Fiame Naomi Mataafa hiện đã chuẩn bị sẵn sàng để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Samoa, sau khi tòa án tối cao của quốc gia nằm ở Thái Bình Dương này phá vỡ một vụ bế tắc chính trị kéo dài cả tháng tiếp theo sau một cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi diễn ra trong tháng 4 vừa qua.
|
Bà Fiame Naomi Mataafa |
Chiều ngày 17/5, Tòa án tối cao của Samoa đã bác bỏ đề nghị vô hiệu hóa kết quả cuộc bầu cử của nguyên thủ quốc gia - Tuimalealiifano Vaaletoa Sualauvi II, theo tin từ giới truyền thông địa phương. Trước đó, tòa án này cũng từ chối đề xuất của ủy ban bầu cử về việc bổ sung thêm một ghế trong nghị viện sau cuộc bầu cử nhằm làm cho chính phủ đương nhiệm chiếm đa số ghế.
Theo giới quan sát, các quyết định của tòa án đã “dọn đường” cho đảng FAST của bà Fiame thành lập một chính phủ mới, chấm dứt sự nắm quyền của Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi, người đã kiên quyết đấu tranh để nắm giữ quyền lực trong suốt hơn 2 thập niên qua. Tuilaepa cũng là một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tại vị lâu nhất trên thế giới.
“Cảm ơn tất cả các bạn đã dành tình yêu cho đất nước này. Đây không còn là chuyện của cá nhân tôi hay của bạn nữa, mà đây là tương lai của Samoa và chúng ta phải cùng nhau bảo vệ cơ nghiệp mà tổ tiên chúng ta đã để lại”, Fiame đã phát biểu sau phán quyết nói trên của tòa án. Trong trang phục màu đỏ - màu trang phục của Fiame, những người ủng hộ Fiame đã tập trung ngay bên ngoài tòa án ở thủ đô Apia để hát mừng ngay sau khi tòa án đưa ra các phán quyết.
Fiame, năm nay 64 tuổi, với xuất thân là con gái của Thủ tướng độc lập đầu tiên của Samoa, đã từng là một Phó thủ tướng dưới chính quyền của Tuilaepa, nhưng tách khỏi chính phủ vào năm 2020 sau khi đưa ra một số phản đối liên quan đến những thay đổi trong hiến pháp và hệ thống tư pháp của nước này.
Tuilaepa cho biết ông sẽ kháng cáo các phán quyết của tòa án nhưng hiện vẫn chưa đưa ra một sách lược rõ ràng về mặt hành pháp hay lập pháp nào để tạo ra thách thức cho Fiame, người hiện đang giành được sự ủng hộ chiếm ưu thế từ 51 thành viên của nghị viện.
Trong những năm gần đây, vị thủ tướng đương nhiệm này cũng đã phải đối mặt với không ít lời chỉ trích vì đã không xử lý được một đợt bùng phát bệnh sởi vào năm 2019, khiến 83 người mà đa số còn rất nhỏ đã phải thiệt mạng, và vì mối quan hệ thân thiết của chính phủ Samoa với Trung Quốc.
Samoa, quốc gia giành được độc lập vào năm 1962 sau gần 50 năm được đặt dưới sự bảo hộ của New Zealand, hiện chỉ có khoảng 200.000 dân với khoảng 1/6 trong số đó là người lai từ 2 sắc tộc, người Samoa bản địa và người Hoa. Với dân số khá ít và nhờ quyết định đóng cửa biên giới sớm, nên quốc gia Thái Bình Dương này đã đã tránh được sự lây nhiễm rộng trong cộng đồng của đại dịch COVID-19.
Theo phunuonline.com.vn