Biểu đồ thể hiện chỉ số chi phí sinh hoạt của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NUMBEO
Chi phí sinh hoạt của Việt Nam tăng 5 bậc
Bảng xếp hạng bao gồm 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh giá các loại chi phí như mua sắm, đi lại, ăn uống và các tiện nghi, thuê nhà…
Trong bảng xếp hạng giữa năm 2020 này, đứng đầu bảng là Bermuda với 5/6 tiêu chí cao nhất bảng. Đặc biệt, tiêu chí chi phí sinh hoạt nước này cao gấp hơn 7 lần quốc gia cuối bảng là Pakistan. Tiêu chí sức mua địa phương của Bermuda tuy thấp hơn 1 số quốc gia như Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Đan Mạch… nhưng nhìn chung về tổng số liệu, nước này vẫn đang dẫn đầu bảng, là quốc gia có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất trong khi cùng kỳ năm ngoái (2019), nước này chỉ giữ vị trí thứ 2 bảng.
Xếp sau Bermuda là Thụy Sĩ và Na Uy, Iceland, Nhật Bản… 5 quốc gia có chỉ số chi phí sinh hoạt thấp nhất bảng xếp hạng là Pakistan, Ấn Độ, Kyrgyzstan, Afghanistan và Syria.
Việt Nam đang giữ vị trí thứ 90/135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên bảng xếp hạng chi phí sinh hoạt giữa năm 2020 của Numbeo. So với cùng kỳ năm ngoái (2019) Việt Nam đứng thứ 95/136 quốc gia và vùng lãnh thổ, như vậy thứ hạng của Việt Nam đã tăng 5 bậc sau một năm đồng nghĩa chi phí sinh cũng tăng.
Xét từ giữa năm 2017, 2018 đến 2019, chỉ số chi phí sinh hoạt của Việt Nam liên tục giảm hạng nhưng đến giữa năm 2020, điều này đã bị đảo ngược.
Một số khoản chi tiêu tại TP.HCM tính đến thời điểm giữa năm 2020 - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NUMBEO
Tuy nhiên, khi so sánh mức chi phí sinh hoạt của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, khoảng cách dường như vẫn còn khá xa. Điển hình như giữa năm 2020, Singapore giữ vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng, Thái Lan đứng thứ 60, Campuchia đứng thứ 62, Myanmar đứng thứ 88. Bên cạnh đó, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á xếp sau Việt Nam như Malaysia đứng thứ 92 hay Indonesia đứng thứ 98.
Các thông số về giá cả được thu thập từ khắp nơi trên thế giới và xử lý bởi Numbeo. Thông qua bảng xếp hạng, người xem có thể thấy được mối liên hệ giữa mức độ phát triển kinh tế và mức sống tại các quốc gia và vùng lãnh thổ.
TP.HCM có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước
Chi phí sinh hoạt của Việt Nam thấp hơn 47,09% so với Hoa Kỳ (tổng hợp dữ liệu cho tất cả các thành phố, tiền thuê nhà không được tính đến). Giá thuê nhà trung bình tại Việt Nam thấp hơn 66,22% so với Hoa Kỳ.
Theo cách tính của Numbeo, New York được gán cho điểm số 100, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong bảng xếp hạng sẽ xếp theo thang điểm này. Các quốc gia và vùng lãnh thổ có điểm cao hơn 100, đồng nghĩa có mức sống đắt đỏ hơn New York, ngược lại nếu điểm thấp hơn 100 nghĩa là có mức sống rẻ hơn New York.
Theo Numbeo, chi phí hàng tháng cho gia đình bốn người sống ở TP.HCM là hơn 38 triệu đồng - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trang này cho hay, TP.HCM có chỉ số sinh hoạt là 39,16. Theo đó, TP.HCM có mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất Việt Nam với chi phí hàng tháng cho gia đình bốn người là hơn 38 triệu đồng, chi phí hàng tháng của một người ở mức khoảng gần 11 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt ở TP.HCM thấp hơn 60,84% so với New York và giá thuê nhà trung bình tại TP.HCM thấp hơn 81,75% so với New York.
So với các một số thành phố khác ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM có mức chi phí sinh hoạt cao hơn. Chỉ số sinh hoạt của Hà Nội là 38,66. Cụ thể Hà Nội có mức chi phí sinh hoạt hàng tháng cho gia đình bốn người là khoảng 37 triệu đồng, chi phí hàng tháng của một người khoảng 10 triệu đồng. Giá thuê nhà trung bình tại Hà Nội thấp hơn 36,96% so với TP.HCM.
Theo thanhnien