Chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn, khiến nguồn cung dồi dào không thể đến tay người tiêu dùng - Ảnh: Reuters
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, khắp các chợ, siêu thị ở Việt Nam đã kêu gọi giải cứu thanh long, sầu riêng, dưa hấu… Sau khi Ấn Độ phát lệnh phong tỏa 21 ngày, nông dân phải đổ dâu, rau cho bò ăn, hàng xe nho bị vứt làm phân xanh. Tại Mỹ, nhà hàng, trường học đóng cửa khiến các trang trại phải đổ bỏ hàng vạn lít sữa bò mỗi ngày… Đó là những hình ảnh ghi nhận được về chuỗi cung ứng thực phẩm bị đảo lộn vì dịch Covid-19.
Nguồn lao động di cư bị chặn
Trên toàn cầu, hàng triệu lao động nông nghiệp không thể ra đồng để thu hoạch và trồng trọt. Reuters dẫn lời ông Abdolreza Abbassian, kinh tế gia cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), rằng sự gián đoạn gieo trồng và thu hoạch gây ảnh hưởng căng thẳng nhất ở các nước nghèo hơn với dân số đông.
Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới với phần lớn dân số làm nông, nằm trong số quốc gia dễ tổn thương nhất khi chuỗi cung ứng thực phẩm bị đảo lộn. Vựa lương thực ở miền Bắc nước này phụ thuộc vào lao động từ những vùng phía đông Ấn Độ, nhưng nhân công đã rời khỏi các nông trại vì lệnh phong tỏa.
“Ai sẽ vô bao lúa gạo, đưa nông sản ra chợ và chở tới nhà máy chà?”, ông Jadish Lal, một thương nhân ở Khanna, chợ gạo lớn nhất Ấn Độ, đặt ra câu hỏi không có lời đáp.
Tây Ban Nha thì thiếu nguồn lao động di cư từ các nước như Morocco do họ bị hạn chế đi lại. “Trong khoảng 15 ngày nữa, sẽ đến cao điểm mùa việt quất kéo dài tới giữa tháng 5. Lúc ấy chúng tôi sẽ cần tập trung lao động”, Francisco Sanchez, một quản lý thuộc hiệp hội trồng trọt Onubafruit, cho biết.
Sản xuất đình trệ trên cánh đồng vì thiếu nguồn lao động di cư - Ảnh: Reuters
Tại Ý, sẽ cần khoảng 200.000 nhân công mùa vụ trong vòng 2 tháng tới. Chính phủ có thể sẽ yêu cầu những ai đang nhận trợ cấp nhà nước đi hái rau quả, theo ông Ivano Vacondio, người đứng đầu Hiệp hội Thực phẩm của Ý - Federalimentare.
Ở Pháp, Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume đã phát đi lời kêu gọi hiệu triệu “đội quân” những lao động vừa bị mất việc để thay thế cho lực lượng lao động di cư thường làm việc tại các nông trại.
“Nếu lời kêu gọi không được hưởng ứng, việc sản xuất sẽ đình trệ trên các cánh đồng và toàn ngành sẽ thiệt hại”, Christiane Lambert, người đứng đầu nghiệp đoàn nông trại lớn nhất của Pháp FNSEA, nhấn mạnh.
Đường vận chuyển bị ách tắc
Brazil - nhà xuất khẩu đậu nành, cà phê và đường hàng đầu thế giới đang gặp hàng loạt vấn đề. Một trong số đó là thử thách của việc thuê tài xế xe tải để vận chuyển mùa màng và thiếu phụ tùng cho thiết bị nông trại.
Tại Argentina, đứng đầu về xuất khẩu bã đậu nành, hàng xuất khẩu bị chậm trễ do chính phủ tăng cường kiểm tra hàng nhập.
Việc cắt giảm mạnh lưu thông hàng không cũng làm sụt giảm đáng kể năng suất vận chuyển hàng nông sản tươi sống đến những miền xa.
Andres Ocampo, CEO của HLB Specialties LLC, một nhà nhập khẩu trái cây ở Florida, Mỹ, phụ thuộc vào các chuyến bay thương mại để vận chuyển đu đủ và các nông sản khác từ Brazil. Nay thì hàng nhập từ Brazil đã giảm 80% và ông phải tăng cường mua từ Mexico và Guatemala là những nơi vẫn có thể vận chuyển hàng bằng xe tải.
“Tình hình ở châu Âu thậm chí tồi tệ hơn vì họ không có nguồn cung đu đủ kiểu như Mexico”, ông nói.
Các nhà xuất khẩu Mỹ và Canada hiện đang nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu container đông lạnh để cung ứng hàng vì các chuyến tàu chở container từ Trung Quốc đến Bờ Tây đã giảm 1/4 do nhu cầu giảm sau lệnh phong tỏa.
“Lúc này rất khó để có container. Nếu một công ty cần khoảng 5 container thì họ chỉ có được 1 cái”, Michael Dykes, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Bơ sữa Quốc tế, chia sẻ.
Việc ách tắc ở cảng cũng làm chậm những chuyến hàng xuất khẩu thịt heo, thịt bò đến các nước như Trung Quốc. Điều này càng làm cho tình hình thiếu nguồn cung đạm thêm trầm trọng ở nước này, nơi mà dịch tả heo châu Phi đã làm mất đi 1/4 nguồn cung thịt heo trên thị trường thế giới trong 1,5 năm qua.
Cuộc khủng hoảng khác thường chưa từng có
Những vấn đề về cung ứng ở một nơi sẽ được cảm nhận ngay lập tức tại một nơi khác trên thế giới. Tại Canada, lượng hàng nhập các loại rau củ đặc sản Ấn Độ như hành tây, đậu bắp, cà tím đã giảm 80% trong vài tuần qua do hạn chế vận chuyển hàng không. Trong khi đó, nông dân Ấn Độ phải kêu gọi hàng xóm lấy rau ăn miễn phí hoặc đổ rau cho bò ăn và làm phân xanh!
Nông dân Ấn Độ đổ rau cho bò ăn vì không bán được - Ảnh: Reuters
Đối với nguồn cung lương thực như gạo và lúa mì, việc gián đoạn cho đến lúc này vẫn còn ở mức hạn chế. Tuy nhiên, các vấn đề về gieo trồng và hậu cần ngày càng leo thang.
Một số nước nhập khẩu lớn như Iraq và Ai Cập đã gia tăng mua gạo do lo ngại về an ninh lương thực. Tuy nhiên, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã ngừng xuất khẩu gạo do thiếu lao động và những vướng mắc về hậu cần, vận chuyển. Việt Nam - xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
Các nước châu Phi, nơi tiêu tốn hơn phân nửa thu nhập cho thực phẩm, nằm trong nhóm dễ tổn thương nhất khi nguồn cung lương thực bị gián đoạn. Lượng tiêu thụ gạo của lục địa này chiếm đến 35% số nhập khẩu toàn cầu.
Việc gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm do dịch Covid-19 hoàn toàn khác với những cuộc khủng hoảng thực phẩm hồi 2007 - 2008 và 2010 - 2012, khi hạn hán ở các nước sản xuất lúa gạo dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá lên cao và gây ra bất ổn ở vài nước. Hiện nay, nguồn cung lương thực khá dồi dào và giá cả toàn cầu đã ở mức thấp trong nhiều năm do nông dân ở Mỹ, Brazil và vùng Biển Đen đã trồng nhiều hơn với năng suất cao hơn. Vấn đề là trong bối cảnh khắp thế giới hạn chế đi lại và phong tỏa toàn quốc như hiện nay, làm sao đưa được nguồn cung dồi dào đó đến những ai đang có nhu cầu và nhiều người trong số họ đã mất thu nhập do các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
“Bạn không có lao động, bạn không có phương tiện để vận chuyển thực phẩm và bạn không có tiền để mua thực phẩm. Đó là một cuộc khủng hoảng khác thường”, kinh tế gia Abbassian của FAO đúc kết về chuỗi cung ứng thực phẩm bị đảo lộn vì Covid-19.
Theo thanhnien