây, nhiễm bệnh. Tâm lý chung là họ thường chờ đến khi không thể chịu được nữa thì mới vào bệnh viện khám cấp cứu. Lúc đó, chi phí điều trị là rất đắt. 

Nếu tính tất cả các chi phí liên quan, chắc chắn là tại các nước có hệ thống nhà bảo trợ chất lượng cao, việc cung cấp nhà ở cho người vô gia cư ngay từ đầu chỉ có chi phí tương đương, nếu không muốn nói là rẻ hơn. 

"Rất khó để phân tích đầy đủ về chi phí và lợi ích của hai phương pháp nhưng nếu hỏi người Phần Lan, họ sẽ nói rằng theo thời gian, việc cấp nhà chắc chắn là không đắt hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần đầu tư thêm để giúp tạo ra sự chuyển đổi từ hệ thống nhà bảo trợ sang hỗ trợ nhà ở", ông Spinnewijn phân tích.

Lều của người vô gia cư ở Anh. Năm 2018 là năm nước Anh có số người vô gia cư cao nhất kể từ năm 2007 - Ảnh: Twitter

Ông Kaakinen - giám đốc Quỹ Y, cũng khẳng định một số kết quả ở Phần Lan đã chứng minh khi người vô gia cư được hỗ trợ có nhà ở đàng hoàng, chi phí tiết kiệm cho xã hội là 15.000 euro mỗi người/năm. 

Các chuyên gia trong vấn đề người vô gia cư cho rằng việc hỗ trợ nhà là điều có thể thực hiện được. Đó không phải là vấn đề tiền bạc vì giải pháp này giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội, vấn đề là nhiều quốc gia không thử tiến hành.

Quyết tâm chính trị

Theo ông Kaakinen, sự phối hợp của nhiều bên để tìm giải pháp cho vấn đề người vô gia cư quyết định sự thành công của Phần Lan.

Phần Lan có quyết tâm chính trị rất rõ ràng là "Chúng tôi không muốn bỏ ai ngoài rìa xã hội. Là một quốc gia nhỏ, chúng tôi cần sự tham gia của mọi người để xây dựng đất nước".

Phần Lan nghiêm túc giải quyết vấn đề người vô gia cư từ năm 2008. Những thay đổi trong chính phủ cũng không làm thay đổi mục tiêu này.

Theo ông Kaakinen, ở những nơi khác, "vấn đề là thiếu sự phối hợp. Trong khi đó, ở Phần Lan, đây là một nỗ lực quốc gia. Lãnh đạo bộ ngành, các thành phố lớn và các tổ chức phi chính phủ làm việc cùng nhau để giảm số lượng người vô gia cư. Đây là điều nhiều nước khác không làm được".

Theo tuoitre