Tối thứ 6, một người pha chế rượu ở độ tuổi 20 mặc chiếc áo hoodie và bước vào quán bar nằm ở khu vực thiếu ánh sáng trong một con phố nhỏ phía tây Tokyo, theo The Japan Times.

"Tôi hơi cúi đầu, cố gắng trông ít khả nghi nhất có thể", chàng trai nói với điều kiện được giấu tên để bảo vệ danh tính và công việc của mình.

Theo quy định chống dịch Covid-19 của thủ đô Tokyo, các quán bar không được phép bán rượu và phải đóng cửa trước 20h. Trong bối cảnh hiện tại, bartender đáng ra phải thất nghiệp ở nhà.

Đường phố quanh khu vực người pha chế rượu làm việc vẫn khá đông đúc. Mọi người hầu hết còn trẻ, tụ tập thành từng nhóm. Nhiều người có vẻ đã ngà ngà say.

"Tôi không chắc mình sẽ làm gì", anh nói khi đứng trước cửa quán bar. Một tấm biển thông báo viết tay trên cửa nói rằng quán bar phải đóng cửa, đặc biệt trong những ngày thành phố ban bố tình trạng khẩn cấp, từ ngày 23/4 đến 20/6/2021.

Bartender này biết rõ chủ quán bar đã nhận tiền trợ cấp của chính phủ. Khoản tiền được trả cho những cơ sở chấp nhận tuân theo quy định không bán rượu và đóng cửa sớm.

Nói cách khác, các quán bar buộc phải tuân thủ quy định nếu không muốn mất nguồn trợ cấp từ chính phủ Nhật Bản.

"Thế nhưng, nhiều nơi vẫn mở cửa, đằng sau cánh cửa đóng kín, mọi thứ vẫn tiếp diễn như chưa có chuyện gì xảy ra".

Mặc dù chính quyền Tokyo yêu cầu các quán bar không bán rượu và đóng cửa trước 20h, nhiều nơi vẫn bất chấp mở cửa đến nửa đêm.


"Trợ cấp 60.000 yen/ngày là không đủ"


Khi tình trạng khẩn cấp kéo dài, nhiều cơ sở không còn tuân theo yêu cầu của chính phủ, bất chấp hoạt động cho đến tận tối muộn.

Theo Mainichi Shimbun, vào tháng 8, hơn 40% quán bar ở Shinjuku, Shibuya và những nơi khác vẫn mở cửa sau giờ giới nghiêm.

Một số quán bar đã từ chối tiền trợ cấp của chính phủ, hoạt động với giờ bình thường, quá thời gian đóng cửa quy định. Những nơi khác nhận tiền cứu trợ nhưng vẫn bí mật hoạt động và bán rượu.

Khi Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên vào ngày 7/4/2020, hầu hết quán bar đóng cửa theo quy định.

Mọi người mua rượu ở các cửa hàng tiện lợi và hy vọng quán bar sẽ sớm mở cửa trở lại.

                                Quán bar, nhà hàng đóng cửa, người Nhật tụ tập uống rượu bia trên đường phố.


Nhưng đợt dịch thứ hai nhanh chóng bùng phát, các quán bar hoạt động trở lại chưa lâu phải tiếp tục đóng cửa. Ngày 9/1, tờ Asahi Shimbun tuyên bố "Cuộc sống về đêm của Tokyo chết dần vì quy định đóng cửa quán bar lúc 20h".

Chủ sở hữu đã nhận được một khoản trợ cấp của chính phủ, dành cho các nhà hàng và quán bar tuân thủ quy định, lên tới 60.000 yen/ngày. Hầu hết cơ sở kinh doanh trên toàn thành phố đều chấp hành để nhận gói cứu trợ.

Tuy nhiên, dịch vẫn kéo dài, tổn thất ngày một lớn. "60.000 yen/ngày là không đủ. Tôi chỉ được bồi thường 40% doanh thu, quá ít để trang trải các chi phí cố định như tiền thuê nhà", một chủ quán bar giấu tên nói.

Tháng 4, vào đêm trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố lần thứ 3, chủ sở hữu của nhiều quán bar đã gặp nhau để thảo luận về kế hoạch trong tương lai. Họ muốn biết những ai muốn mở cửa bí mật, những ai sẽ tiếp tục đóng cửa.

Ngày 23/4, khi tình trạng khẩn cấp chính thức được áp dụng, một số quán bar vẫn mở cửa và từ chối sự hỗ trợ của chính phủ. Nhiều nơi kinh doanh từ 19h đến 3 giờ sáng hôm sau.

Kể từ đó, những nơi này không đóng cửa theo quy định nữa và trở thành tụ điểm ăn chơi của thành phố sau nửa đêm.

Theo Zing