Bộ phim Giáng sinh thắng lớn khi chiếu vào… mùa hè

Công chiếu vào năm 1947, Miracle on 34th street (tựa tiếng Việt: Phép màu ở phố 34) có lẽ là bộ phim Giáng sinh duy nhất được chiếu vào… mùa hè. Dù phim lấy bối cảnh vào Giáng sinh và được quay trong mùa đông, giám đốc hãng phim vẫn nhất quyết yêu cầu phim được phát hành vào mùa hè, với lập luận rằng sẽ có nhiều người đi xem phim hơn khi thời tiết ấm áp. Thật bất ngờ, Miracle on 34th street lập tức thắng lớn sau khi công chiếu tại nhà hát Roxy (New York, Mỹ), vào ngày 4/6/1947 và trở thành một trong những bộ phim kinh điển về ông già Noel.

Vì sao Miracle on 34th street trở thành một trong những bộ phim Giáng sinh đáng xem nhất mọi thời đại? Bởi vì tất cả những gì đẹp nhất về Giáng sinh đều được thể hiện vô cùng tinh tế trong phim. Bộ phim bắt đầu bằng bối cảnh buổi diễu hành nhân dịp lễ Tạ ơn tại thành phố New York. Lúc này, những nhân viên của công ty đồ chơi Macy đang bận rộn chuẩn bị cho buổi diễu hành thường niên. Tuy nhiên, ông già Noel mà Doris Walker - quản lý tiệm Macy (Maureen O’Hara đóng) thuê - luôn trong tình trạng say xỉn, cô buộc phải sa thải vào phút cuối và thay bằng Kris Kringle, người luôn tự cho mình là Santa Claus (ông già Noel).

Fred Gailey luôn tin Kris Kringle thật sự là ông già Noel
Fred Gailey luôn tin Kris Kringle thật sự là ông già Noel
 
Sau buổi diễu hành, Kris Kringle tiếp tục đóng vai ông già Noel tại cửa hàng bán đồ chơi, nơi những đứa trẻ đến và nói với ông về món quà chúng muốn. Nhiệm vụ của ông già Noel là gợi ý những món đồ chơi do Macy bán để cha mẹ chúng mua. Nếu không có món đồ đó, nhân vật này sẽ gợi ý những món đồ ế ẩm trong cửa hàng cho khách. Tuy nhiên, Kris Kingle không chấp nhận việc thương mại hóa ngày lễ Noel. Thay vào đó, ông hướng dẫn các bậc cha mẹ đến những tiệm đồ chơi khác để tìm món quà con họ muốn, nếu Macy không có. Thật bất ngờ, cửa hàng Macy không vì thế mà ế ẩm. Thay vào đó, họ lại được lòng khách hàng vì sự trung thực và tận tâm, doanh số vì thế tăng vùn vụt.
Miracle on 34th streetlà bộ phim hài kịch Giáng sinh của Mỹ do 20th Century Fox phát hành. Phim do George Seaton viết kịch bản và đạo diễn, dựa trên câu chuyện của Valentine Davies. Phim giành được 3 giải Oscar: Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Edmund Gwenn, Kịch bản gốc hay nhất cho Valentine Davies và Kịch bản hay nhất cho George Seaton. Bộ phim được Viện phim Mỹ xếp hạng 9 trong danh sách những bộ phim truyền cảm hứng nhất của Mỹ.

Với bộ râu dài trắng muốt và nụ cười luôn nở trên môi, Kris Kingle giống ông già Noel đến kỳ lạ. Từ chỗ hoài nghi ban đầu, tất cả mọi người đều dần tin rằng ông chính là ông già Noel, ngoại trừ nhà tâm lý học Granville Sawyer. Xung đột giữa họ leo thang cho đến khi Sawyer buộc tội và đưa Kris vào bệnh viện tâm thần. Anh chàng luật sư trẻ tuổi Fred Gailey (do John Payne đóng), cũng là người đang theo đuổi Doris, quyết định rời công ty luật nổi tiếng của mình để bảo vệ quyền lợi cho Kris Kingle trước tòa án. Những bức thư từ hàng ngàn trẻ em New York gửi cho ông già Noel được bưu điện chuyển đến tòa đã giúp khẳng định Kris đích thực là ông già Noel.

Trailer phim Miracle on 34th street: 

Sức mạnh của lòng tin và tình yêu thương

Điều đặc biệt đáng yêu của bộ phim là mối quan hệ giữa Kris và cô bé Susan (do Natalie Wood đóng), con gái của Doris. Susan được mẹ dạy cách nhìn mọi việc ở khía cạnh thực tế và thực dụng. Susan không đọc truyện cổ tích, không muốn tưởng tượng, không chơi với những đứa trẻ khác vì chúng thích giả làm động vật, còn cô bé thì không. Cô bé cứng nhắc, khô khan đã gặp gỡ một ông già luôn tin mình là ông già Noel - người mang đến niềm vui cho mọi người và mang đến tiếng cười cho con trẻ. Làm sao để Kris Kingle giúp cô bé biết tưởng tượng và tin vào ông già Noel? Bộ phim chính là hành trình chứng minh cho cô bé Susan thấy rằng trí tưởng tượng có thể giúp con người nuôi dưỡng ước mơ và hy vọng. Kris đồng thời đã chứng minh cho cả thế giới thấy ở khía cạnh nào đó, ông già Noel có thật. Tất cả những ai giúp cho thế giới này trở nên bình yên, tươi đẹp hơn và giúp người ta yêu mến ngày lễ Giáng sinh hơn chính là ông già Noel.

Poster được làm lại khi phim đã trở nên nổi tiếng
Poster được làm lại khi phim đã trở nên nổi tiếng

Làm nên linh hồn của bộ phim là Edmund Gwenn trong vai ông già Kris Kingle. Đây là một trong những vai diễn đỉnh cao của điện ảnh. Ông diễn mà như không diễn. Ông khiến khán giả thật sự tin rằng ông chính là ông già Noel. Tượng vàng Oscar dành cho Edmund quả thực vô cùng xứng đáng. Khi nhận giải Oscar, Edmund đã nói: “Giờ thì tôi tin có Santa Claus trên đời”. Còn ai có thể không tin nữa, sau khi nhận được câu trả lời hoàn hảo từ Miracle on 34th street?
Quá trình quay bộ phim cũng có nhiều điều thú vị. Các phân cảnh của cuộc diễu hành trong ngày lễ Tạ ơn của tiệm Macy được quay trực tiếp khi cuộc diễu hành năm 1946 đang diễn ra. Arthur Jacobson, trợ lý đạo diễn, đã quay bối cảnh này vào buổi sáng lễ Tạ ơn bằng 9 máy quay cùng lúc.

Nữ diễn viên Maureen O’Hara nhớ lại trong hồi ký: “Đó là một cuộc tranh giành điên cuồng để có được tất cả cảnh quay chúng tôi cần. Mỗi cảnh chỉ được thực hiện duy nhất một lần. Hôm ấy trời rất lạnh, Edmund và tôi thật sự ghen tị với Natalie Wood và John Payne - những người không có phân cảnh quay trong phần này và đang xem cuộc diễu hành từ cửa sổ”. Cần nói thêm rằng, O’Hara ban đầu có ý định từ chối vai Doris và cô đã chuyển đến Ireland. Tuy vậy, sau khi đọc kịch bản, O’Hara lập tức thay đổi ý định và trở lại Mỹ để tham gia bộ phim. Đó là một quyết định đúng đắn.

Từ khi bấm máy đến khi phát hành, bộ phim đã trải qua rất nhiều lần thay đổi tên, ban đầu là My heart tells me, rồi đến The big heart, It’s only human, Meet me at dawn… và cuối cùng kết thúc với cái tên Miracle on 34th street. Phim nhận được hầu hết đánh giá tích cực từ giới phê bình vào thời điểm ra mắt và được xem là một trong những bộ phim hay nhất của năm 1947. Bộ phim thật sự đã mang đến thông điệp ấm áp, ngọt ngào mà không cần dùng đến mật đường.

Kris Kringle đang trò chuyện với 2 mẹ con Doris và Susan về ông già Noel
Kris Kringle đang trò chuyện với 2 mẹ con Doris và Susan về ông già Noel

Năm 1985, Miracle on 34th street trở thành một trong những bộ phim đen trắng đầu tiên được tô màu. Năm 1994, bộ phim được làm lại với phiên bản điện ảnh màu nhưng mãi mãi, tinh thần của bộ phim gốc là không thể thay thế. Miracle on 34th street còn được chuyển thể thành nhiều phiên bản khác nhau, thậm chí trình diễn tại nhà hát kịch Broadway. Điều đó đủ cho thấy sức ảnh hưởng và khả năng truyền cảm hứng của bộ phim mạnh mẽ đến mức nào.

Thông điệp làm bộ phim sống mãi với thời gian có lẽ cũng chính là điều Francis Pharcellus Church - chủ biên tờ báo The Sun của New York - trả lời cô bé 8 tuổi Virginia O’Hanlon vào năm 1897 trên chính tờ báo này cho câu hỏi: “Ông già Noel có thật không?”, rằng: “Đúng thế, Virginia, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Những điều chân thực nhất trong thế giới chúng ta là những điều mà trẻ em và người lớn đều không thể thấy được”. Đúng vậy, ông già Noel luôn có thật, như chính sự tử tế, niềm tin, niềm hy vọng và lòng yêu thương trên khắp thế giới này. Chính những điều đó sẽ tạo nên phép màu cho mỗi chúng ta, không chỉ trong đêm Giáng sinh mà trong tất cả những khoảnh khắc khác của cuộc đời.

Theo phụ nữ TPHCM