"Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi", Shark Nguyễn Xuân Phú nói với startup Nguyễn Thị Thu Hằng, CEO Wiibike, tại chương trình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ lên sóng hôm 9/5.

Phần đánh giá của nhà đầu tư 50 tuổi này nhanh chóng được lan truyền khắp mạng xã hội và nhận về không ít ý kiến chỉ trích. Nhiều người cho rằng những câu tán tỉnh, nhận xét ngoại hình xuất hiện trong một chương trình truyền hình về đầu tư kinh doanh là hoàn toàn không phù hợp.

Lời "thả thính", khen ngợi vẻ ngoài tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng câu chuyện phân biệt, định kiến giới đằng sau đó lại kéo theo những hậu quả tai hại.

shark phu khen startup anh 1

CEO Thu Hằng nhận lời đề nghị rót vốn của Shark Phú. Ảnh:Shark Tank.

 

Tiêu chí về ngoại hình chỉ áp dụng cho các startup nữ?

Phản hồi về phát ngôn gây tranh cãi mới đây, Shark Phú cho biết một trong 3 yếu tố để ông quyết định rót vốn cho startup là nhân tướng học.

"Bản thân Founder hay người đại diện cho startup phải có tướng mạo, thần thái của người lãnh đạo; phải thể hiện được khát vọng, đam mê theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng", ông viết trên fanpage chính thức của mình.

shark phu khen startup anh 2

Shark Phú lý giải một trong 3 yếu tố để ông chọn startup là nhân tướng học. Ảnh:Shark Tank.

Tại Shark Tank mùa 2, nhà đầu tư này nói với startup Cathy Thảo Trần, CEO Ohana: "Nhìn em là anh thích đầu tư rồi, nhưng nhìn mô hình kinh doanh thì anh lại không muốn đầu tư. Mô hình kinh doanh này anh khẳng định luôn là thất bại, nhưng anh vẫn muốn đầu tư vào em".

Trong cùng mùa này, ông nói với nhà sáng lập ViralWorks Lê Hồng Thảo Quyên: "Anh không hiểu lắm, nhưng vẫn muốn mua em".

Riêng Shark Phạm Thanh Hưng, gương mặt quen thuộc trong dàn "cá mập", kết luận: "Cứ xanh, sạch, xinh là xong".

Vì sao khen lại là vấn đề?

Chia sẻ với Zing, nhà báo Vũ Tiến Hồng - giáo sư báo chí tại Đại học Kansas (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ xuất bản cuối năm 2016 - nói rằng những lời bình phẩm vẻ ngoài xuất hiện trong một chương trình truyền hình được phát sóng trong khung giờ vàng như Shark Tank có nhiều vấn đề đáng bàn.

"Ai cũng muốn được khen nhưng trong trường hợp này lại hoàn toàn không ổn. Chương trình về kinh doanh, đầu tư phải dựa trên sản phẩm, kỹ năng của người tham gia để đánh giá. Xinh đẹp chắc chắn không phải một loại kỹ năng. Đánh giá ngoại hình hời hợt, nhập nhằng cũng là thiếu tôn trọng tài năng của người tham gia".

Theo ông Hồng, những nhận xét kể trên không chỉ cổ xúy bất bình đẳng giới mà còn củng cố những định kiến lạc hậu.

"Những quan niệm như 'Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu' đã quá lỗi thời và cần phải loại bỏ. Trước những nhận xét sỗ sàng trong một chương trình truyền hình như Shark Tank, người xem đã bắt đầu biết tức giận và phản đối thay vì mặc nhiên chấp nhận. Theo tôi, điều đó phần nào thể hiện sự tiến bộ về mặt nhìn nhận của khán giả ngày nay".

shark phu khen startup anh 3

Khen ngợi ngoại hình phụ nữ trong một chương trình kinh doanh

cũng là một hình thức phân biệt giới.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai, tác giả của hai cuốn sách Tôi Là Một Con Lừa và Con Đường Hồi Giáo, vấn đề không phải là khen mà khen phải đúng lúc, đúng chỗ.

Trong chương trình Shark Tank, các nhà đầu tư đóng vai trò giám khảo một cuộc thi phát sóng toàn quốc, tham gia vào cuộc đàm phán kinh tế thực sự. "Xinh đẹp hoàn toàn không liên quan đến cả ngữ cảnh lẫn tính chất của cuộc mặc cả kinh doanh này", bà Phương Mai cho biết.

Tiến sĩ cũng chỉ ra rằng nếu sắc đẹp được tôn vinh công khai thì sự xấu xí càng bị dè bỉu công khai.

"Ngày càng nhiều người trở thành nạn nhân của body shaming (nhận xét chê bai về cơ thể). Xã hội sẽ văn minh hơn khi ta có thể hạn chế những lời bình phẩm ngoại hình và tập trung vào tinh chất cũng như năng lực của mỗi cá nhân".

Theo Zing