Heroes in Harm's Way là bộ phim truyền hình được phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, có nội dung nói về cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bộ phim đang vấp phải nhiều chỉ trích khi đông đảo nhân viên y tế tuyến đầu và khán giả truyền hình nước này lên tiếng chỉ trích nội dung phim hạ thấp và tầm thường hóa vai trò của phụ nữ trong công cuộc chống dịch, theo SCMP.

 
 

Zhang Mei - một y tá đến từ Hồ Bắc, tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 - cho biết cô đã làm việc 3 tháng liên tục, không có lấy một ngày nghỉ. Giống nhiều đồng nghiệp khác, cô không dám về nhà trong nhiều tháng vì sợ lây bệnh cho gia đình.

Zhang nói phần lớn y tá tại bệnh viện nơi cô làm việc ở thành phố Hoàng Cương là phụ nữ. Thế nhưng sau khi xem tập đầu tiên của bộ phim phát trên CCTV, cô và mọi người đều cảm thấy rằng phần lớn đóng góp của phụ nữ đã bị bỏ qua.

Một phân cảnh của bộ phim bị cho chỉ tập trung vào đóng góp của nam giới trong cuộc chiến chống dịch.

Cụ thể, ở một cảnh trong phim (lấy bối cảnh tại Vũ Hán), khi nhóm tài xế xe buýt được yêu cầu làm tình nguyện viên trong thời gian thành phố bị phong tỏa hồi tháng 1, các nam lái xe xung phong ngay lập tức khiến ông chủ phải hỏi sang các nhân viên nữ.

"Tôi thật sự không thể, tôi còn có gia đình đang chờ về đón Tết", nữ nhân viên từ chối khi được hỏi. Một nữ tài xế khác định đứng lên nhận nhiệm vụ liền bị đồng nghiệp níu tay ngăn cản.

Zhang bức xúc cho rằng phân cảnh trên không đúng thực tế bởi mọi phụ nữ tại bệnh viện cô làm việc đều tích cực tham gia cuộc chiến này. "Tại bệnh viện của chúng tôi, 95% là nữ, chỉ có ít nhân viên nam".

"Đó là khoảng thời gian căng thẳng. Chúng tôi thiếu đồ bảo hộ. Khi tiếp xúc với các bệnh nhân chưa được xác nhận nhiễm virus, chúng tôi chỉ đeo khẩu trang, thậm chí không mặc đồ bảo hộ", cô kể thêm.

Bộ phim xa rời thực tế

Trong tập khác, có những phân cảnh gây phản cảm như nhóm nữ y tá đứng tán gẫu về một bác sĩ nam đẹp trai không đeo khẩu trang. Hay nữ bác sĩ bị các nhân viên nam yêu cầu: "Bạn là phụ nữ, cứ đứng sang một bên và hỗ trợ chúng tôi thôi".

Bộ phim gây bức xúc khi xa rời thực tế, bỏ qua những đóng góp lớn của nữ giới trong cuộc chiến chung.

Các cảnh khác của phim còn tập trung vào “cuộc tranh cãi gia đình” giữa một người phụ nữ và con dâu trong những ngày dịch bệnh.

Một số khán giả thể hiện sự phản đối bằng cách đăng đường link về những cuộc họp báo trước đây, trong đó các quan chức đã cho biết hơn 2/3 trong số 40.000 nhân viên y tế được điều động đến Hồ Bắc từ các tỉnh khác là phụ nữ.

Nhiều người khác kể lại chuyện không ít phụ nữ đã nỗ lực làm thêm giờ trong vai trò tài xế xe buýt, công nhân xây dựng bệnh viện dã chiến hoặc trực đường dây khẩn cấp.

Hou Hongbin, một cây viết về nữ quyền ở Quảng Châu, cho biết mọi người tức giận vì bộ phim hạ thấp đóng góp của phụ nữ và miêu tả họ là người thiếu chuyên nghiệp.

Cô cũng cho biết việc tập trung vào các cuộc xung đột gia đình đã bỏ mất tinh thần đoàn kết thống nhất trong việc chống dịch.

"Bộ phim không dựa trên thực tế, điều này khiến những người Trung Quốc từng đối mặt đại dịch tức giận", Hou nói.

Tuy nhiên, trái với dư luận, các kênh truyền thông của chính quyền dành nhiều lời ca ngợi cho tác phẩm này: "Bộ phim miêu tả những người nhỏ bé phi thường trong trận dịch, ca ngợi sự ngoan cường và dũng cảm của họ khi đối mặt với cái chết".

Thực tế, nhiều báo cáo chính thức của cơ quan truyền thông trong đại dịch trước đây cũng từng bị chỉ trích vì phân biệt giới tính.

"Tôi tin đây không phải hiệu ứng tuyên truyền mà bộ phim hướng tới, nhưng rõ ràng các cơ quan chính phủ đã không kết nối được với công chúng và chưa cập nhật được dư luận", Hou bày tỏ.

Theo  Zing