Kể từ khi khởi phát hồi tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, Covid-19 lan rộng ra 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 110 triệu người nhiễm, 2,4 triệu ca tử vong và hơn 84 triệu người đã bình phục, theo trang thống kê Worldometers. Trong đó, Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
3 vùng dịch lớn nhất thế giới
Gần một năm trôi qua kể từ khi ca nhiễm đầu tiên của Mỹ được ghi nhận tại Seattle, bang Washington (ngày 21/1/2020), Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới. Cường quốc hàng đầu thế giới ghi nhận 28.381.220 ca nhiễm - gấp gần ba lần quốc gia đứng thứ hai là Ấn Độ. Mỹ cũng có hơn 499.991 ca tử vong, chiếm đến 20% số ca tử toàn thế giới, trong khi các nước phát triển khác như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc xoay xở giữ số ca tử ở mức thấp.
Tuy nhiên, thống kê về Covid-19 trên toàn nước Mỹ đang phản ánh xu hướng ngày càng tích cực. Số ca nhiễm mới hàng ngày đang ở mức chục nghìn ca - khác biệt rõ rệt so với tháng trước, thời điểm Mỹ ghi nhận trung bình 200.000 ca mới mỗi ngày. Đây được cho là kết quả của nhiều yếu tố, bao gồm việc tăng cường biện pháp phòng dịch, tiêm chủng vaccine Covid-19... Mỹ đã tiêm hơn 55 triệu liều vaccine, trung bình khoảng 1,6 triệu liều mỗi ngày.
Nhân viên y tế Mỹ tiêm vaccine. Ảnh: AFP.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 10.937.106 ca nhiễm và 155.949 ca tử. Ở giai đoạn đỉnh dịch, Ấn Độ ghi nhận gần 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày - từng có nguy cơ thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Nhưng con số này đã giảm xuống đột ngột còn 11.000 ca mỗi ngày kể từ tháng 9/2020 mà không rõ nguyên do, khiến giới khoa học cũng "bối rối".
Brazil là vùng dịch thứ ba thế giới, ghi nhận 9.921.981 ca nhiễm và hơn 240.983 ca tử vong. Một tuần gần đây, quốc gia Nam Mỹ ghi nhận hơn 1.000 ca tử mỗi ngày. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm vaccine cho khoảng 5,3 triệu người, tương đương 2,5% trong 212 triệu dân. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn kiên quyết không tiêm vaccine, thậm chí bị cáo buộc "dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng", bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.
Những nước triển khai vaccine
Các quốc gia giàu có hơn đã có thể đạt được các thoả thuận mua bán với nhà sản xuất vaccine. Những quốc gia đang bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 bao gồm Trung Quốc, các nước thuộc liên minh châu Âu, Israel, Nga, Anh và Mỹ, Brazi, Ấn Độ...
Theo thống kê của Ourworldindata, hơn 183.75 triệu liều vaccine Covid-19 được tiêm chủng, trong đó đứng đầu là Mỹ (hơn 55 triệu), Trung Quốc (40,52 triệu), EU (22,33 triệu), Anh (16,12 triệu).
Trung Quốc và Nga đang gửi vaccine ngoại giao do nước mình sản xuất đến các nước Trung Đông và châu Á để thắt chặt mối quan hệ, kể cả với các nước đồng minh của Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc đã phát triển và thử nghiệm giai đoạn cuối một số vaccine của các công ty gồm Sinopharm, Cansinobio và Sinovac. Theo Global Times, Trung Quốc đã có hợp đồng mua hơn 500 triệu liều vaccine từ 16 quốc gia và khu vực.
Bộ trưởng Y tế Pakistan, Faisal Sultan cho biết nước này phê duyệt vaccine của công ty Cansinobio (Trung Quốc) để sử dụng khẩn cấp bắt đầu từ 19/2. Đây là quốc gia thứ hai phê duyệt vaccine một liều, sau khi Mexico phê duyệt hôm 10/2. Lô 35 triệu liều vaccine của Cansinobio đã đến Mexico.
Bolivia, Philippines và Hungary đều xác nhận sẽ nhận được hàng trăm nghìn liều thuốc từ Trung Quốc vào tháng 2. Hôm nay, 550.000 liều vaccine Sinopharm đã chuyển đến Hungary - một trong tổng cộng 4 lô dự kiến, sẽ đạt tổng tộng 5 triệu liều đến cuối tháng 5.
Hungary nhận lô hàng đầu tiên vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ công bố số người tiêm liều vaccine Sinovac Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc đã lên đến 3 triệu người. Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Zimbabwe Monica Mutsvangwa, cho biết lô vaccine được sản xuất bởi Sinopharm (Trung Quốc) sẽ được gửi đến với tổng cộng 200.000 liều.
Một số quốc gia Đông Nam Á cũng "bật đèn xanh" sử dụng vaccine Trung Quốc như Myanmar. Ngoài ra, Lào và Bruney cũng nhận được các lô tặng từ Trung Quốc. Nhật Bản đã khởi động đợt tiêm chủng vào 17/2 bằng cách tiêm vaccine Pfizer (Nga) cho các nhân viên bệnh viện ở Tokyo.
Cùng lúc đó, nhiều nước thu nhập thấp còn chưa bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 do không đấu giá được vaccine hoặc đợi những lựa chọn khác tiết kiệm hơn như vaccine do Đại học Oxford và AstraZeneca hay Johnson & Johnson sản xuất.
Một số quốc gia có nguồn cung hạn chế lại là nơi tập trung số lượng lớn người tị nạn hay di cư, những nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ như Jordan, là nước đầu tiên cung cấp vaccine cho người tị nạn, một động thái được Liên Hiệp Quốc hoan nghênh và kêu gọi các nước khác làm theo.
WHO vừa phê duyệt AstraZeneca/Oxford vaccine Covid-19.
Những nước thành công nhất trong công tác tiêm vaccine
Israel: Chỉ trong 2 tuần từ khi bắt đầu tiêm chủng, Israel đã tiêm ngừa được cho 15% dân số - đây là tốc độ nhanh nhất thế giới. Cho đến nay nước này đã tiêm hơn 6,6 triệu người. Nguyên nhân là do dân số Israel khá ít, chỉ khoảng 9 triệu người, chính phủ đã chi rất nhiều tiền cho vaccine và đặt hàng sớm. Họ cũng có mạng lưới bảo hiểm y tế điện tử, giúp việc nhận diện những nhóm ưu tiên và theo dõi quá trình tiêm vaccine dễ dàng hơn.
UAE: Giống Israel, UAE có dân số thấp và có hệ thống bảo hiểm y tế, giúp họ có được những lợi thế tương tự. Ngoài vaccine của Moderna và Pfizer & BioNTech, nước này còn mua cả vaccine của Sinopharm của Trung Quốc, tiêm cho 10 triệu dân tính đến giữa tháng 1. Cùng tốc độ triển khai vaccine nhanh là nhiều nỗ lực khác thúc đẩy niềm tin của công chúng, bao gồm cả sự ủng hộ vaccine của cộng đồng Hồi giáo.
Ấn Độ: Chương trình tiêm chủng ở Ấn Độ mới bắt đầu hồi tháng 1 với gần 9 triệu liều. 60% trong số gần 10 triệu nhân viên y tế Ấn Độ đã được tiêm kể từ khi chiến dịch tiêm chủng khởi động vào ngày 16/1.
Chính phủ Ấn Độ - nước sở hữu năng lực sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - cho biết hôm 16/2, sẽ tăng gấp 5 lần số điểm tiêm chủng vaccine. Giới chức đặt mục tiêu tiêm phòng cho 300 triệu người trong số 1,35 tỷ dân vào tháng 8. Quốc gia tỉ dân cũng đã xuất khẩu vaccine sang 24 quốc gia như một phần của nỗ lực ngoại giao.
Anh: Anh là vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, với hơn 4 triệu ca nhiễm và 118.195 ca tử vong. Hơn hai tháng sau khi khởi động chương trình tiêm chủng, thống kê cho thấy 15,8 triệu người đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và 546.165 người đã tiêm đầy đủ hai liều. Giới chức Anh tuyên bố sẽ hoàn thành tiêm chủng cho tất cả những người trên 50 tuổi vào tháng 5 và tất cả người trưởng thành vào tháng 9.
Nhân viên y tế làm việc tại một địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.
Những nước khó khăn trong triển khai vaccine
Canada: Mặc dù Canada đã đặt trước đủ số lượng vaccine, việc phân phối vẫn còn chậm và bị phân mảnh. Các khu vực và các bang tự quyết định xem nhóm được ưu tiên là đối tượng nào và tự tìm cách để phân phối cho 38 triệu người thay vì để chính phủ làm việc này. Các chuyên gia y tế cho biết những người già trong các cơ sở chăm sóc thường bị bỏ qua trong lượt tiêm đầu, mặc dù nhiều bang có đủ liều.
Mỹ: Thiếu đồng bộ trong công tác triển khai của chính phủ ảnh hưởng đến tốc độ phân phối vaccine ở Mỹ. Cho đến cuối tháng 1, mới chỉ gần 1 nửa số liều được cung cấp đến các bang được sử dụng. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là một trong những nước có tỉ lệ được tiêm vaccine nhiều nhất, với 55 triệu liều đã được tiêm. Tổng thống Mỹ, Joe Biden, tuyên bố sẽ tiêm 100 triệu liều trong 100 ngày đầu ông nhậm chức. Hãng Moderna dự kiến sẽ chuyển giao cho Mỹ 100 triệu liều vaccine vào cuối tháng 3, tiếp đó là thêm 100 triệu liều khác vào cuối tháng 5 và 100 triệu liều tiếp theo vào cuối tháng 7.
Brazil: Brazil mới tiêm cho khoảng gần 5,3 triệu người, tương đương 2,5% trong 212 triệu dân.
Hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra được kết luận về hiệu quả của vaccine. Giáo sư vi sinh học James Triccas của Đại học Sydney giải thích rằng do đại dịch mới xảy ra được 1 năm và các nhà nghiên cứu đang theo dõi thời gian phản ứng của hệ miễn dịch của người theo thời gian thực.
Hồi tháng 12, Moderna công bố một nghiên cứu cho thấy vaccine Covid-19 của hãng vẫn có phản ứng miễn dịch tốt sau 4 tháng kể từ ngày tiêm. Giáo sư Triccas cho biết thêm vẫn chưa biết vaccine Covid-19 có hiệu quả trong bao lâu. Dù vậy chúng ta có thể có câu trả lời vào giữa năm nay.
Còn AFP dẫn nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa Lancet cho biết, các nhà khoa học Nga cho hay vaccine Sputnik V của nước này có vẻ an toàn và hiệu quả chống Covid-19 tới 91%.
Và có thể mất nhiều năm để hầu hết dân số thế giới được tiêm chủng, đặc biệt là khi các biến thể chủng virus mới gây ra những thách thức lớn hơn.
Những quốc gia hầu như vẫn sống trong phong tỏa/ giãn cách
Nhiều quốc gia châu Âu vẫn đang áp dụng các quy định hạn chế đi lại, đóng cửa cơ sở kinh doanh và hạn chế tụ tập đông người.
Canada và Anh là những quốc gia ban hành lệnh hạn chế đi lại mới nhất, trong đó khách du lịch không tuân thủ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt rất nặng, hoặc ngồi tù. Bất kì ai đến Canada buộc phải xuất trình kết quả âm tính với nCoV. Trong khi Anh ban hành lệnh mới, bất cứ ai đến quốc gia nằm trong "danh sách cấm du lịch" của Anh trong vòng 10 ngày sẽ phải cách ly tại khách sạn được chính phủ phê duyệt.
Đức vẫn gia hạn phong tỏa cho đến ngày 14/2 và ban hành lệnh cấm du lịch đối với các quốc gia xuất hiện các biến thể của Covid-19.
Bồ Đào Nha phong tỏa cho đến ngày 14/2, trong khi chính phủ Hy Lạp áp dụng lệnh phong tỏa vô thời hạn.
Tại Pháp, các chuyến bay không cần thiết bên ngoài UE bị cấm. Italy gia hạn tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng 4. Lệnh giới nghiêm toàn quốc vẫn được áp dụng từ 22h đến 5h sáng, phân theo hệ thống được mã hóa bằng màu. Lệnh hạn chế đi lại vẫn được áp dụng ngoại trừ 5 khu vực đã chuyển sang mức cảnh báo vàng, các bảo tàng được mở cửa trở lại và nhà hàng được kinh doanh ăn uống trong nhà vào ban ngày.
Tại Bắc Mỹ, Mexico và Canada gia hạn đóng cửa biên giới với Mỹ cho đến ít nhất ngày 21/2.
Tại châu Á, Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và khu vực đô thị lớn khác cho đến ngày 7/3.
Một số quốc gia đã chấm dứt lệnh phong tỏa hoặc nới lỏng hạn chế đi lại. Australia đã nới lỏng lệnh phong tỏa kể từ khi chính phủ công bố áp dụng hồi tháng 5. Melbourne - nơi bị phong tỏa nghiêm ngặt hồi tháng 7 - đã nới lỏng bắt đầu từ 27/10/2020.
Quốc gia vững vàng suốt 1 năm qua
New Zealand là một trong những quốc gia "vững vàng" nhất trên thế giới trong công tác chống dịch Covid-19. Sau khi ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, quốc gia này dỡ bỏ lệnh hạn chế vào ngày 8/6/2020 và tiếp tục báo cáo hơn 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Đợt phong tỏa đầu tiên trong vòng 6 tháng gần đây ở New Zealand là vào ngày 15/2 tại thành phố Auckland - khi phát hiện 3 ca nhiễm cộng đồng không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên chỉ một ngày sau đó, hôm 16/2, Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo dỡ phong tỏa vì kiểm soát ổ dịch thành công.
Việt Nam giành được vị trí thứ ba trong cuộc khảo sát về các quốc gia xử lý đại dịch tốt nhất trên thế giới. Bởi vậy, đợt bùng dịch mới ở Việt Nam sau 55 ngày không có ca nhiễm cộng đồng kể từ cuối tháng 1 khiến nhiều báo nước ngoài "sốc".
Theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ nhận được 4.886.400 - 8.253.600 liều của giai đoạn đầu. 25-35% số liều sẽ được cung cấp trong quý 1 và phần còn lại là trong quý 2 năm 2021. Vaccine được sử dụng là của hãng AstraZeneca. Bên cạnh đó, Việt Nam đang nghiên cứu vaccine Nano Covax và vừa trải qua giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 2 sẽ được thử nghiệm trên 560 tình nguyện viên, kéo dài 6 tháng. Giai đoạn 3 sẽ tiêm trên 10000 tình nguyện viên, hoàn tất vào đầu năm 2022.
Hải Dương là tỉnh đầu tiên cách ly xã hội toàn tỉnh 15 ngày kể từ 0h ngày 16/2 do ghi nhận 539 ca nhiễm tính đến ngày 17/2. Toàn bộ huyện, thị xã của tỉnh đều có ca nhiễm.
TP HCM chỉ còn 12 điểm cách ly. Thành phố có kế hoạch giám sát những người đến từ vùng có dịch đến thành phố và xét nghiệm ngẫu nhiên với những hành khách đến thành phố bằng các phương tiện công cộng. Hà Nội tạm ngừng hoạt động của các quán ăn vỉa hè và các quán cà phê từ ngày 16/2. Thành phố cũng yêu cầu người dân quay lại Hà Nội phải khai báo y tế, xét nghiệm ngẫu nhiên ở các khu công nghiệp có người từ 12 tỉnh có dịch trở về và các chuyên gia nước ngoài để sàng lọc.
Theo Ione