leftcenterrightdel
 Cảnh sát đột nhập vào một tòa nhà ở Manila để giải cứu nạn nhân ngày 27/6/2023. (Ảnh: AFP/Jam Sta Rosa)

Người phát ngôn đơn vị chống tội phạm mạng của Cảnh sát quốc gia Philippines, Michelle Sabino cho biết, các nhà chức trách Philippines đang phỏng vấn, điều tra những người bị giam giữ để xác định ai là nạn nhân, ai là nghi phạm. 

Trong số hơn 2.700 người bị giam giữ trong các cuộc đột kích, có hơn 1.500 người là người Philippines. Ngoài ra, còn có các nạn nhân là người nước ngoài như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia cùng các nước Pakistan, Cameroon, Sudan và Myanmar cũng được tìm thấy bên trong khu nhà.

Bà Michelle Sabino mô tả đây là cuộc đột kích chống nạn buôn người "lớn nhất từ trước đến nay" và cơ quan này sẽ điều tra mọi thông tin liên quan, bao gồm khả năng nhóm người trên tham gia vào các vụ lừa đảo trực tuyến. 

Nhà chức trách cho biết các nạn nhân đã được tuyển dụng thông qua các bài đăng trên mạng internet và họ phải chấp nhận làm các công việc đăng trên Facebook là làm việc ở Philippines để "tìm người chơi" cho các trò chơi trực tuyến.

Tháng 5/2023, giới chức Philippines đã giải cứu 1.090 người từ nhiều quốc gia châu Á, bị lừa bán sang nước này và ép buộc tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết các nạn nhân thường bị những kẻ buôn người gài bẫy với những lời mời gọi sẽ có công việc tốt hơn với mức lương cao và các đặc quyền hấp dẫn.

Theo Itayi Viriri, phát ngôn viên cấp cao của IOM khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nạn nhân thường "bị mắc kẹt trong một thế giới bóc lột, nơi họ phải chịu đựng sự lạm dụng, tịch thu giấy tờ đi lại và bị cô lập khỏi đồng nghiệp".

Theo phụ nữ TPHCM