Một phụ nữ Trung Quốc và đứa con lai châu Phi. Ảnh: Jenni Marsh.

Mức độ ràng buộc của người châu Phi với xã hội bản địa Trung Quốc

Khi nhiều người châu Phi nói về việc rời Quảng Châu (Trung Quốc) trong các năm trước đại dịch Covid-19, nhiều người vẫn ở lại, do vướng vợ con và cũng còn là do ở châu Phi ít có cơ hội làm ăn đối với họ.

Hiện chưa có dữ liệu chính thức về số lượng người châu Phi ở Quảng Châu kết hôn với phụ nữ Trung Quốc. Nhưng nếu dạo qua các sạp hàng ở khu Tiểu châu Phi trong các năm gần đây thì có thể thấy rõ vô số cửa hàng ở đây là do một người đàn ông châu Phi nào đó cùng vợ của anh ta quản lý, còn con cái của họ đang nô đùa chạy dọc các hành lang.

Nhưng cái tâm lý gắn bó với Quảng Châu đó đã bị lay chuyển vào tháng 4/2020 khi nhiều người châu Phi ở thành phố này bị đuổi khỏi nhà của mình, thậm chí không được ở khách sạn và buộc phải sống vất vưởng trên phố. Sau khi có một nhóm nhỏ người Nigeria dương tính với Covid-19, giới chức Quảng Châu đã cách ly và xét nghiệm tất cả người châu Phi sống trong thành phố này, làm dấy lên nỗi sợ vô căn cứ rằng người châu Phi là đối tượng truyền virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19).

Vassor Dieng – một người bán ghế sofa ở Senegal và chuyên nhập hàng từ Trung Quốc, vẫn nhớ vụ cách ly hàng loạt người châu Phi đó (vụ này đã lan truyền ầm ĩ trên mạng Twitter ở châu Phi). Chị nói mình không mong muốn đến Quảng Châu ngay cả khi lệnh hạn chế nhập cảnh do Covid-19 được gỡ bỏ.

Trong khi đó, năm 2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố: “Chính phủ Trung Quốc đối xử tất cả mọi người nước ngoài ở Trung Quốc một cách bình đẳng, phản đối bất cứ thực tế phân biệt nào nhằm vào các nhóm người cụ thể, và tuyệt đối không dung thứ các ngôn từ và hành động phân biệt đối xử”.

Bất chấp khó khăn, vẫn muốn bám trụ mảnh đất màu mỡ


Quay trở lại với Quảng Châu, Chike – người cha Nigeria của 3 đứa trẻ, cho biết dựa trên cách thức anh bị một số cư dân Trung Quốc đối xử, anh cảm thấy họ nghi người châu Phi chính là nguồn lan truyền virus gây bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người Phi ở Quảng Châu cũng báo cáo rằng trong thời kỳ dịch bệnh, Sở Công an Quảng Châu có nới lỏng thủ tục visa cho những người có vợ hoặc chồng là người Trung Quốc và đã sinh con ở đây. Thường thì một người ngoại quốc sẽ phải rời khỏi Trung Quốc và nhập cảnh lại vào nước này để kích hoạt visa, nhưng một số người châu Phi đã không phải làm vậy, bởi lẽ nếu làm thế thì sẽ lại đòi hỏi phải cách ly lâu.

Dù có nhiều thách thức như ở trên, nhiều người châu Phi vẫn muốn quay trở lại với cuộc sống trước đây ở Trung Quốc. Chẳng hạn như trường hợp thương lái Felly Mwamba, người đã rời khỏi Trung Quốc vào Tết Âm lịch 2020 và đã sống ở Winnipeg (Canada) kể từ đó. Sau 2 thập kỷ sống và làm việc ở Quảng Châu, Mwamba kiếm đủ tiền để xin quốc tịch Canada và mua một ngôi nhà tại đó. Tuy nhiên, mùa đông ở Winnipeg lạnh khắc nghiệt và anh lại chỉ có rất ít bạn bè ở đây.

Nhưng dù muốn, Mwamba cũng không thể về Trung Quốc ngay. Visa kinh doanh của Mwamba hết hạn khi anh đang ở Canada. Để có visa mới, Mwamba cần có thư mời từ giới chức địa phương, mà điều này là rất khó đối với anh. Trong khi đó, anh vẫn phải thanh toán tiền thuê văn phòng và căn hộ ở Trung Quốc.

Nếu không thể sớm trở về Trung Quốc, Mwamba tính rằng mình cần đóng cửa doanh nghiệp hậu cần của mình tại đó.

Di sản con lai và thế khó của họ

Quá trình người châu Phi buôn bán, sinh sống và cả yêu đương ở Quảng Châu đã tạo ra một thế hệ trẻ em Trung Quốc gốc châu Phi. Đa phần các em này là trẻ vị thành niên, nhưng cũng có một số trường hợp đã trưởng thành, những trường hợp này đang cố thích ứng với xã hội Trung Quốc trong bối cảnh tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng ở đây.

Trung Phi Phi, 24 tuổi, cho biết bố mẹ cô gặp nhau ở Quảng Châu hồi đầu thế kỷ 21. Khi ấy, người cha Congo của cô là một cử nhân còn người mẹ Trung Quốc của cô đang kinh doanh. Hai người đem lòng yêu nhau và cùng về sống ở Brazzaville (thủ đô của Congo). Nhưng sau khi bố của Trung Phi Phi mất lúc cô còn là đứa trẻ chập chững, cô được đưa về cho ông bà mình ở Trung Quốc nuôi dưỡng. Hai ông bà đặt cho cô cái tên Trung Phi Phi để ghi nhớ việc cô là con lai giữa người Trung Quốc và người châu Phi.

Ca sĩ lai Trung Quốc-Congo, Trung Phi Phi (ảnh do nhân vật cung cấp).

Kể từ lúc sống ở Trung Quốc, Trung Phi Phi phải vật lộn với thực tế là mình không đủ “chất Trung Quốc” trên đất Trung Quốc. Cô gái cho biết, một giáo viên ở Thượng Hải từng nói với Phi Phi rằng cô, với tư cách một “người nước ngoài”, nói tiếng Hán rất tốt. Phi Phi nhớ lại, mình rất bối rối khi bị coi là người nước ngoài theo một cách như vậy.

Mặt khác, khi đến Congo, cô lại bị chê là có màu da không đủ đen.

Năm 2020, Trung Phi Phi trở nên nổi tiếng khi các nhà sản xuất một chương trình truyền hình thực tế K-pop của Hàn Quốc mời cô tham gia loạt chương trình này.

Khi xuất hiện trong show truyền hình này, Trung Phi Phi đã trở thành chủ đề xu hướng trên mạng Weibo của Trung Quốc (na ná mạng Twitter của Mỹ), nhưng không phải theo cách thông thường. Nhiều người đã công kích cô chỉ vì chủng tộc của cô. Các vụ công kích trực tuyến này xuất hiện cùng thời điểm với việc giới chức Quảng Châu bị chỉ trích là đối xử không đúng với người châu Phi ở đây.

Nhưng Trung Phi Phi cũng nhận được những tin nhắn ủng hộ và sau đó đã sử dụng chính nền tảng Weibo này để bắt đầu sự nghiệp âm nhạc.

Đối với các gia đình ở Quảng Châu, những người nổi tiếng Trung Quốc gốc Phi như Trung Phi Phi rất có ích đối con trẻ của họ.

Trung Phi Phi cũng là một ngôi sao truyền hình thực tế tại Trung Quốc (ảnh do nhân vật cung cấp).

Mục sư Ignatius - một nhà thuyết giáo Phúc âm Nigeria với 3 đứa con lai dưới 12 tuổi, hy vọng rằng “những gì đang diễn ra ở Nhật Bản cũng sẽ diễn ra ở đây”. Ông ám chỉ cộng đồng người Nhật gốc Phi mà từ đó đã xuất hiện nhiều người nổi tiếng, như là cây vợt tennis Naomi Osaka.

Còn Chike - người có 3 đứa con Trung Quốc gốc Phi dưới 13 tuổi, nói rằng mặc dù các cháu phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử trong các năm gần đây, các cháu đó vẫn được thoải mái sống trong xã hội Quảng Châu mà các cháu cảm nhận được nhiều ích lợi, miễn là phải biết “mình là ai, mình từ đâu tới”.

Mathews - nhà nhân chủng học làm việc ở Hong Kong, trước đó dự đoán rằng thời kỳ đỉnh cao của làn sóng di cư từ châu Phi sang Quảng Châu có thể mang đến cho Trung Quốc một nhân vật lãnh đạo không phải gốc Hán, tương tự như Barack Obama (người gốc Phi đầu tiên trở thành Tổng thống Mỹ). Nhưng trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở Trung Quốc hiện nay, Mathews tin rằng cộng đồng trẻ em Trung Quốc gốc Phi sẽ có khả năng trở nên “loãng hơn” nữa, đến mức các em không có được tiếng nói chung tập thể.

Mathews dự đoán các trẻ em gốc Phi này sẽ cố gắng đồng hóa vào bức tranh chung của Quảng Châu và do đó sẽ không còn nổi bật nữa./.

Theo vov