Tác dụng ngăn ngừa trở nặng vì Covid-19 của người đã tiêm vắc xin
Cập nhật lúc 21:26, Thứ năm, 19/08/2021 (GMT+7)
Nguy cơ gặp các triệu chứng nghiêm trọng khi nhiễm Covid-19 tăng lên theo độ tuổi và tăng mạnh ở những người chưa được tiêm chủng.
Người phụ nữ dõi theo mẹ đang điều trị tại Trung tâm Y tế Herzog ở Israel
Israel là một trong những nước có tỷ lệ phủ vắc xin cao nhất thế giới. Nước này đã tổ chức tiêm hơn 12,3 triệu liều vắc xin, 62% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Trong số đó, hơn 420.000 người đã tiêm 3 liều. Đây là chiến dịch tiêm nhắc lại dành cho người già và những người dễ bị tổn thương khác.
Giáo sư Nadav Davidovitch, Người đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ Y tế Công cộng Israel, đánh giá: “Mặc dù hiệu quả của vắc xin Covid-19 có thể giảm đi phần nào trong vài tháng qua, nhưng những người được tiêm chủng vẫn được bảo vệ gấp 5 đến 10 lần so với những người không thể hoặc không muốn tiêm”.
Theo Bộ Y tế Israel, những người cao tuổi chưa được tiêm vắc xin có nguy cơ trở nặng khi nhiễm Covid-19 gấp 8 lần so với những người đã được tiêm chủng.
Tính đến ngày 16/8, Israel đã ghi nhận 159 ca Covid-19 nghiêm trọng trên 100.000 người trong số những người chưa được tiêm vắc xin hơn 60 tuổi. Con số này ở các bệnh nhân đã chủng ngừa là 20 người, chỉ bằng 1/8.
Đối với những người dưới 60 tuổi, tỷ lệ trở nặng ở bệnh nhân Covid-19 không được tiêm chủng là 2,4 ca trên 100.000 người - gấp 2,7 lần những người đã chủng ngừa.
Giáo sư Ran Balicer, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia của Israel về Covid-19, cho biết, không có gì phải bàn cãi rằng những người chưa được chủng ngừa có nguy cơ cao bị mắc Covid-19 nghiêm trọng.
Thời điểm tiêm chủng và tuổi của bệnh nhân ảnh hưởng đến khả năng trở nặng. Giáo sư Davidovitch thông tin: “Người tiêm vắc xin vào tháng 1 ít được bảo vệ hơn so với người được chủng ngừa vào tháng 3”. Biến thể Delta lây nhiễm nhiều hơn cũng tác động đến tỷ lệ các ca bệnh nghiêm trọng.
Cuối tháng trước, Bộ Y tế cho biết, hiệu quả của vắc xin Pfizer trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh và các triệu chứng nhẹ đã giảm xuống 40%, dữ liệu có thể bị sai lệch do lượng mẫu nhỏ. Tuy nhiên, vắc xin Pfizer - được sử dụng phổ biến ở Israel, vẫn đạt hiệu quả lần lượt là 88 và 91% trong ngăn ngừa nhập viện và các triệu chứng nghiêm trọng.
Thủ tướng Naftali Bennett và Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz đã tổ chức cuộc thảo luận với Giám đốc điều hành các tổ chức y tế của Israel để tăng tốc độ tiêm chủng trên khắp đất nước.
Ông Bennett chỉ trích những người từ chối tiêm vắc xin gây nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân, những người xung quanh và tất cả công dân Israel.
Giáo sư Hagai Levine, nhà dịch tễ học tại Đại học Hebrew, khẳng định, mục đích của vắc xin là chống lại tỷ lệ tử vong và bệnh nặng.
“Hiện nay có vẻ như tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng thấp hơn 4-5 lần ở những người được tiêm chủng. Việc kiểm tra dữ liệu đầy đủ hơn, điều chỉnh độ tuổi cho thấy vắc xin thậm chí còn hiệu quả hơn”, ông Levine nhận định.
Theo vietnamnet