Quân đội Indonesia có thể bỏ thủ tục kiểm tra trinh tiết của tân binh nữ
Cập nhật lúc 23:29, Chủ nhật, 08/08/2021 (GMT+7)
Quân đội Indonesia vừa đưa ra một số quan điểm, cho thấy có khả năng sẽ bỏ thủ tục “kiểm tra trinh tiết” bắt buộc đối với các tân binh nữ - một động thái đang được các nhóm nhân quyền hoan nghênh.
Quân đội Indonesia đề nghị có thể chấm dứt thủ tục "kiểm tra trinh tiết" của các tân binh nữ gây tranh cãi
Trong nhiều thập niên qua, quân đội Indonesia đã yêu cầu các nữ tân binh, và trong một số trường hợp là vợ tương tai của các nam quân nhân ở nước này, phải trải qua một thủ tục kiểm tra tình trạng trinh tiết, mà Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) cho là có tính “thô bạo, phản khoa học và phân biệt đối xử”.
Trong thủ tục mang tính xâm phạm sự riêng tư này, các bác sĩ thuộc cả hai giới sẽ dùng hai ngón tay để kiểm tra vùng kín các nữ tân binh.
Việc kiểm tra trinh tiết là một thực tiễn đã bị nhiều nước lên án và chỉ trích. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thủ tục này cũng “không có giá trị khoa học nào” và là một hành vi “vi phạm nhân quyền”.
Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến được đăng tải trên YouTube vào tháng trước, ông Andika Perkasa - Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia - đã đưa ra một số quan điểm, ngụ ý rằng thủ tục này sẽ được chấm dứt, và thay vào đó, quân đội nước này sẽ tập trung vào việc đạo tạo nâng cao năng lực cho các nữ tân binh.
“Chúng ta cần phải nhất quán. Các quy trình, thủ tục tuyển tân binh, nhằm kiểm tra các năng lực cần thiết để đáp ứng các yêu cầu huấn luyện quân đội cơ bản, áp dụng do cả nam giới và nữ giới cần phải có sự tương đồng. Hiện nay, một số thủ tục có thể không còn cần thiết và thích hợp”, ông Perkasa nói.
Trong một tuyên bố, HRW tuy hoan nghênh động thái nói trên của Indonesia nhưng cũng lưu ý rằng nước này hiện vẫn còn duy trì thủ tục kiểm tra trinh tiết của phụ nữ trong quá trình tuyển dụng các công chức ở cấp quốc gia trong nhiều lĩnh vực, trong đó nữ cảnh sát cũng là một đối tượng.
Năm 2014, HRW đã từng mở một cuộc điều tra để vạch trần thủ tục nói trên trong lực lượng an ninh Indonesia. Vào thời điểm đó, tổ chức này đã dẫn lời một phụ nữ 24 tuổi, cho biết cô đã bị chấn thương nặng sau khi bị kiểm tra, và một nữ đồng nghiệp khác của cô thì đã ngất xỉu vì đau.
Andreas Harsono - một nhà nghiên cứu của HRW đang làm việc tại Jakarta, Indonesia - cho biết cho biết một số nam giới ở nước này vẫn còn quan niệm rằng những “phụ nữ dễ dãi” không phù hợp với các vị trí trong quân đội và cảnh sát.
“Nhìn chung, phụ nữ phản đối cách làm này nhiều hơn nam giới, mặc dù nhiều nạn nhân chọn cách im lặng. Tổ chức Theo dõi nhân quyền và một số nhóm bảo vệ quyền phụ nữ khác ở Indonesia sẽ tiếp tục gây sức ép buộc các lực lượng hải quân và không quân chấm dứt thủ tục này”, Harsono chia sẻ.
Theo phunuonline