|
|
Nhiều vụ bạo hành gia đình xảy ra tại Úc là do những người có học thức, có địa vị xã hội gây nên - Ảnh: REIWA |
1/3 phạm nhân đã từng “xuống tay” sát hại vợ hoặc bạn tình của mình là những nhân vật có vai vế trong xã hội và chưa từng bị cảnh sát “hỏi thăm” trước đó. Phần lớn nạn nhân cũng thuộc thành phần trung lưu và có công việc ổn định.
Đây là một trong những phát hiện do Viện Tội phạm học Úc (AIC) công bố thông qua một nghiên cứu sâu được khảo sát từ 200 vụ giết người tại Úc, trong vòng 11 năm (2007 - 2018). Trong đó, thủ phạm là nam giới và nạn nhân là bạn đời hay bạn tình của họ.
Đồng quan điểm với Viện AIC, tiến sĩ Hayley Boxall thuộc Chương trình Nghiên cứu bạo lực với phụ nữ và trẻ em cho biết, thậm chí nhiều phụ nữ “được giáo dục tốt, thành đạt, thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội không nhận ra rằng, việc chồng hay bạn trai của mình cưỡng ép, áp đặt là hành vi xâm hại thể chất và tinh thần”.
“Thực tế phũ phàng” này đã làm lung lay định kiến phổ biến từ lâu nay rằng, phần lớn tội phạm và nạn nhân bạo hành gia đình “có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu điều kiện học hành và thường xuyên vi phạm pháp luật”, báo cáo của Viện AIC nêu.
Viện AIC lưu ý thêm rằng, nhiều vụ bạo hành gia đình đã dẫn đến kết cục bi thảm, và các nạn nhân là phụ nữ bị sát hại bởi chính chồng hay bạn tình của mình.
|
|
Ông Borce Ristevski bị xử tù giam vì đã sát hại vợ năm 2016 - Ảnh: The Age |
Theo thống kê từ cơ quan hữu trách tại Úc, số lượng các vụ giết người do bạo hành gia đình chiếm tới 21% trong tổng số vụ giết người xảy ra trong 2 năm 2018 - 2019, và phần lớn thủ phạm là nam giới.
“Lúc mới bắt đầu mối quan hệ thì không có vấn đề gì. Nhưng sau đó nam giới có xu hướng muốn giành quyền kiểm soát, duy trì quyền lực và gây ảnh hưởng lên mối quan hệ tình cảm của mình”, tiến sĩ Boxall lý giải.
Theo nghiên cứu của Viện AIC thì “giai đoạn dẫn đến bạo lực, khiến nạn nhân tử vong thường xảy ra khi người phụ nữ đề nghị chia tay, yêu cầu được đi làm hoặc cố gắng duy trì mối quan hệ với các thành viên trong gia đình của mình”.
|
|
Những người từng sống trong môi trường bạo lực thường có xu hướng sử dụng bạo lực với người thân của mình khi lớn lên - Ảnh: Ozzie Visa |
Ngoài ra, nghiên cứu cũng nhận diện thêm nhóm “sát nhân tiềm tàng” khác, bao gồm những người từng lớn lên trong môi trường bạo lực, những người mắc các bệnh về tâm lý, bị trầm cảm hoặc từng có tiền sử phạm tội trước đó.
“Nhóm đối tượng này chiếm 40% những vụ giết người mà những người thực hiện khảo sát tiếp cận”, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Viện AIC cho biết.
Theo phunuonline