“Chẳng có phụ nữ nào xấu, chỉ có người chưa biết làm đẹp” là lời động viên quen thuộc mà các chị em thường dành cho nhau.

Có nhiều lý do để phụ nữ phải tìm cách chăm chút sắc đẹp của mình, trong số đó có cả để giữ gìn hạnh phúc, thuận lợi trong công việc, tránh bị đồng nghiệp cười chê, cấp trên chỉ trích.

Mới đây, một workshop có tên Đàn bà xấu là thất bại của thời đại đã diễn ra tại Hà Nội. Không ít người cảm thấy giật mình ngay từ nhan đề của sự kiện này.

Ngay cả Vũ Nguyệt Ánh - CEO của ứng dụng hẹn hò trả phí Rudicaf kiêm chủ tọa workshop - cũng thừa nhận cái tên sẽ “ít nhiều gây sốc” cho những người phụ nữ “dễ tự ái”.

“Đối tượng khán giả mà chúng tôi hướng đến tới là những phụ nữ đủ bản lĩnh để đối mặt với việc bản thân chưa đẹp hoặc chưa biết cách làm đẹp. Quan trọng hơn, họ phải thật sự có ý thức muốn hoàn thiện bản thân để trở nên đẹp hơn, tự tin hơn”, cô cho biết.

phu nu gong minh chay theo tieu chuan sac dep anh 1

Phụ nữ phải gánh vác thêm bổn phận làm đẹp để chiều lòng người xung quanh. Ảnh:Live Japan.

Cô thẳng thắn chia sẻ rằng chỉ những phụ nữ “không bị phức cảm tự ti đến mức ghét cái tựa đề” của cô mới được chào đón ở sự kiện.

“Nếu phụ nữ cứ giữ khư khư suy nghĩ ‘tôi quá ổn’ dù thực ra họ chưa ổn lắm, buổi trò chuyện mà tôi đứng ra tổ chức sẽ chẳng giúp thêm được gì”, cô nói.

Theo quan điểm trên, dường như phụ nữ hiện đại không bao giờ được phép xấu. Dưới sức ép ngày một nặng nề từ xã hội, các chị em đang “gồng mình” để làm đẹp nhiều hơn, như nối mi, xăm môi, hút mỡ...

Thực tế, dưới áp lực của cuộc sống hiện đại, nhiều người phụ nữ không chỉ gồng gánh áp lực công việc, nuôi dạy con cái, hoàn thành trách nhiệm xã hội, mà còn phải chịu cả sức nặng của những mối tóc nối trên đầu. Họ cũng cắn răng chịu đựng sự bó chặt từ chiếc nịt bụng nhằm sở hữu “vòng eo con kiến” mơ ước.

Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chấp nhận đớn đau, bước lên bàn phẫu thuật thẩm mỹ để “đập đi xây lại” cả gương mặt. Tất cả chỉ để được xã hội chấp nhận “cái đẹp”.

phu nu gong minh chay theo tieu chuan sac dep anh 2

Cơ thể của phụ nữ trở thành mục tiêu soi mói, châm chọc của mọi người. Ảnh:Getty Images.

Khốn đốn vì thân hình lệch chuẩn

Nhiều năm qua, Miên (sinh năm 1998, Hà Nội) chung sống cùng nỗi ám ảnh về ngoại hình và cân nặng. Cô bạn chia sẻ với Zing rằng thân hình hơi đậm của mình luôn nhận về những lời bình phẩm, chế giễu từ bạn bè và những người xung quanh.

“Hồi trung học, ‘Sao béo thế?’ là câu cửa miệng của rất nhiều người khi gặp mình. Họ xét nét, chê trách mình không chịu rèn luyện cơ thể, không biết làm đẹp nên trông ‘như thùng phuy’. Những câu nói như vậy, dù vô tình hay cố ý, đều khiến mình khủng hoảng”, cô bạn trải lòng.

Mang trong mình những tổn thương không thể xóa nhòa, Miên bắt đầu giảm cân bạt mạng. Để có được thân hình ao ước, cô bạn gắng sức tập luyện thể thao và thử mọi trào lưu ăn kiêng do bạn bè, mạng xã hội mách nước.

Thế nhưng, khi cân nặng chạm mốc 43 kg như ý nguyện, Miên nhận ra mình đã sai lầm. Niềm vui khi có một thân hình đạt chuẩn nhanh chóng bị thay thế bằng nỗi lo khi cơ thể phản kháng.

phu nu gong minh chay theo tieu chuan sac dep anh 3

Một thân hình mảnh mai những vẫn đảm bảo ngực nở, mông to trở thành tiêu chuẩn của nhiều chị em. Ảnh:Stocksy.

“Vì giảm cân quá nhanh, mình đã mất kinh nguyệt suốt 5 tháng ròng. Dù biết rằng tình trạng này không phù hợp với thể chất của bản thân, mình vẫn không thể kiềm chế ham muốn tiếp tục thu nhỏ số cân hiện tại”, Miên bộc bạch.

Chẳng biết từ bao giờ, một thân hình thanh mảnh nhưng 3 vòng đẫy đà trở thành thước đo khắt khe đối với người phụ nữ hiện đại. Mặc cho sự đa dạng hình thể, xã hội vẫn áp dụng những tiêu chuẩn này để đánh giá vẻ đẹp của chị em.

Kể từ khi chuyển tới chỗ làm mới, Tú (sinh năm 1996, Hà Nội) trở thành chủ đề trong các cuộc bàn tán của đồng nghiệp vì sở hữu thân hình lệch chuẩn. Cô hoàn toàn sốc khi ngoại hình lại là trở ngại của mình ở chốn công sở.

 
 

“Cơ thể mình có chút đẫy đà, nhưng không thể tưởng tượng điều đó lại ảnh hưởng tới công việc đến vậy. Cấp trên và đồng nghiệp không ngừng bàn tán về mình, buông những lời bông đùa kém duyên và buộc mình phải thay đổi hình thể, cách ăn mặc để hòa nhập”, Tú chia sẻ với Zing.

Mỗi ngày đi làm, cô đều cảm thấy lo lắng vì không biết trang phục của mình có đủ nữ tính, đủ vừa vặn, đủ để che bớt những “phần thừa” trên cơ thể hay chưa. Sự xấu hổ, tự ti trong Tú đạt đỉnh điểm khi may đo đồng phục ở công ty.

“Một người đồng nghiệp đã lén xem số đo của mình và đọc to cho cả phòng nghe thấy. Khi mình lên tiếng phản đối, chị ấy tiếp tục đùa dai: 'Em xem lại đi, béo thế này làm gì có eo. Mọi người đều mặc size S-M, chỉ mình em là L thôi đấy'”, cô kể lại.

“Mình từng yêu thương và biết ơn vì có một cơ thể đủ đầy, khỏe mạnh. Nhưng giờ, có lẽ một số đo chuẩn như người mẫu mới là thứ mọi người muốn”.

Phải đẹp để thăng tiến trong công việc

Nhiều năm “sinh tồn” chốn công sở giúp Ngọc (sinh năm 1994, Hà Nội) nhận ra tầm quan trọng của sắc đẹp trong sự nghiệp.

“Hầu hết đồng nghiệp nữ của mình đều rất coi trọng việc chăm sóc sắc đẹp. Từ việc giữ gìn dáng vóc, trang điểm cẩn thận cho đến ăn mặc đồ hiệu. Chị em phải đẹp để ổn định và thăng tiến sự nghiệp”, cô chia sẻ.

Theo cô, bên cạnh năng lực chuyên môn, vẻ ngoài đóng vai trò là “tấm danh thiếp” để người phụ nữ hiện đại khẳng định ngoài xã hội. Việc “làm đẹp” trở thành một phần công việc đối với nữ giới.

“Khi đại dịch Covid-19 lan rộng, mình phải đeo khẩu trang ở chỗ làm nên không trang điểm. Ai ngờ đồng nghiệp của mình lại nhận ra và nói: ‘Đừng nghĩ che mặt thì không ai biết em không đánh son nhé!’. Đó có thể chỉ là lời bông đùa, nhưng lại khiến mình giật mình khi nghĩ rằng người ta thực sự để tâm tới gương mặt của nhau tới vậy”, cô trải lòng.

Cũng vì áp lực đó, nhiều cô gái phải chịu đựng sức nặng của lông mi giả, sự đau đớn của mối tóc nối, khó thở do các loại gen bụng, áo nâng ngực.

"Mình biết nhiều cô gái không dám lắc đầu mạnh vì sợ văng tóc nối, rửa mặt không dám mạnh tay vì rụng mi giả, ngay cả việc thở cũng khó vì mặc quần gen bụng, lưng luôn đau đớn vì phải mặc quần độn mông cả ngày. Văn phòng mình hay đùa nhau muốn đẹp, chị em phải đủ 4 bước 'sửa, độn, dán, nối'", Huyền Thương (25 tuổi, nhân viên văn phòng, kể).

Không phẫu thuật thì xấu tướng, kém xinh

Bên cạnh đó, không ít cô gái kém may mắn hơn người khác chỉ vì ngoại hình của mình. Do không thể chịu được thêm sự bất công và những lời chỉ trích từ bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là người thân, họ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ, đành chấp nhận đớn đau để đổi lại cuộc sống yên bình.

Đầu năm 2017, câu chuyện “cô gái mắt lươn trường Y” Lương Thị Hà (sinh năm 1995, Nghệ An) thu hút sự chú ý của nhiều người với câu chuyện bị gia đình người yêu chê bai nhan sắc, không đồng ý cho tiếp tục tìm hiểu.

“Nhìn mắt cháu, bác biết cháu là người không đáng tin tưởng, không hiểu sao con bác lại thích cháu được? Có phải cháu đang bỏ bùa mê cho con bác không?”, bố của người yêu đến gặp mặt Hà và nói.

Sau tổn thương ban đầu, Hà tiếp tục mở lòng để quen một chàng trai khác. Thế nhưng, khi quyết định mạnh dạn tỏ tình thì cô bị từ chối thẳng thừng. “Em tỉnh lại đi, bản thân chẳng xinh đẹp, mắt lươn, mũi tẹt, mặt đầy nốt ruồi”, chàng trai này đáp lại.

Ngoài chuyện tình cảm hai lần đều không may mắn, Hà còn bị nhà tuyển dụng từ chối với lý do “bác sĩ mà có đôi mắt lươn, bệnh nhân sẽ không tin tưởng”, chứ không phải vì năng lực của cô.

Nhận thấy chỉ vì ngoại hình bản thân mà bị đối xử khác biệt, Hà đành phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc. Sau 3 năm, chia sẻ với Zing, cô gái Nghệ An cho biết cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn và tìm được tình yêu của đời mình.

phu nu gong minh chay theo tieu chuan sac dep anh 5

Nhiều người chấp nhận dao kéo đau đớn để đổi lại cuộc sống yên bình, bớt bị chỉ trích. Ảnh:Getty Images.

Không ai phủ nhận rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm nhiều phần khi được gia đình, đồng nghiệp và xã hội chấp nhận ngoại hình mới hậu chỉnh sửa, thay đổi.

Thế nhưng, trong cả quá trình, họ đều cảm thấy mệt mỏi khi phải thuận theo ý người khác để có thể "sinh tồn". Thậm chí, nhiều người thừa nhận công cuộc làm đẹp của họ là không mong muốn và đầy đau đớn.

Từ năm 20 tuổi, không ít lần Nhật (sinh năm 1998, Hà Nội) liên tục bị mẹ chê xấu, gây áp lực để đi phẫu thuật thẩm mỹ. Bà cho rằng con gái cần phải cắt mí và nâng mũi để gương mặt thanh thoát hơn, sau này dễ xin việc làm.

Không ít lần cô gái trẻ phản đối yêu cầu và quan điểm của mẹ. Theo Nhật, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá năng lực cá nhân của ứng viên chứ không dựa vào vẻ bề ngoài. Thế nhưng, cuối cùng cô cũng phải xuôi theo ý mẹ để giữ mối quan hệ mẹ - con hòa thuận.

Nói với Zing, Nhật cho biết quá trình phẫu thuật thẩm mỹ không mong muốn ấy vô cùng đau đớn do phải vừa cắt mí và nâng mũi cùng một lúc. May mắn, cô gái không gặp biến chứng hậu chỉnh sửa.

Theo Zing