Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: "Cuốn sách "Bình đẳng giới tại nơi làm việc" thuộc mảng sách Nghiên cứu của Tủ sách Phụ nữ tùng thư giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn đối với các lập luận về sự cần thiết phải thực hiện bình đẳng giới trong doanh nghiệp, sự chuyển dịch các lập luận này từ quốc tế vào môi trường văn hóa Việt Nam.
Dù mới chỉ là nghiên cứu thăm dò trên cơ sở khảo cứu 30 doanh nghiệp cả quốc tế và Việt Nam nhưng nhóm nghiên cứu đã trình bày được rất nhiều kết quả thực sự rất lý thú và hữu dụng, rất đáng quan tâm khi chúng ta xác định phải tăng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế."
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam, cho biết: "Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia. Có bằng chứng cho thấy khi các doanh nghiệp thúc đẩy và đạt được bình đẳng giới tại nơi làm việc sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, danh tiếng, khả năng thu hút và giữ chân nhân tài của tổ chức. Nó cũng thúc đẩy năng suất quốc gia và tăng trưởng kinh tế".
Cuốn sách "Bình đẳng giới tại nơi làm việc: Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới" dựa trên nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về bình đẳng giới ở nơi làm việc. Nó cung cấp cho bạn đọc các khung phân tích về giới để từ đó nhận ra và thấu hiểu các vấn đề bất bình đẳng đang tồn tại trong tổ chức.
Dựa vào kinh nghiệm quốc tế và các bài học thực tế ở Việt Nam, các giải pháp toàn diện về nhận thức, nguồn lực, chính sách và văn hóa thúc đẩy bình đẳng giới cũng được giới thiệu.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn giới thiệu về lịch sử các làn sóng nữ quyền trên thế giới và các nét chính trong kiến tạo giới ở Việt Nam nhằm giúp bạn đọc có một cơ sở lý thuyết, lịch sử cơ bản về giới. Đây là một nguồn tham khảo hữu ích cho các công ty, tổ chức và cá nhân quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam, bày tỏ: "Tôi hy vọng các doanh nghiệp, các nhà làm chính sách, các nhà hoạt động vì bình đẳng giới, các cơ sở đào tạo chuyên ngành Giới,... ở Việt Nam sẽ quan tâm, sử dụng các kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị để điều chỉnh các chính sách, các hoạt động thực hành bình đẳng giới... đạt hiệu quả cao nhất".
H.Y