Theo VICE, một tập từ bộ phim truyền hình Thái Lan Wife on Duty đang dấy lên làn sóng tẩy chay mạnh mẽ do đề cập tới vấn nạn hiếp dâm.

Cụ thể, tập phim chứa tình tiết nữ chính bị kẻ bắt cóc giam lỏng, tấn công tình dục. Sau khi được giải cứu, cô còn nhận về ánh nhìn ghê tởm, xa lánh từ bạn đời.

phim Thai Lan coi nhe nan hiep dam anh 1

Phân cảnh nữ chính bị bắt cóc, cưỡng hiếp từWife on Duty

 bị công chúng Thái Lan lên án. Ảnh:Thai PBS.

Ngay khi lên sóng, dân mạng xứ chùa Vàng lập tức lan truyền hashtag #NoMoreRapeOnScreen và #banWifeOnDuty trên Twitter nhằm phản đối việc các nhà làm phim đưa yếu tố lạm dụng tình dục lên màn ảnh nhỏ với thái độ coi nhẹ.

Bên cạnh khán giả truyền hình, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng tại Thái Lan cũng bày tỏ bất bình với sản phẩm sáng tạo của các nhà sản xuất.

"Từ khi còn bé, tôi thường bắt gặp cảnh tượng phụ nữ bị cưỡng hôn, tấn công tình dục trên TV. Điều này hoàn toàn không ổn. Chúng ta cần ngưng 'bình thường hóa' vấn nạn hiếp dâm!", Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2020 Amanda Obdam chia sẻ trên Twitter.

Cảnh quấy rối tình dục 'nhởn nhơ' trên màn ảnh

Bất chấp phản đối từ công chúng, những tình tiết như lạm dụng tình dục vẫn xuất hiện phổ biến trong "lakorn" - loạt phim truyền hình dài tập, được phát sóng vào khung giờ vàng ở Thái Lan.

Thể loại này luôn chứa tình tiết nam chính ép buộc nữ chính phục tùng theo ý mình, "thể hiện tình yêu" bằng các hành vi cưỡng hôn, cưỡng hiếp... Sau cùng, 2 nhân vật dần nhận ra tình cảm dành cho nhau và xóa bỏ mọi hiểu lầm.

"Nhiều bộ phim truyền hình Thái Lan đang tái hiện bạo lực gia đình và tấn công tình dục. Các hình thức như hiếp dâm với mục đích trừng phạt; đổ lỗi nạn nhân được 'bình thường hóa' trên màn ảnh nhỏ", Wipavee Phongpin - giảng viên Xã hội học tại ĐH Thammasat - nói với VICE.

phim Thai Lan coi nhe nan hiep dam anh 2

Nhiều bộ phim truyền hình Thái Lan đang tái hiện bạo lực gia đình và tấn công tình dục.

Thực tế, các bộ phim lakorn chứa tình tiết như trên có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng tấn công tình dục, bạo lực giới vốn tồn tại lâu đời ở xứ chùa Vàng.

Số liệu từ Bộ Y tế Công cộng cho biết trung bình có 87 vụ cưỡng hiếp được trình báo mỗi ngày vào năm 2013. Nghiên cứu từ Tổ chức Nâng cao Sức khỏe Thái Lan chỉ ra 80% bộ phim lakorn có tình tiết cưỡng hiếp, bạo lực tình dục năm 2014.

Thậm chí, quan niệm "bình thường hóa" nạn hiếp dâm cũng được lan truyền tới các nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản... qua quá trình xuất khẩu điện ảnh, truyền hình.

phim Thai Lan coi nhe nan hiep dam anh 3

Bộ phimClub Friday to be Continuetừng bị phạt 50.000 baht vì chứa cảnh bạo lực. Ảnh:Netflix.

Theo Đạo luật phát thanh truyền hình quốc gia, các nhà sản xuất có thể bị phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động vì đưa nội dung "không lành mạnh, gây suy giảm nghiêm trọng tinh thần và sức khỏe người xem" vào phim ảnh.

Năm 2016, một kênh sóng đã bị phạt 50.000 baht (1.652 USD) vì các cảnh bạo lực trong series lakorn Club Friday to be Continue. Dù được gắn mác "phù hợp với mọi lứa tuổi", bộ phim vẫn có cảnh một người phụ nữ bị cưỡng hiếp, tra tấn bằng cách áp mặt vào ống bô xe máy.

Công chúng lên tiếng

Nitipan Wiprawit, người sáng lập nhóm No More Rape On Screen, chia sẻ với VICE các hành vi lạm dụng tình dục từng xuất hiện tràn lan trên lakorn hơn 10 năm trước.

Mặc dù sự xuất hiện của những tình tiết trên đã được tiết chế hơn trong vài năm gần đây, Wiprawit khẳng định chúng vẫn tồn tại trong các bộ phim truyền hình đình đám.

phim Thai Lan coi nhe nan hiep dam anh 4

Phản ứng mạnh mẽ từ công chúng Thái Lan cho thấy khán giả mong muốn đón

xem các bộ phim có nội dung sạch. Ảnh:Netflix.

Năm 2014, Wiprawit đề xuất bản kiến nghị "Ngừng 'bình thường hóa' nạn hiếp dâm" nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng đổ lỗi nạn nhân và thái độ bàng quan về tấn công tình dục trên truyền hình Thái Lan.

“Tình trạng đổ lỗi nạn nhân vẫn xảy ra phổ biến. Nhiều người cho rằng nạn nhân đã gây kích động khiến kẻ biến thái nảy sinh ý đồ đồi bại”, anh nói.

Song, Wiprawit nhấn mạnh rằng thế hệ trẻ đã "thay đổi rất nhiều". Họ đang mạnh mẽ lên tiếng phản đối cách khắc họa vấn đề tấn công tình dục của truyền thông nước nhà.

Tập cuối của Wife on Duty được phát sóng ngày 21/2 vừa qua mà không bị kiện cáo. Dù vậy, giảng viên Phongpin hy vọng vào sự thay đổi trong tương lai.

"Phản ứng tức giận từ dư luận trước vụ việc này cho thấy khán giả đại chúng có nhận thức rõ ràng hơn. Họ mong muốn theo dõi các bộ phim có nội dung chất lượng thay vì bạo lực, suy đồi đạo đức", anh nói.

Theo Zing