Đã gần trưa mà chị Nguyễn Phương Anh, nhân viên của Sở Giao thông Hà Nội vẫn thong thả ngồi trên chiếc ghế nhựa, hướng ánh mắt lơ đễnh về phía xa. "Trước đây, chả kể trời đông hay hè, chạy ngược, chạy xuôi sắp xếp chỗ đỗ xe cũng bở hơi tai", chị Phương Anh, nhân viên trông giữ xe ở khu đô thị Mỹ Đình, Nam Từ Liêm nói và cho biết "thời hoàng kim" vỉa hè dọc con đường dài hơn 2 km nơi chị đứng, ô tô vào nhà hàng Hàn Quốc đỗ không còn một chỗ trống. Giờ thì hiếm khi chị phải rời chiếc ghế.
Đầu tháng 2, dịch corona xuất hiện ở Việt Nam, lượng khách ghé qua các nhà hàng, quán ăn Hàn Quốc bắt đầu giảm. Đến khi thông tin xứ sở kim chi trở thành ổ dịch phát tán virus corona thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, xe cộ qua đây còn vắng vẻ hơn. Hai bên lề đường ở "khu phố Hàn" này chỉ taxi, xe ôm tấp tạm để thả khách rồi vụt đi.
|
Một nhà hàng Hàn Quốc trên phố Trần Văn Lai, thuộc khu đô thị Mỹ Đình không một khách hàng vào trưa 25/2. Ảnh:Phạm Nga. |
Cách chỗ chị Phương Anh ngồi vài trăm mét, trưa 25/2, bà chủ người Hàn Quốc của anh Trần Văn Giáp (44 tuổi) vội vã đến nhà hàng, chỉ đạo quản lý lập tức mua thêm hai chai cồn 90 độ về sát khuẩn bàn ghế, tay nắm cửa ra vào...
Trong cửa hàng, ba ngày qua, một chai nước rửa tay khô cũng đã được đặt trước cửa. Dẫu vậy, doanh thu ở nhà hàng có hơn 20 bàn ăn này vẫn "thấp chưa từng có".
"Sụt giảm đến 30% - 40% từ trong Tết. Vài ngày nay thì còn vắng hơn nữa", nam quản lý nhà hàng nói. Nguyên nhân, theo anh Giáp giải thích, là những người Hàn Quốc ngại đến chỗ đông người, còn người Việt sợ tiếp xúc với người Hàn do lo ngại có thể có bệnh nhân dương tính với nCoV.
Tình cảnh đìu hiu tương tự cũng diễn ra tại quán ăn chuyên các món ăn truyền thống Hàn Quốc của chị Bích Trâm, 36 tuổi nằm trong con ngõ thuộc phố Trần Văn Lai, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà.
Từ đầu tuần đến nay, trưa nào chị Trâm cũng đóng cửa quán im ỉm. Hai người duy nhất ngồi ở bàn ăn là con gái và đứa cháu của chị - những đứa trẻ đang nghỉ học gần một tháng nay. Thế nhưng, chỉ tính riêng khách buổi tối, khách của nhà hàng cũng sụt giảm 70-80%. "Chán lắm, tình thế này chắc chắn là không đủ tiền thuê nhà", chị Trâm cho biết.
Ở các con phố có nhiều nhà hàng, quán ăn của người Hàn Quốc như phố Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Định, Hoàng Đạo Thúy, thuộc quận Cầu Giấy tình cảnh cũng không khác là bao.
Anh Nguyễn Văn Minh, quản lý một nhà hàng trên phố Hoàng Đạo Thúy dùng hai từ "thảm họa" để mô tả về tình trạng làm ăn gần đây. Gần chục nhân viên làm theo giờ của anh Minh đã phải cắt giảm bốn tiếng giờ làm ban đêm, do vắng khách. "Nếu trước đây doanh thu là 50 triệu đồng, giờ chỉ còn khoảng 4 -5 triệu mỗi ngày. Tình cảnh này kéo dài chắc chắn không ổn, vì tiền thuê mặt bằng ở khu phố này thường đắt gấp đôi, gấp ba nơi khác", anh Minh nói.
Tại TP.HCM, trước đây, cứ 5h-7h chiều, taxi, ô tô chở người Hàn đi lại nườm nượp trên đường Hậu Giang, phường 4, quận Tân Bình, không chừa phần người đi bộ. Con đường này được ví là "thiên đường ăn uống của người Hàn Quốc", khách du lịch tụ tập thành đoàn náo nhiệt, nói chuyện rộn cả một góc phố. Khi ổ dịch nCoV ở thành phố Deagu bùng phát, những người Hàn Quốc bất ngờ "biến mất" như thể có ai đó vừa vung chiếc đũa phép.
Vài ngày gần đây, đi bộ thể dục qua con phố này, bà Nguyễn Thị Thanh, 73 tuổi, không còn phải tránh xe cộ leo lên vỉa hè. Đường thông, hè thoáng, bà cùng vài người bạn già vừa đi, vừa trò chuyện. "Phố xá cứ vắng vẻ, thanh bình như ba ngày Tết ấy", bà Thanh nói.
Sự bình yên của khu phố cũng đồng nghĩa với việc hơn 40 nhà hàng, dịch vụ ở đây rơi vào cảnh đìu hiu. 4h chiều, tiệm cắt tóc của chị Nguyễn Nhi ở cuối đường đã khép cửa. Ba nhân viên được cho về từ trưa. Không có việc gì làm, chốc chốc, chị lại lôi điện thoại ra xem. Đã hai ngày nay, chị Nhi không có thêm vị khách nào mới. "Mở hay không cũng thế, thà đóng, ngồi làm gì cũng yên tâm", chị thở dài.
Dù tiếp xúc với người Hàn Quốc, nhưng cả người Hàn, lẫn người Việt sinh sống ở các khu Mỹ Đình hay đường Hậu Giang vẫn tin mọi thứ đang trong tầm kiểm soát.
Xem tin tức về dịch bệnh ở quê nhà, chủ nhà hàng người Hàn của anh Giáp vỗ vai nhân viên: "Yên tâm, dịch bệnh không về đây được đâu". Hai tháng qua, bà không trở lại Hàn Quốc, chỉ tiếp xúc với cộng đồng người đồng hương sinh sống lâu năm tại Việt Nam. Anh Giáp và đồng nghiệp người Việt không lo lắng sẽ bị lây dịch từ bà chủ.
Trưa 25/2, khác hẳn với tình trạng vắng vẻ ở các nhà hàng Hàn Quốc, quán trà đá của bà Nguyễn Thị Bé, 62 tuổi nằm ở khu đô thị mới Mỹ Đình không còn một bàn trống. Dân văn phòng là người Việt từ các tòa nhà tràn xuống rộn cả ngã tư đường. "Người Hàn Quốc hiếm khi ngồi ăn uống vỉa hè như mình lắm, có ra ngoài đường thì đều đeo khẩu trang nên tôi không lo", bà nói.
|
Trưa 25/2, tại các quán hàng vỉa hè trên phố Trần Văn Lai vẫn tấp nập khách văn phòng người Việt. Ảnh:Phạm Nga. |
Anh Min Keang, 40 tuổi, chủ một nhà hàng Hàn Quốc ở khu này cho biết, ngoài việc đeo thêm khẩu trang khi ra phố, mọi hoạt động của anh vẫn diễn ra như thường lệ.
Xa quê đã năm năm, rành tiếng Việt, đọc tin tức thường xuyên, anh biết Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. "Tôi sống ở Seoul chứ không phải Deagu. Lần gần nhất tôi về Hàn Quốc là tháng 11 năm ngoái nên khả năng mắc dịch bệnh là không có. Còn ở Việt Nam đã hết người nhiễm bệnh, năng lực y tế tốt. Tôi thấy yên tâm", anh nói.
Nằm cuối phố Hậu Giang, khách sạn của anh Thanh Hải vẫn đón khách Hàn như thường lệ, dù biết quốc gia này đang là ổ dịch nCoV lớn thứ hai thế giới. Hôm qua, anh đã báo cáo công an về một người Seoul mới nhập cảnh về Việt Nam ngày 18/2, thuê phòng tại khách sạn mình. Khách ra vào đều đeo khẩu trang, nên anh Hải khá yên tâm.
"Người Hàn vào Việt Nam đều được kiểm tra chặt chẽ nên tôi không lo lắng lắm. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh ở Hàn bùng phát mạnh, để đảm bảo an toàn, tôi sẽ nghĩ đến chuyện tạm thời không cung cấp dịch vụ cho người nước này", ông chủ khách sạn cho biết.
Theo vnexpress