Phụ nữ Thái Lan biểu tình phản đối nạn phân biệt giới tính
Cập nhật lúc 17:13, Thứ năm, 05/11/2020 (GMT+7)
Đông đảo phụ nữ yêu cầu cải cách chế độ phụ hệ, trừng phạt nghiêm khắc các vụ bạo lực gia đình hoặc tấn công tình dục.
Phụ nữ Thái Lan biểu tình phản đối nạn phân biệt giới tính
Trước một đám đông hơn 2.000 người đang tổ chức biểu tình ở tỉnh phía bắc Chiang Mai, cô gái 18 tuổi Napawn Somsak, trong bộ đồng phục học sinh, tóc thắt bím, đã dõng dạc tố cáo nạn phân biệt giới tính trong xã hội Thái Lan. Đồng thời, cô yêu cầu được biết lý do tại sao phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới và không được xuất gia trở thành nhà sư.
Không riêng Napawn Somsak, đông đảo phụ nữ trẻ Thái Lan kêu gọi những sự thay đổi trong các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng, yêu cầu sự ra đi của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và cải cách chế độ quân chủ quyền lực.
“Nếu chúng ta tin rằng mọi người đều có quyền bình đẳng và cần phải cải cách chế độ phụ hệ trong xã hội Thái Lan, thì không ai kể cả chế độ quân chủ được miễn trừ” - Napawn Somsak nói.
Trước đó, công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi được yêu cầu từ bỏ tước vị Công chúa Hoàng gia của mình sau khi kết hôn với một sinh viên người Mỹ trong lúc du học ở Hoa Kỳ, dấy lên những sự phản đối trong dư luận Thái Lan.
Hiện, Cung điện Hoàng gia cùng Bộ Phụ nữ và phát triển gia đình từ chối bình luận về các cuộc biểu tình, từ các vụ việc tham nhũng trong quân đội đến quyền phụ nữ.
Trong số những người biểu tình, học sinh chiếm một phần không nhỏ, họ phàn nàn về hệ thống quản lý trường học quá bảo thủ và truyền thống liên quan đến các quy định nghiêm ngặt về đồng phục, kiểu tóc và hành vi.
Titipol Phakdeewanich, Trưởng khoa khoa học chính trị của Đại học Ubon Ratchathani, cho biết phụ nữ phải đối mặt với sự phân biệt nhiều hơn nam giới trong trường học.
Nhóm Phụ nữ tự do và dân chủ được thành lập vào tháng 8, đang phát triển một hệ thống trực tuyến để báo cáo các vụ quấy rối tình dục, cho đến nay hơn 40 trường hợp đã được ghi nhận.
Bên cạnh mong muốn giảm quyền hạn của nhà vua theo hiến pháp cũng như quyền kiểm soát cá nhân đối với tài sản của hoàng gia và của một số đơn vị quân đội, các nhóm sinh viên Thái Lan tham gia biểu tình còn yêu cầu trừng phạt nghiêm ngặt các vụ bạo lực gia đình hoặc tấn công tình dục.
“Chế độ quân chủ là một hình mẫu quan trọng đối với đất nước và nếu họ bị trừng phạt khi vi phạm bạo lực gia đình hoặc tấn công tình dục, thì không có gì ngạc nhiên khi người chồng hoặc người cha bị trừng phạt khi sử dụng bạo lực với các thành viên trong gia đình. Trong một xã hội mà mọi tầng lớp nhân dân đều bị áp bức, phụ nữ lại càng bị áp bức nặng nề hơn. Họ không thể chịu đựng thêm được nữa” - Chumaporn Taengkliang, người đồng sáng lập nhóm phụ nữ tự do và dân chủ cho biết.
Theo phunuonline