Viện trợ eo hẹp, bom đạn bủa vây

Theo hãng tin Reuters, ngày 23/10, đoàn xe cứu trợ thứ ba đã tiến vào cửa khẩu Rafah từ Ai Cập để tới Dải Gaza. Những chuyến hàng nhân đạo bắt đầu chuyển đi vào ngày 21/10, sau khi tranh cãi về thủ tục kiểm tra và các vụ bắn phá ở biên giới Gaza khiến đoàn xe bị kẹt ở Ai Cập.

Nhân viên y tế Palestine chăm sóc cho một đứa trẻ vừa được kéo ra khỏi đống đổ nát do bom đạn tại Dải Gaza vào ngày 22/10 - Nguồn ảnh: AP
Nhân viên y tế Palestine chăm sóc cho một đứa trẻ vừa được kéo ra khỏi đống đổ nát do bom đạn tại Dải Gaza vào ngày 22/10 - Nguồn ảnh: AP

 

Kể từ khi Israel áp đặt "hoạt động bao vây toàn diện" khu vực này để trả đũa cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, Rafah trở thành tâm điểm của các nỗ lực cung cấp viện trợ. Trong ngày 21-22/10, 34 xe tải viện trợ đã đến Gaza - ít hơn nhiều so với con số cần là 100 xe tải mỗi ngày theo các quan chức Liên hiệp quốc (LHQ) - nhằm cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân Palestine.

LHQ và các tổ chức khác đang trong một cuộc “thảo luận khó khăn” với Chính phủ Israel về chế độ kiểm tra viện trợ, bao gồm một hệ thống theo dõi việc sử dụng nhiên liệu. Phía Israel lo ngại các chiến binh Hamas có thể lợi dụng nhiên liệu cứu trợ vào các hoạt động chống lại họ.

Dải Gaza - nơi sinh sống của 2,3 triệu người - đang chứng kiến cảnh dự trữ lương thực, nước và nhiên liệu cạn kiệt. Philippe Lazzarini - người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông của LHQ (UNRWA) - cho biết vào ngày 22/10: “Nhiên liệu - vấn đề quan trọng với Gaza - dự kiến sẽ hết trong 3 ngày nữa trong khi các đoàn xe viện trợ còn quá ít”.

Ông Lazzarini nói thêm: "Không có nhiên liệu đồng nghĩa với không có nước sạch, không có bệnh viện và tiệm bánh mì. Viện trợ sẽ không đến được với nhiều thường dân đang gặp khó khăn”.

Sáng 23/10, Israel cho biết họ đã tấn công hơn 320 “mục tiêu quân sự” trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, Mahmoud Basal - người phát ngôn của đơn vị dân phòng Palestine tại dải Gaza - tiết lộ: các hoạt động cứu hộ đang trở nên khó khăn hơn do quy mô tàn phá của bom đạn. Ông nói: “Cơ hội tìm thấy những người sống sót đang giảm dần”. 

Viết tên lên cơ thể

Ngồi trong Bệnh viện Al-Shifa ở TP Gaza, giữa những tiếng than khóc và không khí tang tóc, Ahmed Abu Al-Saba (35 tuổi) đang viết tên mình lên cánh tay. Al-Saba nói: “Chúng tôi viết tên lên tay của mình và con cái để có thể nhận dạng nhau nếu chẳng may bị thiệt mạng do bom đạn”.

Al-Saba là một trong số hàng trăm người Palestine, đặc biệt là trẻ em, đã viết tên mình lên cơ thể. Theo Bộ Y tế Gaza, tính đến ngày 23/10, gần 5.100 người Palestine đã thiệt mạng do chiến tranh, trong đó khoảng 40% là trẻ em. Bên trong nhà xác của một bệnh viện tại Gaza, thi thể của 3 đứa trẻ nằm trên chiếc khay thép, ống quần của chúng được kéo lên, để lộ những cái tên viết bằng mực đen trên da.

Bác sĩ Abdul Rahman Al Masri - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Al-Aqsa - nói với đài CNN: “Một số cha mẹ viết tên con lên chân và bụng của chúng. Điều này nghĩa là họ cảm thấy nguy hiểm chực chờ và có thể bị thương hoặc chết bất kỳ lúc nào". Người giám sát phòng an táng tại Bệnh viện Al-Aqsa nói thêm: “Nhiều đứa trẻ mất tích, một số được đưa đến đây với hộp sọ bị vỡ và không thể xác định được danh tính. Chúng tôi chỉ có thể nhận dạng chúng qua cái tên viết trên cơ thể”.

Các nhân viên y tế cũng bắt đầu nhận thấy tác động của tình trạng thiếu nhiên liệu. Bác sĩ Fu'ad al-Bulbul - Trưởng khoa Sơ sinh tại Bệnh viện Al-Shifa - cảnh báo: hầu hết trẻ sơ sinh tại bệnh viện sẽ chết nếu hết nhiên liệu. Ông giải thích trong một đoạn video: “Nếu bệnh viện mất điện, đó sẽ là thảm họa. Hầu hết các em bé đang dùng máy thở sẽ chết vì chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ hô hấp bằng tay cho vài đứa trẻ”. Bác sĩ nói thêm rằng hầu hết trẻ sơ sinh đều bị bệnh nặng và đội ngũ y tế của ông đã kiệt sức sau 18 ngày làm việc liên tục. 

Theo phụ nữ TPHCM