Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được giáo sư Nguyễn Đổng Chi biên soạn và công bố lần đầu với 5 tập, lần lượt được in trong thời gian 25 năm (từ 1957-1982). Trọn bộ tác phẩm (gồm 201 truyện chính, kèm phần nghiên cứu và khảo dị, có bổ sung minh họa) được ra mắt lần này là lần in thứ 10 của bộ truyện này.

Bộ truyện được sắp xếp theo các chủ đề: Nguồn gốc sự vật, Sự tích đất nước Việt, Sự tích các câu ví, Thông minh tài trí và sức khỏe, Sự tích anh hùng nông dân, Truyện phân xử; Truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép, Truyện đền ơn trả oán, Tình bạn, tình yêu và nghĩa vụ, Truyện vui tươi dí dỏm. Tất cả đều là những truyện tiêu biểu, đặc sắc trong kho tàng cổ tích Việt Nam, được thể hiện qua cách kể sinh động, dân dã và mang phong cách cổ của giáo sư Nguyễn Đổng Chi.

Bộ truyện được ra mắt với diện mạo mới, do Đông A Books và nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành
Bộ truyện được ra mắt với diện mạo mới, do Đông A Books và nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành

 

“Ở những trang mở đầu và kết luận bộ truyện, tác giả đã lưu ý đến những đặc trưng của cổ tích: tính chất cổ của sự việc, của hình tượng, bản sắc dân tộc của câu chuyện và trình độ tư tưởng, nghệ thuật cao trong đối sánh với các loại hình tự sự dân gian khác. Cách kể của anh mộc mạc, có vẻ biến hóa và điều đáng quý hơn cả: rất đáng tin” - Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh nhận định.

Sau mỗi truyện đều có các dị bản. Nhờ đó, bạn đọc có thể so sánh, đối chiếu với truyện chính, đồng thời có góc nhìn tổng quan về hệ thống truyện cổ dân gian phong phú. Đây cũng là điều góp phần tạo nên giá trị đặc biệt của bộ sách.
Bộ truyện gồm 5 tập, với 2040 trang, nội dung được chỉnh lý kỹ lưỡng
Bộ truyện gồm 5 tập, với 2040 trang, nội dung được chỉnh lý kỹ lưỡng trong phiên bản mới

 

Ngoài ra, bộ sách còn có phần nghiên cứu, đánh giá giúp bạn đọc hiểu hơn về nguồn gốc, lịch sử, giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật trong truyện cổ nói chung và cổ tích nói riêng. Đặc biệt, bản in lần này được bổ sung minh họa của hai họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn và Phạm Ngọc Tân, với bộ tranh sinh động, đậm chất dân gian.

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được đánh giá là “công trình nghiên cứu folklore đã trở thành cổ điển” của giáo sư Nguyễn Đổng Chi. 

Theo phụ nữ TPHCM