Khoe sản phẩm nem cuốn
Trong không khí vẫn ngập tràn sắc xuân Việt Nam trong Nhà hàng “Hồn Việt” ở Trung tâm Văn hóa – Thương mại Hà Nội – Moscow, một hoạt động rất thiết thực của các em trở nên thực sự có ý nghĩa. Hơn hai chục sinh viên, phần lớn đang học năm thứ Nhất và thứ Hai của các khoa tiếng Việt, khoa Phương Đông Học mà chuyên ngành chính là ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam của các trường Đại học danh tiếng của Nga.
Chính bởi vậy, những tiết mục “thi tài” được tổ chức như văn nghệ với múa, hát, đọc thơ; “hái hoa dân chủ” với các câu hỏi về lịch sử, văn hóa, phong tục truyền thống của Việt Nam và thi nấu những món ăn Việt… đều được lựa chọn không quá khó.
Diễn ra dịp Rằm tháng Giêng, các em sinh viên Học viện Ngoại giao đã chọn đọc bài thơ “Nguyên Tiêu” của Bác Hồ bằng cả hai thứ tiếng Hán Nôm và tiếng Việt, đồng thời hát những bài dân ca Việt Nam như “Trống Cơm”, “Đi cấy”… nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả.
Ba cô gái xinh tươi trong tà áo dài màu cánh sen với bài “Múa Đũa” rất điêu luyện và không kém sắc thái Việt … cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban Giám khảo và các khán giả có mặt trong cuộc vui của các em.
Những câu hỏi về văn hóa, lịch sử Việt Nam như những ngày lễ lớn, những nữ anh hùng Việt Nam; rồi về những nét văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam như những ngày lễ cổ truyền, món ăn truyền thống của Việt Nam … được các em trả lời với những mức độ hiểu biết khác nhau trở thành cơ hội để các em học bài ngay tại cuộc vui.
Thầy Andrey Lvovich, Chủ nhiệm khoa Phương Đông, lần đầu tiên tham gia hoạt động hữu ích này của các em, nhận xét: “Đây chính là do các em có nhu cầu được hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam. Tại cuộc thi, có những câu hỏi đơn giản nhưng rất phong phú về văn hóa, lịch sử, truyền thống của Việt Nam… để các em tìm hiểu và trả lời. Hoạt động này cũng tạo cho các em có môi trường thực tế khi trực tiếp tham gia các tiết mục khác nhau và cùng làm với với các chuyên gia. Các em còn chưa được sang Việt Nam nên những dịp như thế này là rất tốt để các em được giao tiếp với chính các bạn Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một hoạt động rất hay”.
Thấy cũng cho biết thêm rằng, số sinh viên học tiếng Việt cũng như nghiên cứu Việt Nam sẽ là rất cần thiết trong tương lai do mối quan hệ đặc biệt Nga – Việt.
Phần hấp dẫn nhất đối với các đội tham gia cuộc thi chính là cùng nhau chuẩn bị những món ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Các em chia thành 3 đội, bắt thăm chọn một món đội mình làm trong 3 món là bánh trôi, bánh chay và nem cuốn. Những đôi tay nam, nữ sinh viên lần đầu được tiếp xúc với những thực phẩm Việt để chế biến món ăn cổ truyền Việt Nam, còn lóng ngóng khi thao tác và họ đã rất quan sát, nghe sự hướng dẫn của các “chuyên gia” Việt Nam… thế nhưng, chỉ sau hơn nửa tiếng đồng hồ, những món ăn “đạt chuẩn” với hình thức rất hấp dẫn, được mang ra mời Ban Giám khảo nếm, chấm điểm… và đã nhận được những điểm số “tuyệt đối”.
Nguyễn Thanh Hà, một nghiên cứu sinh ngành sư phạm đồng thời đang là giảng viên tiếng Việt cho các sinh viên Nga, chính là người khởi xướng hoạt động này, bắt đầu từ dịp Tết Nguyên tiêu năm ngoái.
Thanh Hà cho biết: “Bản thân em là nghiên cứu sinh năm thứ ba của trường Sư phạm Moscow. Năm nay em sắp tốt nghiệp rồi, nhưng vì em đang dạy tiếng Việt ở trường Phương Đông học, dạy được 2 năm rồi, em dạy tiếng Việt và Văn học Việt. Xuất phát từ việc là một cô giáo nên em muốn các em được thực hành tiếng Việt nhiều hơn, biết đến và yêu Việt Nam thực tế hơn qua các món ăn, qua văn nghệ cũng như được tiếp xúc với người Việt Nam. Trước hết, với hoạt động này, em muốn sinh viên của mình học tiếng Việt được tốt hơn, còn sau đó là để những người nước ngoài ở nước Nga biết đến Việt Nam nhiều hơn và yêu Việt Nam hơn”.
Và cuối cùng, tất cả các đội đều trở thành “người chiến thắng” khi qua cuộc vui này họ đã có thêm không ít những kiến thức cơ bản về một số nét lịch sử, văn hóa đặc sắc của đất nước và con người Việt Nam.
Kết thúc các phần thi, tất cả các em đều rất hài lòng với những gì mình đạt được. Đông đảo đại biểu là khách mời danh dự như lãnh đạo Phòng Công tác lưu học sinh của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, các thầy cô, bạn bè từ các trường Đại học ở thủ đô Moscow, nơi có chuyên ngành Việt Nam học… đã tới chia sẻ niềm say mê tìm hiểu, nghiên cứu Việt Nam của các em sinh viên Nga.
Và đúng như Thanh Hà nói, đây sẽ là hoạt động thiết thực giúp sinh viên Nga hiểu hơn về Việt Nam và quan trọng hơn là giúp người Nga hiểu hơn, yêu hơn văn hóa, đất nước và con người Việt Nam./.
Theo VOV.VN