Ronaikel Brito, 16 tuổi, đi bộ về nhà với một bao chứa những món đồ tìm được từ bãi rác Pavia. Ảnh: AP
Nhặt rác kiếm sống là công việc đối với nhiều thế hệ người ở Venezuela, trong số đó có Ronaikel Brito, 16 tuổi. Giống như mẹ và bà mình khi cậu còn nhỏ, Ronaikel thường tìm kiếm thứ gì đó có giá trị trong bãi rác trên một đồng bằng khô cằn cách thủ đô Caracas khoảng 5 giờ về phía tây vào mỗi ngày. Nhưng công việc của này chưa bao giờ trở thành một thách thức như hiện tại. Cuộc khủng hoảng kinh tế quốc gia cùng với những tác động từ đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến số lượng rác, khiến thu nhập của những người sống nhờ vào các bãi rác ở Venezuela cũng trở nên khó khăn hơn.
"Thực tế là hiện tại cháu không còn thu gom được nhiều thứ như trước nữa", Ronaikel nói khi đang tìm kiếm ở bãi rác ở Pavia, ngoại ô thành phố Barquisimeto, Venezuela.
Xe chở rác chạy qua một bãi rác Pavia ở Barquisimeto, Venezuela. Ảnh: AP
Marbelis Brito bế con gái 7 tháng Antonela tại bãi rác Pavia, nơi gia đình cô tìm kiếm những món đồ có giá trị để bán lại ở ngoại ô Barquisimeto, Venezuela. Ảnh: AP
Marbelis Brito cùng các thành viên thuộc 3 thế hệ của gia đình, những người sống bằng việc tìm kiếm các vật phẩm còn sử dụng được trong những bãi rác để bán lại ở Barquisimeto, Venezuela. Ảnh AP
"Cháu tìm kiếm để xem có gì sử dụng được không, nhưng hầu như không có gì", cậu bé nói. Ngoài ra Ronaikel còn lưu ý rằng trong những tháng gần đây, trẻ em và người lớn ngày càng dành nhiều thời gian quanh những bãi rác hơn để cố gắng tìm những đồ vật có thể bán hoặc thực phẩm còn lại mà người có thể ăn, hay để cho ngựa, dê hoặc lợn ăn.
Theo đó, trong thời kỳ đại dịch, lượng rác thải đã giảm đáng kể, đặc biệt là thực phẩm từ gia đình, nhà hàng và chợ đầu mối. Đối với nhiều người, đó là những thứ bỏ đi nhưng với những gia đình sống nhờ vào việc nhặt rác ở Barquisimeto thì đó là thứ mà họ luôn thèm muốn. Nơi đây từng là một thành phố công nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh, với lượng lớn rác thải thực phẩm.
Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, hàng năm, khoảng 14% thực phẩm trên thế giới bị cho vào thùng rác, ngay cả khi chưa kịp đưa ra thị trường. Ở Venezuela, ngoài một lượng lớn thực phẩm, còn có hàng tấn hộp nhôm và quần áo đã bị vứt bỏ. Đồ đạc, bếp và tủ lạnh bị hư thường cũng được cho ra bãi rác, vì tiền mua sản phẩm mới rẻ hơn so với chi phí sửa chữa.
Một đứa trẻ thổi vào quả bóng cũ được tìm thấy trong bãi rác Pavia ở Barquisimeto, Venezuela. Ảnh: AP
Giờ đây, chi phí sống và sinh hoạt cao do ảnh hưởng từ Covid-19 khiến mọi người phải suy xét kỹ trước khi vứt bỏ nhiều đồ dùng.
Venezuela đang trong năm thứ 6 rơi vào suy thoái và người dân ở đây đang phải đối mặt với giá lương thực tăng vọt, lạm phát 4 số trong khi tiền lương thấp. Điều này khiến hàng triệu người dân phải sống trong cảnh nghèo đói.
Vào những năm gần đây, cuộc khủng hoảng đã buộc gần 5 triệu người rời Venezuela để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn. Nhưng đối với nhiều người ở lại, việc người lớn và trẻ em phải lục lọi quanh các bãi rác để tìm kiếm thức ăn thừa hoặc các vật có giá trị đã trở thành một hoạt động ngày càng phổ biến.
Một cậu bé kéo chiếc ô tô đồ chơi qua bãi rác Pavia, nơi cậu tìm kiếm những món đồ có giá trị để bán lại ở ngoại ô Barquisimeto, Venezuela. Ảnh: AP
Henkel García, Giám đốc công ty tư vấn Econometric, cho biết mặc dù nền kinh tế bị thu hẹp và những khó khăn liên quan đến việc rời khỏi đất nước do đại dịch, có nhiều người ở trong những tình cảnh khác cũng muốn rời đi.
García cho biết, những người nhặt rác sẽ cố gắng tìm nhiều nhất có thể những thứ sử dụng được vì ngày càng có nhiều người đang làm cộng việc này. Ông nói thêm rằng trong khoảng 8 năm nữa, sản lượng tiêu thụ của Venezuela có thể chỉ bằng khoảng 1/4 so với giai đoạn năm 2013 và 2014
Ngoài ra, ông cũng lưu ý thêm rằng rất có thể người Venezuela "đang đạt đến giá trị thấp nhất".
Marbelis Brito, một phụ nữ sống gần bãi rác Pavia và cũng là mẹ của Ronaikel và 7 đứa trẻ khác, cho biết "với tình trạng hiện tại của đất nước, mọi người không còn vứt bỏ nhiều thứ như trước đây nữa". Ronaikel bắt đầu giúp mẹ tìm kiếm những đồ dùng còn sử dụng được trong những bãi rác từ khi cậu mới 5 tuổi.
"So với những nơi khác, có thể lấy bất cứ thứ gì ở đây kể cả những thứ chúng tôi ăn. Bất cứ thứ gì được tìm thấy ở đây đều mang lại lợi nhuận", cô Brito, 35 tuổi, cho biết.
Cổng nhà của Ronaikel, hướng ra gần bãi rác Pavia, nơi gia đình cậu tìm kiếm những thứ để bán ở ngoại ô Barquisimeto, Venezuela. Ảnh: AP
Những đôi dép không lành lặn của trẻ em nghèo Venezuela. Ảnh: AP
Ở Pavia, chỉ có một số ít tuân theo các hướng dẫn về phòng chống đại dịch. Mọi người hiếm khi đeo khẩu trang và hầu như không ai nhận thức được tầm quan trọng của việc giãn cách xã hội. Hầu hết người dân chỉ rửa tay, nhưng cũng ở mức hạn chế vì nước cũng khan hiếm ở đây. Chính phủ đã ghi nhận khoảng 150.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 1.300 trường hợp tử vong do Covid-19.
Không quan tâm đến việc nhiễm Covid-19, Ronaikel băng qua những con đường đầy bụi để đến bãi rác ngay khi mặt trời ló dạng. Cậu mang theo một thanh kim loại có đầu nhọn, một chiếc bao tải để chứa bất cứ thứ gì cậu tìm thấy ở bãi rác. Ronaikel đôi khi cũng ôm hy vọng về một điều mắn khác, như 3 tuần trước cậu tìm thấy vàng trong bãi rác và bán với giá 20 USD.
Dù cuộc sống khó khăn và vất vả, tuy nhiên Brito luôn muốn các con của mình làm các công việc khác thay vì quanh quẩn bên những bãi rác hôi thối. Người mẹ này chia sẻ: "Tôi không muốn con mình phải làm công việc giống như tôi lúc nhỏ. Nhưng với bọn trẻ, công việc ở bãi rác như một hoạt động tự nhiên để giúp đỡ gia đình".
Ronaikel Brito, 16 tuổi, mang một bao tải trên lưng. Cậu đi sau chị gái Brismar, 17 tuổi, cả hai đang trên đường về nhà từ bãi rác Pavia. Ảnh: AP
Kim Ngọc (dịch)
Nguồn:AP