Tham tán Trần Minh Cừ (bên trái) trao đổi với chủ tọa kết thúc buổi xét xử

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi tham dự phiên xét xử này, ông Trần Minh Cừ - tham tán phụ trách chính trị của Đại sứ quán VN tại Indonesia - khẳng định những thuyền trưởng người Việt sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt nhất trên cơ sở xem xét thông tin về tọa độ đánh bắt của ngư dân.


Đánh bắt tại vùng biển Việt Nam

Được xét xử vào lúc 11h15, bị cáo Hứa Minh Trung, thuyền trưởng tàu cá KG 93895-TS, một trong năm thuyền trưởng bị lực lượng chấp pháp của Indonesia bắt giữ vào ngày 13-4, vẫn một mực kêu oan. 

Sau khi hội đồng xét xử đọc lại cáo trạng của công tố viện, tóm tắt chứng cứ và lời khai nhân chứng, ông Trung đề nghị tòa cho phát biểu ý kiến.

Tuy nhiên, vị chủ tọa phiên tòa giải thích rằng theo quy định, ông Trung đã được tự bào chữa vào phiên tòa lần trước. 

"Những gì cần trình bày thì ông Trung đã được trình bày. Phiên xử này chỉ có luật sư bào chữa cho ông Trung được quyền trình bày quan điểm, ông Trung chỉ có quyền hội ý, đưa ra ý kiến để luật sư bào chữa" - vị này nói. Dù vậy, chủ tọa vẫn cho phép ông Trung phát biểu ý kiến.

Chỉ vào một điểm trên tấm bản đồ được đem theo tại tòa, ông Trung khẳng định: "Tôi bị bắt khi đang đánh cá trên vùng biển của VN, đúng theo giấy phép và hướng dẫn của cơ quan chức năng VN", đồng thời đề nghị chủ tọa phiên tòa yêu cầu phía công tố trưng ra máy định vị trên tàu của mình vào thời điểm bị bắt để xác thực tọa độ.

"Tôi đánh bắt đúng theo quy định, không vi phạm chủ quyền biển của Indonesia. Đề nghị đại diện đại sứ quán vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho tôi..." - ông Trung đề nghị. 

Luật sư Tristopher (người Indonesia) bào chữa cho ông Trung cũng đề nghị tòa cho hoãn phiên xét xử để chuẩn bị thêm chứng cứ, hồ sơ để bào chữa cho ông Trung.

Sau khi nghe bị cáo và luật sư trình bày, hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa, dời đến ngày 21-11 sẽ xét xử đối với ông Trung.

Đề nghị xác định lại tọa độ

Sau khi kết thúc phiên tòa, tham tán Trần Minh Cừ đã hỏi thăm, động viên các bị cáo. 

Trao đổi với ông Cừ, ông Hứa Minh Trung và ông Lê Văn Thức (bị bắt trong một vụ án khác và đã nhận tội tại phiên tòa cùng ngày) đều khẳng định rằng căn cứ trên tọa độ đánh bắt, các tàu đánh cá này không vi phạm vùng biển của Indonesia. Tuy nhiên khi bị bắt giữ, do lo sợ nên đã ký vào các biên bản vi phạm.

"Ở trên biển, họ (lực lượng chấp pháp Indonesia - PV) có đầy đủ vũ khí, chúng tôi có dám cãi đâu. Dù sao tài sản, tàu thuyền cũng bị bắt hết rồi, bị tạm giữ cũng lâu, giờ ở tù mau mau rồi về thôi..." - ông Thức nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại Tòa án Ranai, ông Cừ cho biết tham dự phiên tòa này nhằm chứng kiến và ghi nhận thông tin, đặc biệt là thông tin về việc kêu oan của một số ngư dân. 

Trong đó, đáng chú ý là thông tin về việc yêu cầu trưng ra máy định vị để xác định tọa độ mà ngư dân đã đánh bắt. "Tất cả thông tin này sẽ được báo cáo về Bộ Ngoại giao để xin ý kiến có hướng xử lý tiếp theo" - ông Cừ nói.

Trả lời về thông tin các thuyền trưởng khẳng định tọa độ đánh bắt nằm trong vùng biển VN, ông Cừ cho biết đã ghi nhận tọa độ ngư dân kêu oan và gửi về cho Bộ Ngoại giao để xác định chính xác. 

"Sau khi xác định rõ tọa độ mới có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân theo đúng quy định pháp luật. Tinh thần là cố gắng để có lợi nhất cho ngư dân..." - ông Cừ khẳng định.

Chờ xử quá lâu, có án là mừng rồi

Cũng được đưa ra xét xử tại Tòa án Ranai cùng ngày, 5 thuyền trưởng VN bị bắt trong các vụ án khác đã nhận tội khai thác hải sản trái phép trong vùng biển của Indonesia.

Được xét xử đầu tiên là thuyền trưởng Võ Văn Tuấn (Phước Tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu), bị bắt giữ vào tháng 11-2016 và không có luật sư bào chữa.

Sau khi hội đồng xét xử nhắc lại ngắn gọn cáo buộc của công tố viện và các chứng cứ buộc tội, chủ tọa đã tuyên phạt anh Tuấn 6 tháng tù giam và khoản tiền phạt 300 triệu rupiah (khoảng 600 triệu đồng).

Theo quy định về luật bảo vệ thủy sản Indonesia, những người phạm tội được đóng tiền phạt khắc phục hậu quả.

Nếu đóng đủ tiền phạt sẽ được xem xét giảm hoặc miễn chấp hành phạt tù. Tuy nhiên, anh Tuấn đồng ý án phạt tù do gia đình không có điều kiện đóng phạt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi rời phòng xử, anh Tuấn nói: "Chờ đến lượt xử đã quá lâu, nay có án vậy cũng mừng rồi. Tui mong mau hết thời gian tù để về quê với gia đình...".

Lần lượt anh Nguyễn Quang Thanh (Bình Định) bị tuyên án 6 tháng tù và phạt 300 triệu rupiah, anh Nguyễn Văn Nguyên (Bình Định) bị phạt 6 tháng tù và 300 triệu rupiah, anh Lê Văn Thức (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị án tù 4 tháng và 200 triệu rupiah, anh Đỗ Được (Bình Thuận) nhận án 6 tháng và 300 triệu rupiah.

Không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố

Như Tuổi Trẻ thông tin, ngày 13-4, khi 5 tàu cá của Kiên Giang cùng 70 ngư dân đang đánh bắt ở khu vực cách đông nam Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 150 hải lý thì bị tàu Indonesia bắt giữ.

70 ngư dân được thả về, riêng 5 thuyền trưởng (gồm Lưu Văn Lý, Cao Văn Hoàng, Lê Thanh Thiện, Lê Thanh Thừa và Hứa Minh Trung) đã bị tạm giam chờ xét xử.

Theo thuyền trưởng Lưu Văn Lý, khi tàu cá KG 95359-TS của ông (cùng 19 thuyền viên) đang đánh bắt tại tọa độ 06032’00" N, 106022’00" E (thuộc vùng biển VN), bất ngờ bị một chiếc tàu vũ trang của Indonesia cập mạn khống chế, bắt toàn bộ thuyền viên đưa sang tàu của họ.

Trong quá trình bị khống chế, ông Lý bị buộc ký vào một văn bản tiếng nước ngoài, sau đó mới biết đó là văn bản quy kết tàu cá vi phạm vùng biển của Indonesia tại vị trí 06030’548" N, 106024’706" E.

Tháng 6-2017, khi bị đưa ra Tòa án quận Natuna để nghe công bố cáo trạng, cả 5 thuyền trưởng đều kêu oan và không thừa nhận các hành vi như cáo trạng truy tố, đồng thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền Indonesia điều tra, xác định lại tọa độ các tàu cá trước và tại thời điểm bị bắt.

Các thuyền trưởng đề nghị các cơ quan chức năng thu giữ vật chứng hiện tại là vết tàu lưu trong định vị vệ tinh (GPS) đang được các cơ quan Indonesia thu giữ.

Theo Tuổi trẻ