Cảnh sát Pháp đứng gác trên đường giữa lúc nhiều người thưởng thức bữa tối và đồ uống ở thị trấn Le Touquet trước thềm lệnh đóng cửa các cửa hàng không cần thiết có hiệu lực - Reuters
“Tôi đã ra quyết định đóng cửa tất cả địa điểm không thiết yếu, nhất là quán cà phê, nhà hàng, rạp chiếu phim, quán bar và những cửa hàng khác, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15.3", Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói trong buổi họp báo ngày 14.3, theo Reuters.
“Chính phủ không có lựa chọn nào khác vì nhiều người dân vẫn ra ngoài dù đã được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người. Chúng ta phải hạn chế hoạt động đi lại”, ông Philippe nói thêm.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ Y tế Pháp thông báo số trường hợp tử vong vì COVID-19 đã tăng lên 91 và có gần 4.500 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Tuy nhiên, lệnh cấm cũng có một số ngoại lệ, chẳng hạn các cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc, trạm xăng vẫn được mở cửa.
Thủ tướng Philippe cho biết cuộc bầu cử địa phương ngày 15.3 sẽ diễn ra bình thường nhưng sẽ được đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt nhằm đề phòng COVID-19.
Theo ông Philippe, hệ thống giao thông công cộng vẫn hoạt động bình thường và chính phủ kỳ vọng các công ty sẽ sớm để nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể, bắt đầu từ ngày 16.3.
Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả trường học kể từ ngày 16.3 và khuyến cáo những người trên 70 tuổi phải ở nhà.
Tại Đức, chính phủ ngày 14.3 cũng đã tuyên bố lệnh cấm tương tự ở Pháp và cho học sinh nghỉ học kể từ đầu tuần tới.
Tuy nhiên, theo chế độ liên bang ở Đức, chính quyền các bang có quyền quyết định tuân thủ hoặc thực lệnh cấm của chính phủ hay không.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đồng thời yêu cầu những người trở về từ Ý, Thụy Sĩ và Áo phải tự cách ly trong tối đa 2 tuần để giúp làm chậm sự lây lan của COVID-19. Đến nay, số ca nhiễm ở Đức tăng lên 4.585, với 9 người chết vì COVID-19.
Trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag, Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer tuyên bố quân đội có thể được triển khai để canh gác các siêu thị và đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm được cung cấp đầu đủ cho người dân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi mọi người giảm tiếp xúc xã hội, bao gồm cả không nên để trẻ em đến thăm ông bà.
Các quốc gia ở châu Âu đẩy mạnh biện pháp ứng ứng phó dịch bệnh sau khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 13.3 tuyên bố châu lục này hiện là "tâm chấn" của đại dịch COVID-19 toàn cầu, đồng thời cảnh báo không thể biết rõ khi nào dịch sẽ đạt đỉnh.
Theo thanhnien