Wu Huayan, nữ sinh gây thương cảm vì nhịn ăn chữa bệnh cho em ở tỉnh Quý Châu, qua đời hôm 13/1 dù đã được các nhà hảo tâm ủng hộ tới hơn một triệu nhân dân tệ để chữa trị. 

Cái chết của cô gái 24 tuổi khiến nhiều người đau xót, nhưng họ cũng rất phẫn nộ khi biết được rằng chỉ 20.000 tệ (2.900 USD) trong số tiền quyên góp đã được chi để trả viện phí cho Wu. Phần lớn số tiền quyên góp đã không đến được tay cô trước khi chết, theo hồ sơ chính thức.

Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền lại để một cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn như thế phải chết và lỗi này thuộc về ai. 

Wu Huayan điều trị trong bệnh viện ở thành phố Đồng Nhân, tỉnhQuý Châu hồi năm ngoái. Ảnh: SCMP/Weibo

Wu Huayan điều trị trong bệnh viện ở thành phố Đồng Nhân, tỉnhQuý Châu hồi năm ngoái. Ảnh:SCMP/Weibo

Sinh ra ở thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc, Wu mất mẹ từ năm 4 tuổi. Cô và em trai ban đầu sống cùng bà, sau đó được chú và dì hỗ trợ 300 tệ (42 USD) mỗi tháng. Tuy nhiên, hầu hết số tiền ít ỏi đó đều đổ vào việc chữa bệnh cho người em trai bị tâm thần của Wu. Mỗi ngày, cô chỉ sống với 2 tệ (0,3 USD), chủ yếu ăn cơm với ớt trong thời gian dài, dẫn tới suy dinh dưỡng nặng.

Tháng 10 năm ngoái, Wu nhập viện vì khó thở. Các bác sĩ cho hay nữ sinh đại học năm ba này bị mắc các vấn đề về tim và thận do ăn uống quá thiếu thốn 5 năm qua. Wu thậm chí bị rụng lông mày và phân nửa tóc trên đầu.

Những bức ảnh chụp cô gái gầy gò, cao 1m35, nặng chỉ hơn 20 kg lan truyền trên mạng đã dẫn tới một chiến dịch giải cứu Wu. Những khoản tiền quyên góp cho Wu đã đổ về Quỹ Từ thiện 9958, một dự án thuộc Quỹ Viện trợ Từ thiện cho Trẻ em Trung Quốc (CCAFC), theo hai nền tảng quyên góp trực tuyến khác nhau với mục đích là thanh toán chi phí cho ca phẫu thuật tim của Wu.

Tuy nhiên, theo các báo cáo, cô không đủ cân nặng để thực hiện ca phẫu thuật. Truyền thông Trung Quốc cho biết Wu chỉ nặng khoảng 30 kg khi qua đời 

Vài ngày sau khi Wu chết, The Cover, một tờ báo nhà nước Trung Quốc, cáo buộc 9958 đã tiến hành một "vụ lừa đảo gây chết người". Zheng Hehong, một nhà hoạt động nổi bật và là cựu thành viên của quỹ từ thiện này, cáo buộc 9958 chủ động tìm những người khó khăn hoặc bệnh tật để kêu gọi cộng đồng quyên góp, sau đó giữ các khoản tiền từ thiện càng lâu càng tốt.

"Họ đã chờ cho đến khi bệnh nhân chết để có lấy lãi từ số tiền quyên góp", Zheng nói với Ifeng. "Theo luật, khoản thu nhập này có thể được trao như một khoản tiền thưởng cho nhân viên thay vì viện trợ từ thiện".

Tuy nhiên, 9958 bác bỏ cáo buộc, cho hay đã giữ lại số tiền theo yêu cầu của gia đình Wu. Quỹ cho biết số tiền quyên góp đã không giải ngân được vì Wu không đủ điều kiện phẫu thuật và quỹ đã lên kế hoạch giải ngân số tiền sau đó.

9958 cũng cho biết đã dừng quyên góp cho Wu vì chính quyền địa phương nói rằng họ sẽ lo liệu cho cô và gia đình. Trong khi đó, giới chức Đồng Nhân bác bỏ thông tin này, nói rằng họ không liên lạc gì với 9958. Một người quen nói rằng Wu cũng không biết gì về khoảng 400.000 tệ trong số tiền quyên góp.

Truyền thông Trung Quốc thừa nhận rằng ngành công nghiệp từ thiện của nước này "hỗn loạn và lộn xộn". Tờ China Daily cho hay có "quá nhiều cơ quan và trách nhiệm pháp lý chồng chéo", khiến tình trạng gian lận từ thiện tràn lan trên mạng, đồng thời kêu gọi chính quyền quản lý chặt chẽ hơn.

Cha của Wang Fuman, cậu bé từng nổi tiếng trên truyền thông quốc tế vì đi bộ đến trường với mái tóc đóng băng, cho hay gia đình chỉ nhận được một phần nhỏ tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm. Số tiền còn lại bị các quỹ từ thiện trao cho những trẻ em khó khăn khác khi gia đình Wang bị cáo buộc là "tham lam".

Việc lan truyền nhiều trường hợp tương tự như Wu cũng khiến các quỹ từ thiện lo lắng, sợ bị chỉ trích vì không hỗ trợ đầy đủ. Nhiều gia đình được cho là lợi dụng con cái để gây chú ý và thu hút các khoản quyên góp. 

Trung Quốc cam kết xóa bỏ đói nghèo vào năm 2020, tuy nhiên Cục Thống kê Quốc gia cho biết năm 2017, có 30,46 triệu người ở nông thôn vẫn sống dưới mức đói nghèo với 1,9 USD một ngày. Hồi đầu tháng, tỉnh Giang Tô gây tranh cãi khi tuyên bố chỉ có 17 người trong số hơn 80 triệu dân ở đây đang sống dưới mức đói nghèo.

Theo vnexpress