leftcenterrightdel
 Clip nhóm phụ nữ che chắn giúp bà mẹ cho con bú lan truyền ở Trung Quốc. Ảnh:Weibo.
 

Không thể tìm được khu vực riêng, Geng Zitong (sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc) nhớ rất rõ cảm giác bất lực khi phải cho đứa con trai 4 tháng tuổi bú ở nơi công cộng để con ngưng cơn khóc.

"Tôi gần như rơi nước mắt khi phòng y tế duy nhất tôi tìm được sau khi chạy khắp 3 tầng trung tâm thương mại lại bị khóa dù không có ai bên trong", bà mẹ 30 tuổi nói, nhớ lại sự cố vào tháng 9/2022 khi ra ngoài một mình với con.

"Tôi cảm thấy rất nản lòng, mẹ con tôi thu hút nhiều ánh nhìn vì con trai tôi khóc quá to. Tôi quyết định tìm một góc yên tĩnh gần nhà vệ sinh để cho con bú. Trước đó, tôi cố gắng dỗ con nhưng không có tác dụng".

Ngày 29/1, vấn đề về phòng dành riêng để các bà mẹ cho con bú ở Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý sau khi một đoạn video lan truyền. Theo đó, video ghi lại cảnh một số phụ nữ đứng bao quanh một bà mẹ đang cho con bú tại bến xe buýt ở Bắc Kinh, theo The Straits Times.

Trong clip dài 30 giây, người mẹ đi qua đi lại quanh chỗ ngồi, cố gắng trấn an đứa con đang khóc trong khi mang theo một chiếc balo lớn và một túi đeo ở thắt lưng. Bên cạnh cô còn có một túi hành lý màu đen.

Sau đó, người phụ nữ ngồi xuống và bắt đầu cho con bú, thu hút ánh nhìn của những hành khách gần đó. Một phụ nữ khác tiếp cận hai mẹ con, trao đổi ngắn gọn với người mẹ. Một người khác bắt đầu dùng túi hành lý đặt lên phía trước, tạo thành hàng rào che chắn.

Sau đó, thêm một số phụ nữ khác tham gia tạo thành bức tường để cho người mẹ sự riêng tư khi cho con bú. Nhiều cư dân mạng còn gọi đây là "bức tường tình yêu".

Một hashtag trong video đến nay nhận được hơn 300 triệu lượt xem, 160.000 lượt bình luận trên Weibo, nhiều người kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn cho các bà mẹ đang cho con bú.

Cái khó của các bà mẹ

Trung Quốc, quốc gia xảy ra tình trạng sụt giảm dân số vào năm 2022, lần đầu tiên sau hơn 60 năm, đã cố gắng khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều hơn 1 con. Nước này đã nới lỏng các quy định về sinh đẻ và đưa ra nhiều thay đổi chính sách bao gồm trợ cấp tiền mặt và tăng ngày nghỉ phép có lương.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cũng khuyến khích phụ nữ cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến khi trẻ được 24 tháng tuổi, ngay cả sau khi đã cho trẻ ăn các loại thực phẩm khác.

Wang Fang, bác sĩ phụ khoa tại một bệnh viện công ở Nội Mông, cho biết việc thiếu phòng cho phụ nữ nuôi con nhỏ tại nơi làm việc và trong các tòa nhà văn phòng là trở ngại lớn đối với những phụ nữ đi làm muốn vắt sữa sau khi hết thời gian nghỉ sinh.

"Sau 6 tháng, họ phải quay lại làm việc nên khó tiếp tục cho con bú bình thường. Điều quan trọng nhất là cần cung cấp sự hỗ trợ tại những nơi công cộng như trung tâm thương mại, bến tàu xe và văn phòng cho những bà mẹ cần".

leftcenterrightdel
 Nhiều nơi công cộng, văn phòng ở Trung Quốc chưa có phòng dành cho bà mẹ cho con bú. Ảnh minh họa:VCG.
 

Geng cũng đã xem video lan truyền trên mạng xã hội. Cô chia sẻ: "Tôi hoàn toàn hiểu cảm giác của người mẹ khi quyết định cho con bú nơi công cộng. Vào thời điểm đó, ưu tiên hàng đầu của cô ấy là cho con ăn chứ không phải giữ hình ảnh".

Liu Yina (28 tuổi), cho biết cô chỉ đến những trung tâm thương mại có phòng riêng được trang bị tốt để tiện cho con bú hoặc vắt sữa dễ dàng hơn.

Bà mẹ của cậu con trai 9 tháng tuổi thi thoảng cử chồng đi tìm hiểu các trung tâm mua sắm trước khi cùng gia đình đến chơi, đảm bảo rằng các phòng cho con bú ở đó có ít nhất một ổ cắm điện, bàn ghế để sử dụng máy vắt sữa.

"Đến giờ, tôi chỉ dám đến một trung tâm mua sắm cách nhà khoảng 30 phút lái xe. Tôi cố hết sức để tránh cho con bú nơi công cộng, vì tôi muốn tôn trọng cảm nhận của người khác, họ có thể thấy không thoải mái. Tôi cũng sẽ không cho con bú hay vắt sữa trong nhà vệ sinh vì rất mất vệ sinh", nữ nhân viên công ty fintech tại Bắc Kinh cho biết.

Hỗ trợ

Cả Liu và Geng đôi khi thấy những nhân viên vệ sinh hoặc nhân viên khác sử dụng phòng cho con bú làm nơi nghỉ ngơi, một số còn là nam giới.

"Thật kỳ lạ vì tôi cảm thấy như mình mới là người đang làm phiền khu vực của họ", Geng kể, có lúc cô thấy cả tàn thuốc lá trên sàn.

Geng chia sẻ không ai trách mắng cô khi cho con bú ở nơi công cộng, nhưng những ánh nhìn từ người qua đường khiến cô không thoải mái, chỉ biết cúi đầu tập trung vào con mình.

Đối với Liu, tòa nhà văn phòng cô làm việc không có phòng cho con bú chuyên dụng nên cô phải dùng nhờ văn phòng của người quản lý. Khi người này họp, cô phải chuyển sang phòng họp khác thay thế.

"Thật khó xử vì tôi phải đi ngang qua những đồng nghiệp không thực sự quen, nhiều người trong số họ là nam giới, trên đường đến phòng họp đó, và ánh nhìn của họ khiến tôi cảm thấy hơi xấu hổ".

leftcenterrightdel
 Nhiều phụ nữ cảm thấy khó xử khi phải cho con bú nơi công cộng. Ảnh minh họa:Shutterstock.
 

Kế hoạch hành động vào tháng 11/2021 của NHC nhằm thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ đã kêu gọi xây dựng các phòng cho con bú ở những khu vực công cộng đông đúc, như các điểm trung chuyển giao thông, trung tâm mua sắm và công viên. Nếu hoàn thành các mục tiêu, đến năm 2025, hơn 80% khu vực công cộng sẽ có phòng cho con bú.

Hiện ít nhất 10 thành phố ở Trung Quốc không có phòng dành riêng để các bà mẹ cho con bú. Vào năm 2019, chỉ có khoảng 2.600 phòng cho con bú trên khắp Trung Quốc trong khi 14,6 triệu trẻ được sinh ra trong năm đó. Hầu hết ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

NHC cho biết nuôi con bằng sữa mẹ thúc đẩy sự phát triển của trẻ sơ sinh và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho mẹ và bé.

Nhưng chỉ có khoảng 30% trẻ sơ sinh ở Trung Quốc được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Đại học Phục Đán ở Thượng Hải vào tháng 8/2022. NHC đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 50% vào năm 2025.

Theo zingnews