"Mục đích chính là phục vụ đạo Hồi, do đó bắt buộc phải có Bộ Tuyên truyền Đạo đức", Mohammad Yousuf ngày 13/9 giải thích quyết định tái lập Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại của Taliban. "Chúng tôi sẽ trừng phạt theo các quy tắc của đạo Hồi. Chúng tôi sẽ trừng phạt theo cách đạo Hồi hướng dẫn".
Yousuf cho biết các "tội lỗi lớn theo đạo Hồi" bao gồm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, giết người và trộm cắp sẽ bị trừng phạt.
"Có các quy tắc khác nhau với tội giết người. Nếu bạn biết một người và cố ý giết người này, bạn sẽ bị xử tử. Nếu không cố ý, bạn có thể lĩnh hình phạt như trả một số tiền nhất định", Yousuf nói. "Ai ăn trộm sẽ bị chặt tay. Những kẻ quan hệ tình dục trái phép sẽ bị ném đá".
Taliban sẽ áp dụng phương thức trừng phạt hà khắc với cả nam lẫn nữ, dù nhóm này trước đây chỉ áp dụng hình thức ném đá với phụ nữ. Yousuf nói phải có 4 nhân chứng và những người này "phải kể cùng câu chuyện" để đi đến quyết định xử phạt.
"Nếu có khác biệt nhỏ trong câu chuyện, không có hình phạt nào cả. Nhưng nếu tất cả nói cùng một điều, theo cùng một cách và vào cùng thời điểm, sẽ có hình phạt", Yousuf nói. "Tòa án tối cao sẽ xem xét những vấn đề này. Nếu họ kết án, chúng tôi sẽ thi hành hình phạt".
Trong thời kỳ Taliban cầm quyền tại Afghanistan năm 1996-2001, Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại áp những hạn chế nghiêm ngặt với phụ nữ bao gồm yêu cầu mặc quần áo trùm kín người burqa, phải có người thân là nam giới đi kèm mỗi khi ra khỏi nhà và không được đi học sau khi hết lớp 6.
Cơ quan này khi đó áp đặt thời gian cầu nguyện cố định, yêu cầu đàn ông để râu, cấm hút thuốc, cấm âm nhạc và các hình thức giải trí khác như cờ vua, khiêu vũ và thả diều. Các đội cảnh sát đạo đức đi tuần trên đường phố, những người vi phạm phải đối mặt với hình phạt khắc nghiệt như quất roi, chặt tay, ném đá và hành quyết công khai.
Tuy nhiên, Yousuf nói Bộ Tuyên truyền Đạo đức và Phòng chống Đồi bại tái lập "sẽ khác lần trước", do thời kỳ 1996 - 2001 không có nhiều học giả Hồi giáo xác định các quy tắc. Yousuf khẳng định các học giả Hồi giáo sẽ xác định tất cả quy tắc sau khi Taliban hoàn tất thành lập chính phủ.
"Lần trước chúng tôi sử dụng vũ lực để thực hành đạo Hồi và các quy tắc, song lần này không giống vậy. Chúng tôi sẽ hướng dẫn mọi người, giúp họ hiểu đâu là điều tốt và điều xấu", Yousuf nói.
"Chúng tôi có thể dùng vũ lực, song chúng tôi trước tiên sẽ thực hiện bằng trái tim rộng mở. Nhưng nếu người Afghanistan liên tục vi phạm, chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực".
Yousuf cho biết các đơn vị cảnh sát đạo đức có thể được tái lập song sẽ ít hơn trước. Taliban sẽ sớm xác định cách thức ăn mặc của phụ nữ và liệu họ có thể được đi học và đi làm đầy đủ hay không. Yousuf cam kết chương trình giảng dạy của các trường vẫn được giữ nguyên, song sẽ loại bỏ mọi chủ đề "đi ngược giáo lý của Hồi giáo".
Hafiz Habib, Thứ trưởng Hành hương và Các vấn đề tôn giáo, ngày 9/9 cho biết hình phạt trong thời kỳ cầm quyền mới của Taliban sẽ do các luật sư Hồi giáo quyết định.
"Bộ Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm, chúng tôi có các thẩm phán và họ sẽ đưa ra quyết định", Habib nói và cho biết các thẩm phán Afghanistan chưa biết rõ về những quy định pháp lý sẽ được áp dụng.
Habib nói rằng đạo Hồi cho phép phụ nữ được hưởng đầy đủ quyền. "Phụ nữ có thể tới văn phòng nếu họ có công việc. Phụ nữ có thể mặc những gì họ thích", Habib nói. "Trang phục trùm kín cơ thể burqa không còn là bắt buộc, chỉ cần khăn trùm đầu hijab là đủ. Phụ nữ nên đi học".
Chương trình giảng dạy tại các trường sẽ tiếp tục có các môn như khoa học và toán, đồng thời sẽ được bổ sung các môn học về đạo Hồi. Habib cho biết Bộ Hành hương và Các vấn đề tôn giáo Afghanistan sẽ thành lập một hội đồng các lãnh đạo Hồi giáo đưa ra chỉ dẫn theo phong tục của người Pashtun nhằm xây dựng tài liệu cuối cùng.
"Phụ nữ sẽ được tham gia cuộc họp nếu họ đạt trình độ cao nhất về kiến thức đạo Hồi và phải là học giả Hồi giáo toàn phần", Habib nói. Quan chức này khẳng định Taliban thực hiện lệnh ân xá chung, mọi thành viên của nhóm bị cấm làm hại hoặc trả thù bất cứ người Afghanistan nào. Thành viên Taliban nào bất tuân mệnh lệnh sẽ bị trừng phạt thích đáng.
"Một trong những điều tốt nhất của luật Hồi giáo là mọi thứ đều bình đẳng", Habib cho biết. "Mọi người có thể tới một nơi để gửi khiếu nại và chúng sẽ được xử lý. Những địa điểm này có một lãnh đạo chịu trách nhiệm về mọi thứ".
Bất chấp Taliban tuyên bố Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ mang tính toàn diện và đa dạng, ban lãnh đạo hiện tại chỉ bao gồm những người theo đường lối cứng rắn của nhóm, không có phụ nữ hay đại diện của các dân tộc thiểu số. Bộ Phụ nữ Afghanistan dường như đã bị giải tán.
Theo vnexpress