Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, phụ nữ giữ gìn tình thương yêu ấm áp trong mỗi gia đình. Phụ nữ là hậu phương vững chắc và giàu đức hy sinh. Họ là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm; là những nhà ngoại giao sắc bén, tinh tế trên bàn đàm phán hòa bình và cũng là những nhà lãnh đạo tài năng, đầy cảm thông.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (thứ 6 từ phải sang) cùng các đại biểu tại hội nghị
"Ở các điểm nóng xung đột ác liệt nhất trên thế giới, các nữ chiến sĩ của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, các nhà hoà giải xung đột, các vị lãnh đạo các cộng đồng và quốc gia là phụ nữ đang cống hiến không mệt mỏi để ươm mầm xanh cho hòa bình, phát triển và tạo dựng tương lai cho biết bao thế hệ con người", Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, từ cam kết đến kết quả vẫn còn một khoảng cách dài trước những khó khăn, thách thức đối với các mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự này. Tính mạng, nhân phẩm và các quyền cơ bản của phụ nữ vẫn bị đe dọa trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu ngày càng phức tạp và bất ổn; nhiều nơi xung đột, bạo lực, đặc biệt là bạo lực về giới vẫn tiếp diễn…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với đại biểu từ các điểm cầu trên thế giới
Những khó khăn, thách thức này, đặc biệt đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tạo điều kiện và đảm bảo cho phụ nữ tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa trong các tiến trình ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết xã hội - những yếu tố then chốt giúp xây dựng và củng cố một nền hoà bình bền vững, bao trùm.
Do đó, cần tăng cường và thống nhất nhận thức trong xã hội và ở mọi cấp độ về vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hoà bình và tái thiết hậu xung đột, góp phần xoá bỏ các rào cản và định kiến giới cũng như bảo vệ và đáp ứng tốt hơn quyền, lợi ích và nhu cầu thiết yếu của phụ nữ và trẻ em gái trong và sau xung đột.
Mặt khác, phụ nữ cần được đặt ở vị trí quan trọng trong các chính sách, chiến lược, sáng kiến ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế về an ninh và phát triển, bao gồm cả các nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Theo đó, phụ nữ không chỉ là đối tượng trực tiếp thụ hưởng thành quả của hòa bình và tiến bộ xã hội, mà còn được trang bị kiến thức và kỹ năng, trao quyền về kinh tế và chính trị, tạo điều kiện tiếp cận khoa học và công nghệ để tham gia đầy đủ và bình đẳng vào quá trình ra quyết định và xây dựng chính sách.
Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần duy trì quyết tâm chính trị và cụ thể hóa các cam kết thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
* Tại Liên hợp quốc, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng Nghị quyết số 1889 năm 2009 về phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn hậu xung đột. Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy vấn đề Phụ nữ, Hòa bình, An ninh trong nhiệm kỳ 2020-2021. * Tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, những nữ quân nhân Việt Nam là những chiến sĩ đang cống hiến cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình cao cả được Liên hợp quốc giao phó. * 17% lực lượng của Việt Nam được cử tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình là phụ nữ và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. * Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động quan trọng này. |
Ngự Bình