Nền kinh tế ở Mỹ Latinh suy giảm nhiều nhất
Trước khi Covid-19 xuất hiện, chị Lorena Rodriguez, 47 tuổi, làm nghề bảo mẫu ở thành phố biển Valparaiso, Chile. Cùng với thu nhập từ mức lương hưu khá cao của chồng (từng là một sỹ quan quân đội), cả hai có khoảng 700.000 peso (905 USD) mỗi tháng. Họ thậm chí còn có nhà riêng tại một khu phố sầm uất thuộc trung tâm của Valparaiso. Không mất tiền thuê nhà, thu nhập hằng tháng của cả hai vợ chồng đủ để họ sống ung dung cùng với 2 đứa con của mình.
Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, Rodriguez bị mất việc làm vì gia đình thuê bảo mẫu e ngại Rodriguez sẽ lây nhiễm Covid-19 trong quá trình di chuyển bằng xe bus. Công việc của chị là bán thời gian, không có hợp đồng lao động. Thế nên Rodriguez không thể nhận các khoản trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ xã hội, mặc dù sống ở một trong những quốc gia giàu có nhất khu vực. Khoản tiền hỗ trợ khẩn cấp 100.000 peso (126 USD) từ chính phủ nhanh chóng cạn kiệt, Rodriguez buộc phải đến tiệm cầm đồ. Chị đã cắn răng đặt nhẫn, vòng tay để vay 340.000 peso và dùng khoản tiền này để chi tiêu cho gia đình.
Lorena Rodriguez, 47 tuổi, làm nghề bảo mẫu, đang khoe chiếc vòng tay bằng vàng trước khi mang đến hiệu cầm đồ do nhà nước quản lý ở Quilpue, Chile. Ảnh: Rodrigo Garrido
Chị Rodriguez than thở: "Chúng tôi đã từng có một cuộc sống thoải mái và yên ấm. Tuy không quá giàu có nhưng chúng tôi chưa bao giờ phải lo lắng về chuyện cơm áo gạo tiền. Nhưng bây giờ mọi thứ thật khó khăn và điều khiến tôi đau đầu nhất là không biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt".
Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, khu vực Mỹ Latinh đã từng rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, sang những năm đầu của thế kỷ 21, nền kinh tế ở Nam Mỹ đã tăng trưởng mạnh, hàng hóa phát triển, giúp hơn 60 triệu người thoát nghèo và lọt vào tầng lớp trung lưu.
Do ảnh hưởng của Covid-19, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, nền kinh tế của khu vực có 650 triệu dân này sẽ suy giảm hơn 9% trong năm 2020. Đây là mức thụt lùi tồi tệ nhất trong số các nước đang phát triển.
Đói nghèo sẽ trở lại mức của năm 2005
Nhiều nhà kinh tế cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phô bày những điểm yếu cố hữu: phụ thuộc quá nhiều vào các lĩnh vực năng suất thấp như khai thác mỏ, nông nghiệp; lao động bán chính thức lại quá nhiều, hệ thống thuế không hiệu quả, thiếu sự công bằng…
Theo tiến sỹ Asier Hernando, Giám đốc khu vực Mỹ Latinh của Tổ chức Oxfam, đại dịch Covid-19 có thể khiến hơn 52 triệu người ở Nam Mỹ rơi vào cảnh nghèo đói và khiến hơn 40 triệu người khác mất việc làm. Phụ nữ và các cư dân bản địa tại đây sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Hernando ví von: "Nếu không có bức đệm, khi bạn ngã, bạn sẽ rất đau. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực Mỹ Latin nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Dịch bệnh khiến mọi vấn đề xã hội ở đây bị đảo lộn và xung đột sẽ kéo dài trong nhiều năm".
Sau các cuộc biểu tình ở một số quốc gia Nam Mỹ vào năm 2019, đại dịch Covid-19 càng khiến người dân Mỹ Latinh khốn đốn hơn bởi nạn đói, tình trạng bất bình đẳng và thiếu sự hỗ trợ của nhà nước.
Đại dịch Covid-19 khiến hơn 52 triệu người ở khu vực Mỹ Latinh rơi vào cảnh nghèo đói. Ảnh: Rodrigo Garrido
Năm ngoái, các cuộc biểu tình ở Chile diễn ra khắp nơi, làn sóng giận dữ của người dân tăng cao. Ở Peru, quốc hội đã cố gắng phế truất tổng thống và bộ trưởng kinh tế vì sự chậm trễ và thiếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. Ở Venezuela, quốc gia vốn đã rơi vào vòng xoáy nghèo đói trước khi Covid-19 xảy ra, các cuộc tuần hành phản đối về tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm ngày càng gia tăng.
Tăng và giảm
Mặc dù Covid-19 xuất hiện ở Mỹ Latinh khá muộn, nhưng khu vực này lại bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. 5 trong số 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới về các bệnh nhiễm trùng đều thuộc về Mỹ Latinh. Dân số ở Nam Mỹ chỉ chiếm 8% dân số toàn cầu, nhưng số ca tử vong vì Covid-19 tại đây lại chiếm đến 34% số ca tử vong trên thế giới.
Các nhà dịch tễ học lý giải, nghèo đói là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thảm cảnh này. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại Nam Mỹ, có tới 58% lao động phi chính thức và rất nhiều người trong số này không thực hiện lệnh giãn cách xã hội bởi họ phải tìm việc kiếm sống nếu không sẽ bị chết đói.
Theo Ủy ban Kinh tế của Liên hợp quốc về Châu Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC), khu vực Mỹ Latinh có khoảng 2,7 triệu doanh nghiệp, tương đương gần 20% số công ty, sẽ phải đóng cửa. Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Covid-19 đã khiến 34 triệu người ở Mỹ Latinh mất việc làm, chỉ 12% công nhân ở khu vực này đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, so với 44% ở Bắc Mỹ và châu Âu. Điều này đã khiến đội quân lao động tự do và các doanh nghiệp mới thành lập rơi vào khủng hoảng trầm trọng, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latinh trong nhiều năm tới.
Goodny Aiquipa, một chủ cửa hàng kinh doanh quần áo 36 tuổi ở thủ đô Lima, Peru cho biết, trong 2 tháng qua, chị không thể trả tiền học cho con gái mình do ảnh hưởng của Covid-19. Dịch bệnh bùng phát ở Peru, nơi thiệt hại tính theo đầu người nhiều nhất thế giới, đã buộc chị Aiquipa phải đóng cửa hàng áo phông của mình. Chị chia sẻ: "Tôi đã bị chậm hơn một tháng tiền thuê mặt bằng, tiền điện và nước".
Theo bà Alicia Barcena, Thư ký điều hành của ECLAC, những người dân nghèo ở Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất việc làm. Cứ 10 người thì có đến 8 người phải sống với khoản thu nhập thấp hơn 3 lần mức nghèo khổ.
Đóng cửa trường học
Chính phủ các quốc gia Nam Mỹ đang phải gồng gánh những món nợ lớn, trong khi các gói cứu trợ đến từ Hoa Kỳ và châu Âu vẫn như "muối bỏ bể". Tại Guatemala, nơi chi tiêu xã hội thuộc hàng thấp nhất khu vực, các doanh nhân Aura Cartagena và Erwin Pozuelos vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Để có tiền duy trì trường học của họ ở Guatemala, bộ đôi này đã phải bán xe hơi và các tài sản giá trị của mình để trả lương cho 25 nhân viên. Nhưng tình trạng này kéo dài không được bao lâu và sau đó, họ buộc phải đóng cửa trường học. Cartagena, 51 tuổi, giờ đây phải chuyển đến ở trọ một căn phòng chật chội dù trước đây, bà sở hữu một ngôi nhà rất đẹp đẽ và hoành tráng.
Ông Erwin Pozuelos từng sở hữu trường học tư ở Guatemala nhưng giờ ông phải đóng cửa vì ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Luis Encheverria
Và chuyện không chỉ xảy ra với bộ đôi Cartagena và Pozuelos. Một loạt các công ty lớn hơn, từ các hãng hàng không hiện đại đến các tập đoàn năng lượng, cũng đã buộc phải sa thải nhân viên hoặc đóng cửa vì không đủ tài chính để hoạt động.
Các nhà kinh tế cảnh báo, cuộc khủng hoảng sẽ khiến hàng triệu người Mỹ Latinh từng có việc làm chính thức, ổn định nhưng giờ đây phải làm những công việc phi chính thức, bấp bênh với mức lương thấp hơn, ít phúc lợi hơn và ít được bảo vệ hơn. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc dự đoán, 16 triệu người trong khu vực Mỹ Latinh sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong năm 2020.
Tại Brazil, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Mỹ, chính phủ cực hữu của Tổng thống Jair Bolsonaro đã từ bỏ các chính sách thắt lưng buộc bụng đối với các khoản chi trả phúc lợi nhằm giảm nghèo trong ngắn hạn. Nhưng chính sách này cũng sẽ không duy trì được lâu và cũng không thể giúp người dân thoát khỏi khủng hoảng.
Anh Douglas Felipe Alves Nascimento, 21 tuổi, chuyển đến Sao Paulo vào đầu năm nay để làm việc trong một công ty dệt may sau nhiều năm làm công việc xây dựng một cách bán thời gian. Tiền lương ít ỏi đủ để Douglas thuê một căn phòng nhỏ, mua nhu yếu phẩm, hoàn thành nốt việc học và lấy bằng tốt nghiệp trung học.
Anh Douglas Felipe Alves Nascimento, từng làm việc ở công ty dệt may tại Sao Paulo và giờ anh chuyển sang đi bán kẹo kéo dạo. Ảnh: Carlos Jasso
Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Douglas là một trong những người đầu tiên mất việc. Đến tháng 7/2020, anh đã phải bán những thứ quý giá của mình để trang trải tiền thuê nhà. Khi hết tiền, Douglas chuyển đến nhà của một người truyền đạo Công giáo để ăn nhờ, ở đậu và thậm chí còn phải xin cả quần áo để mặc. Douglas than vãn: "Đại dịch Covid-19 đã khiến tôi mất tất cả và giờ, tôi là một kẻ trắng tay".
N.A (Theo Reuters)