Phụ nữ Venezuela trở thành mục tiêu bị lạm dụng trong bối cảnh đóng cửa biên giới vì COVID-19
Lạm dụng tình dục nghiêm trọng
Bắt đầu từ giữa tháng 3, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tăng theo cấp số nhân ở Mỹ Latinh buộc phần lớn các quốc gia trong khu vực phải đóng cửa biên giới để hạn chế sự lây lan của virus. Các biện pháp kiểm soát này đã vô tình khiến phụ nữ gặp nhiều rủi ro hơn.
Trong nhiều năm qua, Colombia đã tiếp nhận phần lớn người dân Venezuela tuyệt vọng, nhất là phụ nữ vượt biên sang các nước láng giềng để tìm kiếm thức ăn, thuốc men và nơi ở. Chính phủ Colombia đã cung cấp viện trợ y tế, trường học và một số cơ hội việc làm cho người dân Venezuela tha hương. Nhưng việc đóng cửa biên giới vì đại dịch đã chặn đứng con đường an toàn cho người di cư, khiến hàng loạt phụ nữ bị lạm dụng tình dục, bắt cóc, buôn bán…
Các tổ chức nhân đạo cho biết đã có sự gia tăng rõ rệt bạo lực dọc theo các khu vực biên giới. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) báo cáo số lượng người trong 3 trại tạm trú ở Cúcuta dành cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục, buôn người và làm mẹ đơn thân tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019 (từ tháng 4-8). Trong số 257 phụ nữ mà UNHCR hỗ trợ, cơ quan này cho biết gần một nửa từng trải qua bạo lực dọc theo biên giới Colombia-Venezuela.
Trước đó, năm 2019, Profamilia, một trong những tổ chức ở Colombia, cho biết đã giúp đỡ 573 phụ nữ Venezuela là nạn nhân của bạo lực tình dục tại các phòng khám của họ - tăng 92% so với năm 2018. Các vùng biên giới La Guajira và Norte de Santander có số lượng các cuộc tấn công tình dục được báo cáo cao nhất.
Lucía Hernández, một luật sư của tổ chức quốc tế Women's Link Worldwide, cho biết nguyên nhân thúc đẩy người Venezuela vượt biên, xuất phát từ nỗi sợ hãi về bạo lực, căng thẳng tài chính và các dịch vụ cơ bản ít ỏi do nền kinh tế suy thoái.
Kể từ khi biên giới đóng cửa vào tháng 3, các vụ giết người ở các vùng biên giới của Venezuela đã tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, số người mất tích tăng vọt 83,3%, tăng mạnh nhất ở Táchira, vùng biên giới gần Cúcuta.
Javier Tarazona, giám đốc tổ chức FundaRedes, cho biết: "COVID-19 đã khiến bối cảnh các vùng biên giới trở nên ngột ngạt, bạo lực hơn. Các nhóm vũ trang bất hợp pháp đang kiểm soát lãnh thổ, đe dọa phụ nữ với mục tiêu tấn công tình dục hoặc cưỡng bức lao động".
Người dân Venezuela cố gắng vượt sông Tachira ở Cucuta, Colombia
Khó khăn chồng chất
Theo một báo cáo gần đây của UNODC, nhiều phụ nữ Venezuela đã bị dụ đến Colombia với những lời mời chào làm việc hấp dẫn, sau đó trở thành nạn nhân của nạn buôn bán tình dục. Tính đến tháng 5/2020, số lượng người nước ngoài bị bán vào Colombia đã cao hơn 20% so với cả năm 2019.
Ngoài việc đối mặt nhiều khó khăn trong quá trình di cư, phụ nữ Venezuela còn gặp không ít thách thức trong việc tìm kiếm công lý ở Colombia. Các tổ chức bảo vệ phụ nữ cho biết đa phần khi phụ nữ trình báo bị bạo lực tình dục ở khu vực biên giới, nhưng hiếm khi tội phạm bị điều tra và truy tố.
Điển hình Gabriela Ochoa, bà mẹ đơn thân 21 tuổi phải nuôi 3 con nhỏ, đã bị một nhóm đàn ông cưỡng bức trên đường vượt biên đến Colombia do không thể bám trụ nổi tại quê nhà Venezuela. Dẫu vậy, cô không dám báo cáo vụ việc với chính quyền Colombia một phần vì sợ trục xuất, phần còn lại vì biết rõ dù trình báo cũng không bắt được thủ phạm và được cảnh sát giải quyết.
Trại tị nạn ở Cucuta, Colombia
Theo Women's Link Worldwide, việc thiếu quan tâm đến nhu cầu của phụ nữ nhập cư ngày càng trở nên tồi tệ ở Colombia. Khi các nguồn lực chăm sóc sức khỏe quốc gia được cải tổ để đối phó với đại dịch, nhiều nhà tạm trú dành cho người di cư do địa phương quản lý đã tạm thời đóng cửa.
Phụ nữ nhập cư cho biết họ gặp hạn chế khi tiếp cận các dịch vụ y tế, ngay cả trường hợp khẩn cấp và quan trọng như chăm sóc bà mẹ hay tiếp cận các biện pháp tránh thai. Trong khi đó, các nhà tạm trú và dịch vụ phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài đã thu nhỏ đáng kể ngân sách hỗ trợ.
Đã có sự gia tăng bạo lực về thể chất và tâm lý xảy ra trong các gia đình, thậm chí nhiều khả năng phụ nữ đang phải sống với kẻ bạo hành họ hay bị chủ nhà quấy rối và đe dọa, những người lợi dụng việc họ không có khả năng trả tiền thuê nhà trong đại dịch.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình bấp bênh ở Colombia, nhiều phụ nữ di cư cho biết họ sẽ không trở về Venezuela bởi ít nhất ở đây họ còn có thức ăn và một nơi để ở.
Theo phunuonline