Bên cạnh sự hỗ trợ cần thiết từ chính phủ và cộng đồng, các cha mẹ cần chấp nhận việc nuôi dạy một đứa trẻ “không hoàn hảo” để giảm bớt áp lực gia đình - Ảnh: AFP
Tỷ lệ sinh tiếp tục giảm
Hôm 31/5, Trung Quốc thông báo rằng các cặp vợ chồng đã kết hôn được phép có tối đa ba con, nâng giới hạn chỉ sinh hai con hiện tại. Trước đây, việc áp dụng chính sách hai con vào năm 2016 đã không thể tạo ra sự bùng nổ trẻ em. Đáng chú ý, sự thay đổi chính sách dường như cũng khó tác động đến tỷ lệ sinh của Trung Quốc, trừ phi chính phủ đảm bảo an toàn kinh tế cho các bậc cha mẹ.
Có một sự đồng thuận chung của thế hệ trẻ Trung Quốc rằng, việc có con sẽ đặt ra gánh nặng tài chính và có ít hoặc không có con là cần thiết để duy trì chất lượng cuộc sống. Zhang Jie, nhân viên kinh doanh 31 tuổi ở Quảng Châu, người vừa chia tay bạn gái sau bốn năm, cho biết: “Thành thật mà nói, tôi không muốn có một mối quan hệ nào, tôi không muốn kết hôn, sinh con”.
Dữ liệu điều tra dân số 10 năm một lần được công bố vào tháng Năm cho thấy, các bà mẹ Trung Quốc đã sinh 12 triệu trẻ vào năm 2020, giảm từ mức 14,65 triệu vào năm 2019, đánh dấu mức thấp nhất trong gần sáu thập niên. Tỷ lệ sinh trung bình của Trung Quốc cũng giảm còn 1,3 trẻ em trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức thay thế 2,1 - tỷ lệ cần thiết cho một dân số ổn định.
Với tỷ lệ sinh là 1,37 vào năm 2020, Nhật Bản cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự. Theo khảo sát quốc tế mới từ Văn phòng Nội các về tỷ lệ sinh, tổng số 61,1% người dân Nhật tin rằng, nuôi dạy con cái ở “xứ sở mặt trời mọc” là một trách nhiệm khó, nhấn mạnh việc thiếu hỗ trợ cho việc chăm sóc trẻ em so với các quốc gia phát triển khác. Ngược lại, đa số người được hỏi ở Thụy Điển, Pháp và Đức cho biết, việc nuôi dạy con cái ở những nước này rất dễ dàng. Khi được hỏi lý do nào sẽ khiến họ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc nuôi con, câu trả lời phổ biến của người Nhật là “sự an toàn” trong cộng đồng.
Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong năm nay. Xếp hạng theo thành phố và tỉnh, Seoul có tỷ lệ sinh thấp nhất với 0,64 trẻ em trên mỗi phụ nữ. Tình hình được cho là vì gánh nặng tài chính. Bởi người trẻ tiếp tục phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt để có được công việc vững chắc, chẳng hạn như với các công ty lớn hoặc vị trí trong hệ thống chính phủ.
Giảm áp lực và kỳ vọng về nuôi dạy trẻ
Tại Singapore, nơi có tỷ lệ sinh năm 2020 đạt mức 1,1 trẻ trên mỗi bà mẹ, nhiều phụ nữ cho rằng sinh con là dấu chấm hết cho sự nghiệp của bản thân. Một số người nói rằng, các bà mẹ chọn không quay lại làm việc vì họ tìm thấy niềm vui khi làm mẹ. Nhưng nhiều phụ nữ cũng phản ánh, họ bị cấp trên phân biệt đối xử sau khi sinh và điều này sẽ bị ảnh hưởng xấu đến thu nhập và sự nghiệp.
Do đó, để tăng cường hỗ trợ chăm sóc trẻ em và bà mẹ, năm 2020, Thủ tướng Lý Hiển Long công bố kế hoạch tăng 40.000 chỗ học mầm non trong vòng 5 năm. Đây là bước đi khả quan giúp mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng và giá phải chăng, nhằm giúp người mẹ không phải bỏ việc hoặc tạo ra gánh nặng kinh tế cho gia đình. Kế hoạch nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng.
Chia sẻ suy nghĩ của mình về việc nuôi dạy con cái thời hiện đại, bà Ho Ching - phu nhân của Thủ tướng Lý Hiển Long - cũng khuyến khích các bậc cha mẹ nên nuôi dạy những đứa trẻ “không hoàn hảo“ và “hãy chấp nhận điều đó”. Thông điệp của bà rất rõ ràng: không có đứa trẻ nào hoàn hảo, và cũng không có cha mẹ nào hoàn hảo cả. Hay nói cách khác, áp lực nuôi dạy trẻ sẽ giảm bớt khá nhiều nếu cha mẹ không phải chạy theo một hình mẫu “chuẩn” từ xã hội.
Theo phunuonline